Theo Bộ NN&PTNT, 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2021.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến sức tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản - thị trường xuất khẩu chính của Công ty Chanh Việt giảm xuống đáng kể. Doanh nghiệp đã chủ động khai thác thêm các thị trường mới, trong đó có Lào và Campuchia. Nhiều đối tác tiềm năng cũng được kết nối trong giai đoạn này.
Ông Nguyễn Văn Hiển, Tổng Giám đốc Công ty Chanh Việt cho biết: Mới đây, công ty ký được hợp đồng với một công ty để gia công những sản phẩm chế biến để xuất đi Mỹ. Mặc dù hiện nay doanh nghiệp không xuất trực tiếp sang thị trường Mỹ mà phải qua công ty bạn nhưng đó cũng là hướng để mở rộng thị trường.
Tương tự, Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cũng đã thành công khi tiến vào nhiều thị trường mới như Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản... Sức tăng trưởng ở một số thị trường ghi nhận đến 30% so với cùng kỳ.
"Đặc biệt là thị trường Canada dùng gạo, sầu riêng. Ngày trước chúng ta tưởng là khó thâm nhập, nhưng khi thị trường đã tiếp nhận chúng ta rồi thì đó là cơ hội mở rộng dễ dàng", ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T chia sẻ.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nông sản, cơ cấu của ngành này có sự chuyển dịch rõ nét với tỷ trọng xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ gia tăng. Điều đáng mừng là sản xuất trong nước cũng chuyển động theo hướng tích cực để đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu.
Ông Hà Ngọc Sơn, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương TP. HCM nhận định: "Trong bối cảnh dịch bệnh vừa qua, thương mại điện tử phát triển rất tốt, chúng tôi sẽ liên kết với các sàn thương mại điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua kênh này. Giải pháp chúng tôi đề xuất là tính toán ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần để giúp các doanh nghiệp có gian hàng mang thương hiệu trên các sàn quốc tế và bán trực tiếp qua nước ngoài".
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của nông sản khi mở rộng thị trường chính là các rào cản kỹ thuật và sự tin cậy của các thị trường. Theo kinh nghiệm của các hiệp hội ngành hàng, ngoài việc chủ động đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp cũng cần thận trọng trong việc tìm hiểu, đánh giá thị trường, đối tác, để vừa khai thác tốt lợi thế, vừa đảm bảo hiệu quả trong xuất khẩu.
Dồn dập tin vui: Xuất khẩu gạo và cà phê đua lập kỷ lục, rau quả thu 6,34 tỷ USD
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT báo tin: Xuất khẩu nông sản có thể lập kỷ lục 61 tỷ USD