Quốc tế

Nỗ lực mở rộng đội tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ

Bắc Hiệp Theo Nikkei Asia 10/01/2024 - 08:01

Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực mở rộng năng lực hải quân trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mỗi nước đều có những động thái hướng tới việc đưa tàu sân bay thứ ba vào hoạt động.

Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ được đưa vào hoạt động vào tháng 9 năm 2022. Ảnh: Reuters
Tàu sân bay INS Vikrant của Ấn Độ được đưa vào hoạt động vào tháng 9 năm 2022. Ảnh: Reuters

Đoạn phim mới nhất về tàu sân bay Phúc Kiến của Trung Quốc, được đài truyền hình nhà nước CCTV phát sóng vào ngày 2/1, cho thấy dường như có ba hệ thống phóng máy bay trên boong tàu.

Trong bài viết tháng 11 của tờ Minh Báo của Hồng Kông, một chuyên gia cho biết tàu Phúc Kiến đã thành công trong việc phóng một vật thể có bánh xe khi cập cảng Thượng Hải. Video lan truyền trên mạng xã hội về cảnh nước bắn tung tóe trước tàu Phúc Kiến, cho thấy có thứ gì đó đã rơi xuống nước.

Cũng trong tháng 11, tờ Nam Hoa Bưu điện Buổi sáng đưa tin rằng tàu Phúc Kiến đã di chuyển khoảng 27 m so với nơi neo đậu thông thường trước khi quay trở lại hai ngày sau đó. Đây là dấu hiệu của một cuộc kiểm tra độ nghiêng để đo trọng lượng, trọng tâm và độ ổn định của nó.

Dựa trên các phân tích của chuyên gia, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc tuần trước đưa tin rằng tàu Phúc Kiến có thể sớm được đưa vào thử nghiệm trên biển. Các quan chức an ninh Nhật Bản cũng tin rằng tàu sân bay này đang tiến hành những bước chuẩn bị cuối cùng cho chuyến đi thử nghiệm.

Được hạ thủy vào tháng 6/2022, Phúc Kiến là tàu chiến lớn nhất của Trung Quốc với lượng giãn nước hơn 80.000 tấn.

Tàu sân bay này được đặt tên theo tỉnh Phúc Kiến, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình đã công tác nhiều năm trước khi thăng tiến.

Phúc Kiến có thể chở từ 60 - 70 máy bay chiến đấu, nhiều hơn ít nhất 50% so với hai tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông.

Tính năng đặc biệt nhất của tàu Phúc Kiến là hệ thống phóng điện từ.

Chuyên gia Masafumi Iida, người đứng đầu bộ phận Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng Nhật Bản, cho biết những máy phóng này "cho phép máy bay cất cánh trong khi mang theo trọng lượng tên lửa và nhiên liệu lớn hơn, giúp cải thiện tầm bắn và khả năng chiến đấu, đồng thời mở rộng các lựa chọn chiến thuật".

Ngược lại, Liêu Ninh và Sơn Đông được trang bị các đường dốc, cung cấp một số hỗ trợ nhưng vẫn yêu cầu máy bay phải cất cánh bằng động cơ chính.

Mỹ hiện có lực lượng vũ trang duy nhất trên thế giới có hệ thống phóng điện từ. Một số chuyên gia coi năng lượng hạt nhân là cách duy nhất để đáp ứng nhu cầu năng lượng cao của các hệ thống phóng này, mặc dù hệ thống phóng của tàu Phúc Kiến chạy bằng hơi nước.

“Ngay cả quân đội Mỹ cũng đã trải qua rất nhiều thử nghiệm và sai sót đối với con tàu đầu tiên được trang bị máy phóng điện từ. Sẽ phải mất thời gian trước khi tàu Phúc Kiến có thể phóng máy bay một cách suôn sẻ", ông Masafumi Iida chỉ ra.

Quân đội Trung Quốc muốn có thêm nhiều tàu được trang bị hệ thống phóng này, làm dấy lên suy đoán rằng nước này có thể chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân, bắt đầu từ tàu sân bay thứ tư.

Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách có trụ sở tại Mỹ đã dự đoán vào năm 2022 rằng quân đội Trung Quốc “có thể có đủ nguồn lực để sở hữu 5 tàu sân bay” vào năm 2031.

Sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cũng đang thúc đẩy Ấn Độ xây dựng lực lượng hải quân.

Ấn Độ hiện vận hành hai tàu sân bay: INS Vikramaditya do Nga sản xuất và INS Vikrant – tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có lượng giãn nước khoảng 43.000 tấn, được đưa vào sử dụng vào năm 2022.

Đô đốc Hải quân Ấn Độ Hari Kumar cho biết vào tháng 10 rằng nước này đã có kế hoạch đưa vào vận hành một tàu sân bay lớp Vikrant khác.

Trung Quốc đã thiết lập sự hiện diện tại các cảng dọc Ấn Độ Dương, bao gồm cả ở Pakistan và Sri Lanka, theo chiến lược được gọi là Chuỗi ngọc trai. Ấn Độ đã đáp lại bằng nỗ lực tăng cường năng lực hải quân để có thể hoạt động ngay cả ở những vùng biển xa xôi, gần Maldives và Seychelles.

Chiến lược hải quân cơ bản của Ấn Độ là bố trí một tàu sân bay ở Vịnh Bengal ở phía đông và một tàu sân bay khác trên Biển Ả Rập ở phía tây.

Bất kỳ tàu sân bay nào của Trung Quốc tiếp cận Ấn Độ từ phía đông. Một tàu sân bay Ấn Độ trong vùng biển phía đông sẽ có thể thực hiện một số phản ứng phối hợp với trung tâm chỉ huy ba quân chủng ở Quần đảo Andaman và Nicobar.

Nhưng vì Ấn Độ chỉ có hai tàu sân bay nên khả năng phòng thủ của nước này bị hạn chế mỗi khi một trong số chúng được bảo trì. Ấn Độ đang tập trung vào việc biên chế tàu sân bay thứ ba để bù đắp điểm yếu này.

Ấn Độ và Mỹ đã thành lập một nhóm làm việc về công nghệ liên quan đến tàu sân bay vào năm 2015. Nếu cần thiết, Ấn Độ có thể thúc đẩy sản xuất trong nước các linh kiện liên quan với sự hợp tác của Mỹ.

>> Công nghệ Trung Quốc ‘chê’ chip Nvidia, chọn Huawei

Doanh nghiệp Việt đua bán ‘vàng trắng’ sang Trung Quốc

Rót tiền vào 'vùng đất vàng’ tại quốc gia số 1 thế giới, tỷ phú Trung Quốc lọt top người nước ngoài sở hữu nhiều đất đai nhất ở Mỹ

Ứng cử viên lãnh đạo Đài Loan để ngỏ khả năng đối thoại với Trung Quốc

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/no-luc-mo-rong-doi-tau-san-bay-cua-trung-quoc-va-an-do-post142431.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nỗ lực mở rộng đội tàu sân bay của Trung Quốc và Ấn Độ
POWERED BY ONECMS & INTECH