Xã hội

Danh nhân duy nhất Việt Nam được đặt tên cho 10 trường học ở Hà Nội, 5 tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh

Minh Phát 12/05/2025 12:03

Ông còn được nhiều người biết đến với vai trò là hiệu trưởng đầu tiên của trường Quốc Tử Giám.

Danh nhân Chu Văn An sinh năm 1292 tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Cụ là một trong những danh nhân kiệt xuất của lịch sử Việt Nam, để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa.

Với tư cách là nhà giáo, thầy thuốc và đại quan triều Trần, cụ được ghi nhận trong Đại Việt sử ký toàn thư là người cương nghị, thẳng thắn, trong sạch, không màng danh lợi. Học vấn uyên thâm và nhân cách cao đẹp của cụ Chu Văn An đã thu hút hàng ngàn học trò, trong đó nhiều người trở thành những nhân vật lỗi lạc của thời đại.

Danh nhân duy nhất Việt Nam được đặt tên cho 10 trường học ở Hà Nội, 5 tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh - ảnh 1
Tượng thờ Danh nhân Chu Văn An tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Dân Trí

Sinh thời, cụ Chu Văn An luôn thể hiện lòng say mê học hỏi và tinh thần truyền bá tri thức. Cụ mở trường dân lập Huỳnh Cung tại quê nhà và trang bị đầy đủ lớp học và thư viện, thu hút tới 3.000 học trò. Tại đây, cụ giảng dạy kinh điển Nho giáo, lấy ba nguyên tắc làm nền tảng gồm “giáo kính” (dạy sự cung kính), “giáo trung” (dạy lòng trung hậu) và “giáo văn” (dạy sự văn nhã).

Phương pháp giáo dục của cụ không chỉ chú trọng truyền đạt kiến thức mà còn đề cao việc rèn luyện đạo đức, phẩm chất. Trong kỳ thi năm 1314, hai học trò của cụ xuất sắc đỗ Thái học sinh, tương đương học vị tiến sĩ, tạo tiếng vang lớn trong giới sĩ tử đương thời.

Danh tiếng của cụ Chu Văn An và trường Huỳnh Cung nhanh chóng lan rộng, đến mức vua Trần Minh Tông mời cụ giữ chức Tư nghiệp tại Quốc Tử Giám – cơ quan giáo dục cao nhất thời bấy giờ. Dù đảm nhận chức vụ trọng yếu, cụ vẫn dành nhiều tâm huyết để trực tiếp kèm cặp thái tử Trần Vượng, người sau này trở thành vua, góp phần đào tạo nên những bậc quân vương tài đức.

Danh nhân duy nhất Việt Nam được đặt tên cho 10 trường học ở Hà Nội, 5 tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh - ảnh 2
Tượng danh nhân, thầy giáo Chu Văn An trong khuôn viên trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). Ảnh: Kinh tế & Đô thị

Trong sự nghiệp giáo dục, cụ đã thực hiện nhiều cải cách mang tính tiến bộ, tiêu biểu là việc đưa đạo Nho của Khổng Tử vào Việt Nam như một hệ thống giáo dục riêng biệt, được cụ định hình bằng tư tưởng “hữu giáo vô loại”. Tư tưởng này mở rộng cơ hội học tập cho mọi tầng lớp nhân dân, phá bỏ rào cản giai cấp trong giáo dục đương thời.

Nhiều học trò xuất sắc của cụ Chu Văn An sau này đã đóng góp lớn cho đất nước, trong đó có các quan đại thần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, cùng các vị vua Trần Hiến Tông, Trần Dụ Tông, Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông. Với phong cách giảng dạy nghiêm khắc nhưng trọng dụng người tài, cụ không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn khơi dậy trong học trò tinh thần trách nhiệm và ý thức đạo đức. Chính vì vậy, cụ được nhân dân tôn vinh là “Vạn thế sư biểu” – người thầy chuẩn mực muôn đời.

Để tưởng nhớ những đóng góp to lớn của cụ Chu Văn An, tên cụ đã được đặt cho nhiều trường học và tuyến đường trên khắp cả nước. Riêng tại Hà Nội, có tới 10 trường học mang tên cụ, trải dài từ bậc mầm non đến trung học phổ thông như Trường Mầm non Chu Văn An (quận Tây Hồ), Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai), Tiểu học Chu Văn An A (quận Tây Hồ), Tiểu học Chu Văn An (quận Hà Đông), THCS Chu Văn An (quận Long Biên, huyện Thanh Trì, quận Tây Hồ), THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ), và Trường Liên cấp Chu Văn An (huyện Đông Anh).

Danh nhân duy nhất Việt Nam được đặt tên cho 10 trường học ở Hà Nội, 5 tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh - ảnh 3

Hình ảnh THPT Chu Văn An - một trong những ngôi trường cổ nhất Hà Nội. Ảnh: Internet

Tại TP. Hồ Chí Minh, năm tuyến đường tại các quận 6, Tân Phú, Thủ Đức và Bình Thạnh cũng vinh dự mang tên cụ. Những địa danh này không chỉ là sự tri ân, mà còn là biểu tượng của tinh thần hiếu học và đạo đức mà cụ Chu Văn An đã truyền lại cho các thế hệ.

Di sản của cụ Chu Văn An không chỉ tồn tại trên những trang sử hay trong các tên đường, tên trường, mà còn sống mãi qua tinh thần giáo dục nhân văn, cởi mở và tiến bộ. Hơn bảy thế kỷ đã trôi qua, hình ảnh người thầy mẫu mực ấy vẫn là nguồn cảm hứng bất tận, nhắc nhở bao thế hệ về giá trị của tri thức, đạo đức và trách nhiệm với xã hội.

Nguồn: Tổng hợp

>> Danh nhân duy nhất được đặt tên cho 9 trường THPT Chuyên ở Việt Nam

NSND xuất chúng của nghệ thuật Việt Nam từng là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một trong những nhà điêu khắc hàng đầu về tượng danh nhân

Vị danh y kiệt xuất đặt nền móng cho y học cổ truyền Việt Nam, được UNESCO công nhận là Danh nhân văn hóa thế giới

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/danh-nhan-duy-nhat-viet-nam-duoc-dat-ten-cho-10-truong-hoc-o-ha-noi-5-tuyen-duong-o-tp-ho-chi-minh-142116.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Danh nhân duy nhất Việt Nam được đặt tên cho 10 trường học ở Hà Nội, 5 tuyến đường ở TP. Hồ Chí Minh
    POWERED BY ONECMS & INTECH