Những thương vụ M&A "nửa mùa" và truyền thống "quay xe" của nhóm Louis

22-04-2022 10:53|Ba Lỗ T/H

Các đối tượng bị thâu tóm và bị biến thành con rối của nhóm Louis thời gian qua chủ yếu là doanh nghiệp khó khăn kéo dài, lỗ luỹ kế kéo dài và có nguy cơ hủy niêm yết.

Mặc dù cũng phát đi thông điệp thâu tóm, tái cơ cấu doanh nghiệp trong 2 năm trở lại đây nhưng “nhóm Louis” lại tham gia cùng một lúc nhiều doanh nghiệp trong thời gian ngắn và rời đi ngay khi cổ phiếu doanh nghiệp "bị M&A" được giá.

Được biết, các đối tượng bị thâu tóm và bị biến thành con rối của nhóm Louis chủ yếu là doanh nghiệp khó khăn kéo dài, lỗ luỹ kế kéo dài và có nguy cơ hủy niêm yết.

"Nghệ thuật múa rối" tại cổ phiếu TTG và BII

Nhìn lại quá trình Louis nổi lên trên thị trường chứng khoán Việt như một trong những "dòng họ" có nhiều cổ đông nhất giai đoạn giữa và cuối năm 2021, nhóm cổ phiếu này đã gây chú ý thị trường khi lập ra nhóm “Louis Family” để hô hào về câu chuyện thâu tóm, bức tranh khả quan của hệ sinh thái Louis Family gồm Louis Land (BII), Louis Capital (TGG), Chứng khoán APG (APG), Xuất nhập khẩu An Giang (AGM), Cáp nhựa Vĩnh Khánh (VKC), Nhà Thủ Đức (mã TDH), Dap-Vinachem (DDV).

Dẫn nguồn tinnhanhchungkhoan, nhờ câu chuyện M&A, cùng với giá cổ phiếu nhóm này bất ngờ tăng dựng đứng trong thời gian ngắn đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Tuy nhiên, khi câu chuyện được phổ biến và nhiều nhà đầu tư bắt đầu quan tâm mua vào cổ phiếu, nhóm cổ phiếu này quay sang lao dốc với thông tin không giống kỳ vọng, nhóm cổ đông lớn bất ngờ “quay xe” bán ra cổ phiếu và thậm chí có hiện tượng giao dịch cổ phiếu không giống như đăng ký.

Cụ thể, tại VKC, ngày 17/9/2021, TGG mua vào 900.000 cổ phiếu VKC nâng sở hữu từ 4,67% lên 5,71% và trở thành cổ đông lớn. Ngày 22/9/2021, TGG tiếp tục mua thêm 900.000 cổ phiếu VKC và nâng sở hữu lên 10,37% vốn điều lệ. Tuy nhiên, tới ngày 1/11/2021, TGG bán ra toàn bộ 2 triệu cổ phiếu VKC và giảm sở hữu về 0%.

Điểm đáng lưu ý, từ 30/8 đến 22/9/2021, cổ phiếu VKC bất ngờ tăng 273% từ 7.500 đồng lên 28.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, lao dốc với chuỗi sàn liên tục, hiện tại chỉ giao dịch vùng 13.100 đồng/cổ phiếu.

Tại DDV, ngày 10/9/2021, TGG mua vào 7,35 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 0% lên 5,03% vốn điều lệ tại DDV. Tuy nhiên, ngày 7/12/2021, TGG đã bán 4,85 triệu cổ phiếu DDV để giảm sở hữu về 1,71% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn.

Được biết, từ 19/7 - 17/9/2021, cổ phiếu DDV tăng 214% từ 12.300 đồng lên 38.600 đồng/cổ phiếutrước khi lao dốc. Tới ngày 25/1/2022, thị giá của mã chỉ còn 16.400 đồng/cổ phiếu.

Tại TDH, trong giai đoạn tháng 9/2021, TDH và BII đồng loạt đưa tin ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược nhằm triển khai hàng loạt dự án bất động sản thông qua thành lập các pháp nhân mới trong đó dự án Cần Thơ với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng; dự án Nhà văn hoá Long Xuyên vốn điều lệ 450 tỷ đồng; dự án trụ sở Công an An Giang vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng; dự án Hóc Môn vốn điều lệ 375 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau đó 1 tháng, cả BII và TDH thông báo chấm dứt chủ trương ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược đầu tư danh mục dự án bất động sản.

Ở một diễn biến khác, ngày 16/9/2021, BII mua vào 1,46 triệu cổ phiếu TDH để nâng sở hữu từ 3,86% lên 5,16% vốn điều lệ tại TDH, chính thức trở thành cổ đông lớn. Ngày 23/9, BII tiếp tục mua thêm 5,5 triệu cổ phiếu TDH để nâng sở hữu lên 10,07% vốn điều lệ. Tuy nhiên tới ngày 18/10/2021, BII đã thoái ra toàn bộ 11,3 triệu cổ phiếu TDH để giảm sở hữu về 0% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại TDH.

Động thái tạo câu chuyện kỳ vọng hợp tác chiến lược giữa BII và TDH đã giúp cổ phiếu TDH tăng 147% từ 6.090 đồng lên 15.050 đồng/cổ phiếu trong giai đoạn từ 19/7 - 23/9/2021 trước khi thông tin "quay xe" của nhóm BII được đưa ra. Theo đó, thị giá của mã bước vào chuỗi giảm liên tiếp và tới ngày 24/1/2022 chỉ còn 9.980 đồng/cổ phiếu.

Không chỉ có những cổ phiếu đối tượng M&A, các cổ phiếu như BII, TGG, APG,… đều có hiện tượng lên mạnh với câu chuyện M&A trước khi bất ngờ lao dốc khi đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư.

Đối tượng thâu tóm của “nhóm Louis” là các cổ phiếu gặp vấn đề về kinh doanh, đang khó khăn tài chính và câu chuyện kỳ vọng công ty sẽ “lột xác” nhờ nhóm cổ đông mới. Tuy nhiên, trái với việc nắm giữ lâu dài, “nhóm Louis” thường tạo câu chuyện tái cơ cấu và nhanh chóng chốt lời nhóm cổ phiếu khi đạt được giá mục tiêu.

Nói như vậy có thể thấy, hoạt động M&A của “nhóm Louis” đang và sẽ mang bóng dáng tạo câu chuyện lướt sóng cổ phiếu hơn là thực tế vào tái cấu trúc doanh nghiệp. Theo đó, những thông tin liên quan đến tranh chấp quyền lực tại Địa ốc Hoàng Quân (HQC) hơn 1 tháng trở lại đây nhiều khả năng cũng không phải ngoại lệ.

Cổ đông "họ Louis": Dở dang chiến lược "cài người" vào bộ máy lãnh đạo Địa ốc Hoàng Quân (HQC)

Biệt thự triệu đô 3 mặt tiền của 'ngọc nữ' Tăng Thanh Hà: Nằm tại khu ‘phố nhà giàu’, rộng 500m2, sân lát gỗ hoàn toàn

Nhà thuốc Mỹ Châu có bà chủ bị bắt trong vụ lừa đảo chạy án: Từng là khoản đầu tư ‘cay đắng’ của Shark Louis, 15% cổ phần bị mất trắng

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nhung-thuong-vu-mampa-nua-mua-va-truyen-thong-quay-xe-cua-nhom-louis-118100.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Những thương vụ M&A "nửa mùa" và truyền thống "quay xe" của nhóm Louis
    POWERED BY ONECMS & INTECH