Đã 9 tháng trôi qua kể từ thời điểm kết thúc năm 2021, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư "đua giá" cổ phiếu TCH vùng 27.000 - 29.xxx vẫn chưa thể "về bờ" khi giá cổ phiếu liên tục lao dốc.
Những ngày này, nhà đầu tư tại một số hội nhóm chứng khoán đang nhắc nhiều đến hai mã cổ phiếu TCH và HHS.
Trên sàn chứng khoán, cặp đôi cổ phiếu HHS của CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy và TCH của CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy luôn thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư.
Sức hút này không chỉ đến từ số lượng cổ đông khổng lồ (22.018 cổ đông HHS và 49.423 cổ đông TCH) mà còn bởi diễn biến đồng pha của 2 mã này trên sàn chứng khoán.
Mặc dù là những doanh nghiệp được đánh giá cao với giá trị tài sản lớn song cả HHS và TCH đều diễn biến không mấy tích cực trong các năm qua. Nếu không tính thời gian ngắn vào đầu năm nay, HHS đã có tới 6 năm giao dịch dưới mệnh giá còn với TCH, mã này cũng đang ở vùng đáy với thị giá liên tục đi xuống trong 6 tháng gần nhất.
Theo quan sát, cổ phiếu TCH và HHS cùng "phất cờ" tại thời điểm đầu quý III/2021 và nhanh chóng tăng hàng chục phần trăm sau 4 - 5 tháng sau đó. Đây có thể là động lực để cá nhân Chủ tịch HĐQT Đỗ Hữu Hạ và ban lãnh đạo Tài chính Hoàng Huy kỳ vọng về một cuộc bứt tốc của cổ phiếu nhà.
Tuy nhiên, những gì trước mắt nhà đầu tư là đà lao dốc mạnh của cả 2 mã này sau gần 9 tráng trở lại đây.
Kết phiên 23/9/2022, cổ phiếu TCH sau 3 phiên liên tiếp tăng mạnh đã giảm trở lại mốc 11.000 đồng/cổ phiếu - giảm 60% so với mức 27.450 đồng hồi đầu năm. Trong khi đó, cổ phiếu HHS đứng tham chiếu 6.000 đồng - giảm 46% sau gần 9 tháng.
Còn nhớ tại thời điểm họp ĐHCĐ thường niên hồi tháng 5/2021, trả lời câu hỏi của nhà đầu tư về việc "Tại sao giá cổ phiếu không tăng, thậm chí giảm trong thời gian qua?", ban lãnh đạo TCH từng khảng định: "Giá cổ phiếu theo thị trường, chúng tôi đã cố gắng lợi nhuận mức cao và tăng theo hàng năm. Cổ phiếu do thị trường quyết định chúng tôi không quyết định được".
Liên quan đến câu hỏi "Cổ phiếu TCH có khả năng bị loại khỏi VN30 không?", lãnh đạo công ty cho biết: "Chúng tôi không thấy lý do để bị loại". Tuy nhiên chỉ gần 2 tháng sau đó, đến giữa tháng 7/2021, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã công bố kết quả rà soát các chỉ số trong đó cổ phiếu TCH cùng với REE và SBT là 3 mã bị loại khỏi rổ. Khi đó, giá cổ phiếu TCH đã giảm về dưới mức 20.000 đồng.
Như vậy chỉ sau gần 1 năm hiện hữu tại rổ VN30 (từ 8/2020 - 7/2021), cổ phiếu TCH đã bị bật khỏi bộ chỉ số quan trọng này.
Trước TCH, cổ phiếu HHS cũng từng góp mặt trong rổ VN30 hồi giữa năm 2015 trước khi bị loại khỏi rổ này tại thời điểm nửa cuối tháng 7/2016 (cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá).
Ông Đỗ Hữu Hạ (sinh năm 1955) được biết đến với vai trò Chủ tịch CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (Mã TCH - HOSE) và Chủ tịch CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (Mã HHS - HOSE).
Hiện vị lãnh đạo này đang sở hữu hơn 262 triệu cổ phiếu TCH (tỷ lệ 39,23%) và gần 156 triệu cổ phiếu HHS (tỷ lệ 48,48%).
Ngoài ra, vợ và con dâu của ông Hạ cũng đang sở hữu hành chục triệu cổ phiếu TCH.
Được biết HHS lên sàn vào đầu năm 2012 với 10 triệu cổ phiếu trong khi gần 330 triệu cổ phiếu TCH được niêm yết trên HOSE đầu tháng 10/2016. Sự kiện này đã giúp ông Đỗ Hữu Hạ khi đó lọt Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản 2.500 tỷ đồng.
Hiện TCH đang có hơn 668 triệu cổ phiếu đang lưu hành trong khi con số này với HHS là hơn 321 triệu cổ phiếu.
Chờ "game" niêm yết Bất động sản CRV
Ở một diễn biến liên quan, đầu tháng 6/2022, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết 672,4 triệu cổ phiếu CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV. Diễn biến cổ phiếu CRV (nếu được chấp thuận niêm yết) cũng là chủ đề đang nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Nếu CRV được chấp thuận niêm yết trên HOSE, hệ sinh thái Hoàng Huy sẽ trở thành một "thế lực lớn" với 3 mã cổ phiếu cùng khoảng gần 1,7 tỷ cổ phiếu giao dịch trên sàn này.
Theo tìm hiểu, công ty này có tiền là CTCP Thương mại Hưng Việt (ông Hạ là Chủ tịch HĐQT từ năm 2007) được thành lập vào năm 2006 với vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng.
Trong vài năm trở lại đây, vốn điều lệ của CRV tăng lên với tốc độ thần tốc. Năm 2016, vốn điều lệ tăng từ 160 tỷ đồng lên 360 tỷ đồng rồi 1.000 tỷ đồng. Năm 2020, vốn điều lệ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 6.592 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2022 tăng lên 6.724 tỷ đồng. Quá trình tăng vốn của CRV đều là các đợt phát hành, chào bán cho cổ đông hiện hữu.
Dự án Gold Tower của CTCP Tập đoàn Bất động sản CRV.
Với quy mô lớn như vậy, CRV chỉ xếp sau Vinhomes (43.544 tỷ đồng), Vingroup (38.139 tỷ đồng), Vincom Retail (22.723 tỷ đồng), Novaland (19.498 tỷ đồng) và xếp trên hàng loạt tên tuổi lớn trong nhóm ngành bất động sản như Phát Đạt (6.716 tỷ đồng), Khang Điền (6.429 tỷ đồng), Đất Xanh (6.075 tỷ đồng), Nam Long (3.829 tỷ đồng).
Được biết Bất động sản CRV có 3 cổ đông lớn là CTCP Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (TCH) sở hữu 38,09%; CTCP Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) sở hữu 35,17% và CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang sở hữu 8,41% trong đó HHS sở hữu 99,78% CTCP Phát triển Dịch vụ Hoàng Giang; TCH sở hữu 51,06% vốn điều lệ của HHS.
Như vậy, quyền biểu quyết và tỷ lệ lợi ích của TCH tại CRV lần lượt là 81,67% và 64,44%.
Trí Việt (TVC) "chi viện" 1.200 tỷ cho nhóm Đỗ Thành Nhân làm giá cổ phiếu