Những mảng sáng - tối của bức tranh kinh tế Việt Nam 2021

31-12-2021 13:14|Thùy Dung

Nền kinh tế Việt Nam trải qua năm 2021 đầy biến động, khó khăn bởi COVID-19. Bên cạnh "mảng tối" từ hệ lụy dịch bệnh toàn cầu, Việt Nam vẫn gặt hái những kết quả ngoạn mục với nhiều "điểm sáng".

Thăng hạng "quyền lực mềm toàn cầu"

Ngày 25/2, tại "Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu" do Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới tổ chức nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.

Đánh giá của Brand Finance cho thấy, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Lọt "top" 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021.

bang-xep-hang-chi-so-logisstic.png

Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.

Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF

doi-thoai-chien-luoc-viet-nam.jpg

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Cuộc đối thoại có sự tham dự của gần 70 tập đoàn hàng đầu ở khu vực và toàn cầu đã và đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn đồng hành khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu kinh tế.

Khẳng định vị thế hội nhập sau 15 năm Việt Nam gia nhập WTO

Ngày 7/11/2021 đánh dấu 15 năm Việt Nam được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (7/11/2006-7/11/2021). Theo WTO, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá.

Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD thì đến năm 2021 đã lên tới trên 667 tỷ USD, tăng gấp hơn 7 lần. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm; trong đó năm 2020 ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Cùng với WTO, 17 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP.

Thị trường chứng khoán ghi nhận những kỷ lục chưa từng có

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020.

su-kien-kinh-te-noi-bat-2021-2(1).jpg

Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.

Riêng trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán trong năm.

Sản xuất theo kiểu “thời chiến”

Lần đầu tiên sản xuất kiểu "thời chiến", nhà xưởng là pháo đài, một cách sản xuất chưa có tiền lệ như "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"... Mặc dù còn nhiều vướng mắc trong giai đoạn đầu nhưng phương thức sản xuất trên cũng hỗ trợ các doanh nghiệp phần nào để duy trì sản xuất trong những lúc dịch căng thẳng nhất.

su-kien-kinh-te-noi-bat-2021(1).jpg

Các phương thức vừa chống dịch, vừa sản xuất đã giúp các doanh nghiệp vẫn đảm bảo "mục tiêu kép" khi vừa chống dịch, vừa sản xuất và giữ công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, do tính chất của mô hình và đặc thù của nhà xưởng, mô hình này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và đã "hoàn thành sứ mệnh" của mình khi các doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất trong trạng thái "bình thường mới".

Nhiều doanh nghiệp đã chuyển qua làm việc từ xa (Work From Home), hầu hết các doanh nghiệp đều tổ chức lại bộ máy, kế hoạch kinh doanh, thay đổi phương thức làm việc của doanh nghiệp… trước vòng xoáy và hệ lụy của COVID-19.

GDP tăng trưởng dương bất chấp địa dịch

Tăng trưởng dù ở mức thấp nhất trong thập kỷ vừa qua do đại dịch nhưng cuối cùng, GDP vẫn tăng trưởng dương. Lần đầu tiên từ khi thống kê GDP theo quý kể từ năm 2000, Việt Nam ghi nhận một quý tăng trưởng âm (quý III, GDP giảm 6,17%). Riêng đầu tàu kinh tế TP. HCM dẫn đầu với mức giảm GDP tới 24,39%.

gdp-2021.png
Tốc độ tăng/giảm GDP các quý năm 2021 (%). Nguồn: GSO

Nền kinh tế thế giới trượt dốc vì COVID-19 khiến Việt Nam cũng không thể đứng ngoài vòng xoáy suy thoái bởi Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tuy nhiên vượt qua giai đoạn đứt gãy chuỗi cung ứng, Việt Nam đã có những cú "lội ngược dòng" khi các chỉ số kinh tế đều bật lên nhờ vào xuất khẩu, thu hút FDI, tiêu dùng nội địa... Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cán mốc 668,5 tỷ USD, ước tăng tới 123 tỷ USD so với năm 2020 và là mức cao nhất từ trước đến nay.

gdp-viet-nam.jpg

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm nay tăng 5,22% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn tốc độ tăng 4,61% của năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng của quý IV các năm 2011-2019. GDp quý IV tăng kéo theo GDP cả năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%, quý II tăng 6,73%, quý III giảm 6,02%, quý IV tăng 5,22%).

Thanh tóan không tiền mặt “lên ngôi”

Dịch COVID-19 được đánh giá là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam. Người Việt dùng thương mại điện tử tăng vọt, thúc đẩy chuyển đổi số, phương thức kinh doanh của mọi doanh nghiệp.

su-kien-kinh-te-noi-bat-2021-3(1).jpg

Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được ghi nhận sẽ là thị trường phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á vào năm 2026, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử đạt 56 tỉ USD, gấp 4,5 lần giá trị ước tính vào năm 2021.

Đấu giá đất đạt mức kỷ lục

Thị trường bất động sản cả nước xôn xao vụ đấu giá đất tại khu đô thị Thủ Thiêm, TP. HCM, với mức trúng đấu giá lên tới gần 2,4 tỷ đồng, gấp 8 lần giá khởi điểm. Cuộc đấu giá diễn ra kịch tính với sự xuất hiện của nhiều "đại gia", dư luận cả nước đặc biệt quan tâm. TP. HCM thu 37.000 tỷ đồng từ đấu giá 4 lô đất ở Thủ Thiêm.

Cách làm công khai và hướng đi mới cho giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch rồi đấu giá tăng doanh thu cho Nhà nước mà doanh nghiệp được cạnh tranh lành mạnh, người dân cũng được hưởng lợi. Tuy nhiên không ít lo lắng về mặt bằng giá đất tăng, băn khoăn khả năng có chủ ý nhằm kéo mặt bằng giá chung cho khu vực đó lên cao.

dat-vang-thu-thiem.jpg

Cũng còn nhiều lo ngại giá đất bị đẩy lên cao từ các cuộc đấu giá, cơ hội tiếp cận nhà ở của đại bộ phận người dân sẽ trở nên xa vời hơn. Thế nhưng, điều này cũng mở ra một hướng nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế để tối đa hóa nguồn lực đất đai.

Khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên 

Ngày 6/11, Bộ Giao thông Vận tải và Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh-Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác.

duong-sat-tren-cao.jpg

Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu.

Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.

Nên hay không việc Ngân hàng Nhà nước mua trái phiếu Chính phủ?

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-mang-sang-toi-cua-buc-tranh-kinh-te-viet-nam-2021-121157.html
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Những mảng sáng - tối của bức tranh kinh tế Việt Nam 2021
POWERED BY ONECMS & INTECH