Nợ thuế, bị cưỡng chế hoá đơn, Danh Khôi (NRC) có hoạt động được tiếp?

21-11-2022 11:24|Hồ Nga

Trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng hóa đơn bị cưỡng chế thì những hóa đơn này được coi là hóa đơn bất hợp pháp.

Nợ thuế, Tập đoàn Danh Khôi bị cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn

Ngày 14/11/2022 Cục thuế Thành phố Hồ Chí Minh đã ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hoá đơn đối với CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã chứng khoán NRC) để thi hành nộp tiền nợ thuế.

Số liệu cụ thể, Tập đoàn Danh khôi đã nợ tiền thuế quá 90 ngày từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. Số tiền bị cưỡng chế 93.897.115.780 đồng. Thời gian cưỡng chế bắt đầu từ 14/11/2022.

Quyết định có hiệu lực thi hành trong 1 năm từ 14/11/2022 đến 13/11/2023.

Các biện pháp cưỡng chế thuế theo quy định

Theo Luật quản lý thuế quy định, việc cưỡng chế hoá đơn là một trong những biện pháp được áp dụng đối với các tổ chức, doanh nghiệp nhằm xử lý các trường hợp nợ thuế có khả năng thu hồi.

Theo quy định của Bộ tài chính, có nhiều biện pháp để cưỡng chế thi hành quyết định về thuế đối với các trường hợp nợ thuế:

- Trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc nhà nước, tổ chức tín dụng; yêu cầu phong tỏa tài khoản.

- Khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập.

- Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, tức là hóa đơn sẽ bị cưỡng chế.

- Kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước.

- Thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác đang giữ.

- Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy phép thành lập và hoạt động, Giấy phép hành nghề.

Trong thời gian bị cưỡng chế hóa đơn, nếu doanh nghiệp vẫn cố tình sử dụng hóa đơn bị cưỡng chế thì những hóa đơn này được coi là hóa đơn bất hợp pháp. Đối với trường hợp sử dụng hoá đơn bất hợp pháp khi đã bị cưỡng chế ngừng sử dụng, sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 50 triệu đồng và “buộc huỷ hoá đơn đã sử dụng”.

Tuy vậy Căn cứ theo Điểm d, Khoản 4, Điều 34 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định: "Trường hợp đang áp dụng biện pháp cưỡng chế ngừng sử dụng hóa đơn mà người nộp thuế có văn bản đề nghị sử dụng hóa đơn để có nguồn thanh toán tiền lương công nhân, thanh toán các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục thì cơ quan thuế tiếp tục cho người nộp thuế sử dụng hóa đơn theo từng lần phát sinh với điều kiện người nộp thuế phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hóa đơn được sử dụng vào ngân sách nhà nước".

Như vậy Danh Khôi chỉ được có văn bản đề xuất sử dụng hoá đơn từng lần riêng lẻ để có nguồn thanh toán tiền lương, các khoản chi phí đảm bảo sản xuất kinh doanh được liên tục và phải nộp ngay ít nhất 18% doanh thu trên hoá đơn nếu muốn sử dụng hoá đơn nào đó theo đúng quy định.

Danh Khôi đang còn chưa đến 3 tỷ đồng tiền và tương đương tiền

Quay trở lại với Danh Khôi, dù mới đổi tên không lâu nhưng nhà đầu tư đã rất nhanh chóng có ấn tượng với cái tên này. Tên trước đó của Danh Khôi là CTCP Bất động sản Netland cũng khá đình đám với mã chứng khoán NRC.

Xét về kết quả kinh doanh, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của Danh Khôi đạt 193 tỷ đồng, tăng 61,2% so với cùng kỳ năm 2021. Nhờ chi phí giảm sâu, đặc biệt là chi phí vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp mà Danh Khôi báo lãi sau thuế 66,6 tỷ đồng, gấp 15 lần so với số lãi hơn 4 tỷ đồng đạt được 9 tháng đầu năm ngoái.

Về tình hình tài chính tiền và tương đương tiền cuối quý 3 còn vỏn vẹn 2,6 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn bằng 0. Các khoản phải thu ngắn hạn giảm từ 1.282 tỷ đồng đầu năm xuống còn hơn 900 tỷ đồng trong đó chủ yếu là phải thu ngắn hạn khác hơn 840 tỷ đồng.

Hàng tồn kho cũng có giá trị dưới 1 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 2.360 tỷ đồng, tăng 340 tỷ đồng so với đầu năm.

Nợ phải trả 940 tỷ đồng, trong dó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 360 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 267 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Danh Khôi chủ yếu từ vay ngân hàng và vay trái phiếu (hơn 160 tỷ đồng). Vay dài hạn cũng từ vay ngân hàng và vay trái phiếu (gần 195 tỷ đồng).

Danh Khôi có đợt phát hành trái phiếu năm 2021 liên quan Khu Kinh tế Nhơn Hội

Thông tin từ HNX cho biết năm 2021 Danh Khôi phát hành 2 lô trái phiếu.

- Lô trái phiếu NRCH2123001 có trị giá 160 tỷ đồng – là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản đảm bảo. Trái phiếu phát hành ngày 22/11/2021, đáo hạn vào 22/5/2022, có lãi suất cố định 11% suốt thời gian lưu hành.

Mục đích huy động vốn để tăng quy mô hoạt động thực hiện các hoạt động sáp nhập, mua bán. Việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu được đảm bảo bằng các quyền sử dụng đất (và các quyền tài sản liên quan) tại Khu kinh tế Nhơn Hội, Thành phố Quy nhơn, tỉnh Bình Định thuộc sở hữu của bên thứ 3.

Lô trái phiếu này do Chứng khoán ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BSI) tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, lưu ký, quản lý chuyển nhượng và thanh toán. Chứng khoán BSI cũng là đại diện cho người sở hữu trái phiếu. BIDvV là ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo.

- Lô trái phiếu NRCH2123002 phát hành ngày 29/12/2021, đáo hạn vào 29/12/2023 có tổng giá trị 200 tỷ đồng. Lô trái phiếu này Danh Khôi không công bố nhiều thông tin liên quan.

Về thông tin giao dịch đảm bảo, tháng 1/2022 Danh Khôi có giao dịch đảm bảo với BIDV chi nhánh Tân Bình. Tài sản đảm bảo là Quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bao gồm quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền thụ hưởng lợi ích hình thành từ Hợp đồng đảm bảo môi giới độc quyền Bất động sản được ký giữa Tập Đoàn Danh Khôi và CTCP Đầu Tư Bất Động Sản NTR.

Còn thông tin giao dịch đảm bảo của Bất động sản NTR ghi nhận từ tháng 4/2021 doanh nghiệp này đã mang toàn bộ quyền tài sản và lợi ích liên quan tới “Một Phần Dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn” thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank) chi nhánh Hồ Chí Minh.

Từ dự án Nhơn Hội, nhìn lại mối liên hệ với Phát Đạt

Nhắc tới Dự án Phân khu số 4 thuộc khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, nhà đầu tư lập tức liên tưởng đển Phát Đạt (PDR).

Câu chuyện bắt đầu từ khoản phải thu của khách hàng thể hiện trên BCTC quý 3/2022 của Phát Đạt. Danh sách các khoản phải thu phát sinh trong 9 tháng đầu năm 2022 của Phát Đạt có sự hiện diện của cái tên Bất động sản NTR (nêu trên), có loạt cái tên “lạ” như Bất động sản CDK, BDK. EDK, HDK, GDK... Ngoài ra Danh Khôi Holdings cũng tiếp tục xuất hiện với ghi nhận “phải thu” giảm đáng kể.

screen-shot-2022-11-21-at-10.47.03.png

Thông tin cụ thể liên quan đến những cái tên Bất động sản IDK, CDK, BDK, EDK, HDK, GDK xuất hiện ở phần phải thu ngắn hạn của khách hàng kể trên:

IDK: Dữ liệu cho thấy tháng 4/2021 Danh Khôi Holdings đã mang 18,75 triệu cổ phần Bất động sản IDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

CDK: Danh Khôi Holdings cũng đã mang 1,5 triệu cổ phần CDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2021.

HDK: Tháng 4/2021 Danh Khôi Holdings mang 10,2 triệu cổ phần HDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

GDK: Cùng tháng 4/2021 Danh Khôi mang 10,2 triệu cổ phần GDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank.

BDK: Tháng 4/2021 Danh Khôi Holdings mang 1,83 triệu cổ phần BDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

ADK: Tháng 4/2021 Danh Khôi Holdings mang 1,59 triệu cổ phần ADK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

EDK: Tháng 4/2021 Danh Khôi Holdings mang 1,59 triệu cổ phần EDK (tỷ lệ 3%) thế chấp tại VPBank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy loạt cái tên IDK, CDK, HDK, GDK, BDK, ADK, EDK đều được Danh Khôi Holdings mang 3% vốn cổ phần đi thế chấp tại VPBank vào tháng 4/2021.

Cùng thời điểm cả CDK, IDK, HDK, EDK, GDK, BDK, ADK đều mang quyền tài sản của công ty tại “một Phần Dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 4 thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội, Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVCombank).

Nợ thuế đến hàng nghìn tỷ đồng, loạt 'ông lớn' bị cưỡng chế dừng thủ tục hải quan

Kinh doanh ế ẩm, Phát Đạt (PDR) lấy đâu ra hơn 1.500 tỷ đồng để trả nợ trong năm qua?

Nợ BHXH, loạt doanh nghiệp nhà Danh Khôi (NRC) bị 'nhắc tên'

Bài thuộc chủ đề Bất động sản
Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/no-thue-bi-cuong-che-hoa-don-danh-khoi-nrc-co-hoat-dong-duoc-tiep-d102036.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nợ thuế, bị cưỡng chế hoá đơn, Danh Khôi (NRC) có hoạt động được tiếp?
POWERED BY ONECMS & INTECH