Xã hội

Nơi hàng nghìn sĩ tử xếp hàng xin 'vía học': Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, lò đào tạo người đứng đầu quốc gia

Vĩ Hạ 25/06/2024 22:05

Dù là xưa hay ngày nay, trong tâm thức của người Việt, quan niệm cầu may cho các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng vẫn luôn tồn tại.

Những ngày cận kề kỳ thi THPT 2024, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tiếp đón hàng nghìn sĩ tử đến thắp hương với ước mong sẽ gặp nhiều may mắn, có tinh thần vững vàng trong kỳ "vượt vũ môn".

Thí sinh xếp hàng dài vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám chiều 24/6. Ảnh: Báo QĐND

Thí sinh xếp hàng dài vào Văn Miếu - Quốc Tử Giám chiều 24/6. Ảnh: Báo QĐND

Không chỉ có các sĩ tử Hà Nội, các bạn học sinh từ các tỉnh thành lân cận như Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng... thậm chí còn vượt hàng trăm km để đến đây để dâng hương, cúng lễ. Các sĩ tử mang theo phiếu dự thi và đồ dùng học tập được phép mang vào phòng thi đến Văn Miếu để "chứng" hy vọng may mắn, bình tĩnh.

Ai cũng một lòng thành tâm cầu nguyện hy vọng vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT, đỗ đạt theo nguyện vọng đã đăng ký. Ảnh: Báo điện tử VOV

Ai cũng một lòng thành tâm cầu nguyện hy vọng vượt qua kì thi tốt nghiệp THPT, đỗ đạt theo nguyện vọng đã đăng ký. Ảnh: Báo điện tử VOV

Thực tế, dù là xưa hay ngày nay, trong tâm thức của người Việt, quan niệm cầu may cho các sĩ tử trước các kỳ thi quan trọng vẫn luôn tồn tại. Và Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã trở thành điểm đến tâm linh quen thuộc. Đây còn được coi là nơi giữ "vía học" mà bất cứ sĩ tử nào cũng muốn đặt chân tới một lần.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những cái nôi của nền giáo dục nước ta thời phong kiến. Văn Miếu được xây dựng từ thời vua Lý Thánh Tông (năm 1070). Đây vừa là nơi thờ các bậc Thánh nhân Đạo Nho, vừa là trường học hoàng gia dành cho Hoàng thái tử. Thái tử Lý Càn Đức, tức vua Lý Nhân Tông chính là học trò đầu tiên của ngôi trường này.

Cổng tam quan phía ngoài (Văn Miếu môn). Ảnh: Quang Thái

Cổng tam quan phía ngoài (Văn Miếu môn). Ảnh: Quang Thái

Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập trường Quốc Tử Giám nằm bên cạnh Văn Miếu. Nơi đây được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi chung đúc tinh hoa và trí tuệ của dân tộc qua các kỳ thi. Thời gian đầu, trường là nơi chỉ dành cho con vua và các bậc đại thần theo học nên được gọi là Quốc Tử.

Năm 1253, vua Trần Thái Tông đổi Quốc Tử Giám thành Quốc Học viện, mở rộng và cho phép con các nhà thường dân có tài học xuất sắc được theo học. Vào đời vua Trần Minh Tông, Chu Văn An được cử làm Quốc Tử Giám Tư nghiệp (Hiệu trưởng) và trực tiếp dạy các Hoàng tử. Sau khi ông mất vào năm 1370, vua Trần Nghệ Tông cho thờ ông ở Văn Miếu cạnh nơi thờ Khổng Tử.

Suốt bốn thế kỷ (1010-1400), thời Lý - Trần, triều đình đã cho xây dựng nhiều công trình đồ sộ mang nhiều giá trị văn hoá. Tuy nhiên, các công trình này tàn lụi, theo thời gian chẳng còn lại là bao.

Empty
Empty
Empty

Một số hình ảnh tour đêm tại Văn Miếu. Ảnh: Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Sau này, vua Lê Thánh Tông là người đề xướng dựng bia đề danh Tiến sĩ để tôn vinh các trí thức Nho học đỗ đạt. Đến nay, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn lưu giữ được 82 bia ghi rõ họ tên, quê quán của 1.304 nhà trí thức khoa bảng (85 Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa; 283 Hoàng giáp và 939 Tiến sĩ).

Đa số những vị Tiến sĩ đó là những chính khách lỗi lạc, những nhà ngoại giao tài tình, những sứ thần uyên thâm, những văn sĩ thi sĩ nổi danh, những học giả... niềm tự hào của người Việt Nam.

Các bia Tiến sĩ. Ảnh: Lê Minh Sơn

Các bia Tiến sĩ. Ảnh: Lê Minh Sơn

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ đặc sắc, tháng 7/2011, 82 bia Tiến sĩ lại được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới trên phạm vi toàn cầu. Tháng 5/2012, toàn bộ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Đến tháng 1/2015, 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại một lần nữa được Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia.

>> Ngôi trường THPT 116 tuổi từng là nơi đại tướng Võ Nguyên Giáp theo học

Cơ hội cho sĩ tử: Đại học FPT tuyển 1.000 sinh viên ngành vi mạch bán dẫn, học bổng đến 100%

Kỷ lục hơn 13 triệu sĩ tử tham dự kỳ thi Đại học 'khắc nghiệt nhất thế giới'

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/noi-hang-nghin-si-tu-xep-hang-xin-via-hoc-truong-dai-hoc-dau-tien-cua-viet-nam-lo-dao-tao-nguoi-dung-dau-quoc-gia-d126004.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Nơi hàng nghìn sĩ tử xếp hàng xin 'vía học': Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, lò đào tạo người đứng đầu quốc gia
POWERED BY ONECMS & INTECH