Vĩ mô

Những thời khắc 'ngàn cân treo sợi tóc' chưa từng có tiền lệ trong cơn bão số 3

Phúc Lam 15/09/2024 17:33

Trong hai ngày 14/9 và 15/9, ba chương trình đặc biệt hướng về đồng bào miền lũ được Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện để người dân có cái nhìn toàn cảnh về mưa lũ tại miền Bắc.

Chương trình “Hướng về đồng bào nơi bão lũ” được truyền hình trực tiếp vào 20h10 ngày 14/9 trên kênh VTV1. Chương trình có thời lượng 1 tiếng 51 phút, chia thành 4 phần, đem đến cho khán giả những hình ảnh chân thực về sức tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 3 đối với đồng bào ta cùng sự đồng lòng, chỉ đạo kịp thời của hệ thống chính trị và các cấp chính quyền.

Tại chương trình, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Đây có thể nói là một trận cuồng phong, không còn là một cơn bão nữa”. Đến thời điểm hiện tại, đây là cơn bão mạnh nhất về tốc độ gió trên thế giới, chỉ trong vòng 48 tiếng khi đổ bộ vào Biển Đông, cơn bão đã tăng liền 4 cấp, lên mức cuồng phong.

Những thời khắc 'ngàn cân treo sợi tóc' chưa từng có tiền lệ trong cơn bão số 3
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ về những giây phút gay cấn trong cơn bão số 3 - Ảnh: VTV

Đây cũng là cơn bão đầu tiên với sức gió giật cấp 15 đổ bộ vào Việt Nam (Hải Phòng và Quảng Ninh) và đứng yên tại Hải Phòng, Quảng Ninh gần 5 tiếng nên đã để lại những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề về người và tài sản.

Bên cạnh đó, cơn bão cũng đã gây mưa trên diện rộng, rất nhiều sông ở miền Bắc Việt Nam đã lên mức báo động. Cơn bão số 3 được coi là cơn bão lịch sử, để lại hậu quả vô cùng nặng nề đối với đồng bào ta.

Trong cơn bão lịch sử này, những thời khắc “ngàn cân treo sợi tóc”, gay cấn đã xảy ra và có nhiều vấn đề mà cần Chính phủ quyết định, chưa từng có tiền lệ.

Ông Hiệp đưa ví dụ về Thủy điện Thác Bà khi khánh thành năm 1962, lũ về tối đa 3.000m3/s và thiết kế xả 3.200m3/s. Nhưng cơn bão số 3 đã khiến Thủy điện Thác Bà rơi vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi lũ lên đến 5.600m3/s vào sáng ngày 10/9.

Trước tình thế khẩn cấp, ngay giữa trưa ngày hôm đó, Thủ tướng tổ chức họp và di dời ngay lập tức hơn 10.000 dân trong 4 tiếng đồng hồ, đồng thời ra lệnh có thể phá đập phụ để cứu đập chính vì khi 3 tỷ m3 nước ấy tràn xuống sông Chảy, ra sông Lô làm mực nước tại Yên Bái tăng thêm ít nhất 3m.

Ông đưa ví dụ khác về Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Khi lũ ở sông Hoàng Long lên cao, có thể buộc phải phá đê sông Hoàng Long. Thủ tướng cũng yêu cầu ngay Nhà máy thủy điện Hòa Bình dừng ngay phát điện, điều này đã khiến lũ ở sông Hồng, sông Đáy giảm nên không cần phải phá đê.

Ông Hiệp chia sẻ: “Đây là những tình huống rất gay cấn và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử”.

Công tác phòng chống thiên tai đã được tiến hành từ rất sớm, đặc biệt là công tác dự báo. Tuy nhiên đây là cơn bão có nhiều yếu tố lịch sử, vì thế dù đã rất nỗ lực cố gắng nhưng thiệt hại vẫn rất lớn, ông Hiệp chia sẻ.

Ông cho biết, ngay từ đầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước liên tục chỉ đạo. “Nếu không có những chỉ đạo quyết liệt, chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Hiệp chia sẻ. Và đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, ngay trong bão lũ, Bộ Chính trị ra kết luận để chỉ đạo các cấp, các ngành, hệ thống chính trị vào cuộc ngay lập tức chứ không để sau bão mới ra kết luận.

Bộ chính trị đã phân công từng đồng chí đi từng địa phương để vừa chia sẻ, vừa chỉ đạo. Thủ tướng cũng đã vào tâm bão như Quảng Ninh, Hải Phòng hay vào những chỗ lũ lụt lớn nhất như Lào Cai, Yên Bái,... đồng thời phân công các phó thủ tướng đi các nơi chỉ đạo trực tiếp.

Bên cạnh đó, ông Hiệp chia sẻ, công tác phòng chống lũ sau bão khó khăn và phức tạp hơn. Điều này là do việc dự báo bão thường dễ hơn vì ngoài biển, đường hướng, đổ bộ thường chính xác hơn còn dự báo mưa sau bão cực khó.

Bên cạnh đó, trong cơn bão số 3, toàn bộ miền Bắc mưa, đặc biệt 14 tỉnh miền núi phía Bắc đều có mưa cùng với đó địa hình miền Bắc chia cắt đồi dốc, không có chỗ phân thủy. Chính vì vậy, khi toàn bộ nước mưa đổ xuống sông, suối đã gây khiến nước dâng rất cao. Nước dâng cao đột ngột gây ra lũ quét, sạt lở đất, gây ra những thảm họa rất lớn, không thể lường trước được.

Chương trình “Hướng về đồng bào nơi bão lũ” của VTV không chỉ mang đến những giá trị nhân văn sâu sắc mà còn truyền tải thông điệp về sự đoàn kết và sẻ chia của người Việt trước những thử thách khốc liệt của lịch sử. Đây là một hành động thiết thực, kêu gọi mỗi chúng ta nâng cao trách nhiệm với môi trường, đất nước, và đặc biệt là với đồng bào đang gồng mình chống chọi với thiên tai.

Chương trình đặc biệt này khuyến khích sự chung tay, ủng hộ từ khắp mọi miền đất nước, hướng về những vùng bị bão lũ tàn phá nặng nề. Được phát sóng trực tiếp trên truyền hình, chương trình không chỉ truyền tải những câu chuyện cảm động mà còn khơi dậy lòng nhân ái của cộng đồng.

Chỉ sau 2 giờ phát động, Quỹ Tấm lòng Việt của Đài Truyền hình Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ khán giả, với số tiền lên đến 12,8 tỷ đồng, nhằm hỗ trợ tái thiết Làng Nủ sau cơn bão số 3. Đây là minh chứng rõ ràng cho tinh thần đoàn kết và lòng hảo tâm của người dân Việt Nam trong những thời khắc khó khăn.

>> Miền Nam tiếp sức miền Bắc: Hàng trăm tấn rau củ được vận chuyển ra Bắc đảm bảo nguồn cung

Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40 nghìn tỷ đồng; GDP cả năm có thể giảm 0,15%

Australia viện trợ nhân đạo 3 triệu AUD cho Việt Nam ứng phó với bão số 3

Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Những thời khắc 'ngàn cân treo sợi tóc' chưa từng có tiền lệ trong cơn bão số 3
POWERED BY ONECMS & INTECH