Nóng bỏng thương chiến Mỹ - Trung và 1001 cách phản ứng của các nước
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng đã chia sẻ góc nhìn về những hệ lụy sâu rộng mà cuộc chiến thuế quan gây ra đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời phân tích các lựa chọn chiến lược mà các quốc gia đang cân nhắc trong ván cờ kinh tế nhiều biến động hiện nay.
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng bất ổn bởi các chính sách thuế quan từ Mỹ, đặc biệt dưới thời ông Donald Trump, chuỗi cung ứng thế giới đang đứng trước nguy cơ tái cấu trúc sâu rộng.
Những tuyên bố cứng rắn, các mức thuế quan cao ngất ngưởng và chiến lược đàm phán không khoan nhượng của ông Trump đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của thương mại quốc tế, cũng như phản ứng của các nền kinh tế lớn.
Không chỉ dừng lại ở căng thẳng song phương, các chính sách thuế quan của Mỹ còn gây ảnh hưởng lan rộng, buộc EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại và thương mại.
Trong khi đó, các tổ chức đa phương như WTO cũng đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì vai trò điều phối và cân bằng lợi ích toàn cầu.

Trước tình hình đó, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thường Lạng – chuyên gia kinh tế quốc tế, giảng viên cao cấp tại Đại học Kinh tế Quốc dân – để lắng nghe những phân tích sâu sắc của ông về các kịch bản có thể xảy ra, cũng như cách các quốc gia nên ứng xử trong một trật tự thương mại đang tái định hình.
Theo ông, việc Mỹ giữ thuế cao với hàng hóa Trung Quốc có thể khiến chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển như thế nào? Đồng thời, động thái trả đũa của 2 bên có thể kéo theo phản ứng gì từ các nền kinh tế lớn như EU, Nhật Bản hay các tổ chức đa phương như WTO?
Mục tiêu của Mỹ khi đánh thuế cao là giảm lượng hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Với vai trò là một thị trường lớn, điều này sẽ dẫn đến tình trạng hàng tồn kho của Trung Quốc tăng lên và có thể gây ra làn sóng giảm giá đồng loạt nếu Mỹ tiếp tục chính sách này.
Lượng hàng hóa dư thừa khổng lồ sẽ phải tìm đường sang các thị trường khác hoặc tiêu thụ nội địa chẳng hạn. Do đó, thế giới có thể hình thành các chuỗi giá trị mới và chuỗi cung ứng mới. Hàng hóa Trung Quốc có thể tập trung vào tiêu dùng nội địa hoặc chuyển giai đoạn cuối (forward state) của chuỗi cung ứng sang các nước khác.
Điều này sẽ tạo ra sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, từ việc tập trung vào thị trường Mỹ sang đa dạng hóa và lan tỏa sang các thị trường khác. Đó là điểm thứ nhất.
Thứ hai, Trung Quốc cũng có thể dịch chuyển giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng sang các nước có thuế suất thấp hơn. Việc này giúp Trung Quốc tránh được thuế cao của Mỹ nhưng sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại.
Một khả năng khác là Trung Quốc sẽ đầu tư lớn vào Mỹ để sản xuất trực tiếp tại đó, sử dụng lao động và công nghệ Mỹ để tiết kiệm chi phí và tránh thuế. Sẽ có nhiều cách để ứng phó, nhưng chắc chắn có sự dịch chuyển và thay đổi quan trọng trong chuỗi cung ứng.

Trung Quốc là nước có nhiều chuỗi cung ứng với các nước nhất hiện nay. Vì thế, đây là một trong những cơ hội để Trung Quốc thể hiện khả năng của họ là đưa hàng hóa vào thị trường Mỹ từ nhiều hướng khác nhau, không chỉ từ Trung Quốc, mà thông qua các nước khác.
Đây là một thách thức, một "cuộc chiến" mà Trung Quốc phải đối mặt với chính sách cứng rắn của Mỹ. Nhưng tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không chịu thiệt hại quá nhiều.
Phản ứng cứng rắn của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ là bài học cho các đối tác khác, khiến họ tránh đối đầu trực tiếp với Mỹ vì điều đó chỉ dẫn đến việc bị áp thuế cao. Những nước này vẫn cần nhập khẩu hàng hóa Mỹ như công nghệ cao, nông sản, khí hóa lỏng, cũng như các dịch vụ giáo dục, giải trí,...
Một số nước châu Âu có thể trả đũa, nhưng những nước khác có thể chọn đàm phán mềm mỏng hơn. Khi hai cường quốc đối đầu, nước thứ ba sẽ có lợi. Do đó, các nước châu Âu và các nước khác ngoài Trung Quốc sẽ tìm cách nhượng bộ một chút để đảm bảo thương mại công bằng.
Còn WTO, trong điều kiện bây giờ, họ vẫn hoạt động bình thường vì các nguyên tắc mà ông Trump đưa ra vẫn nằm trong khuôn khổ cho phép của WTO. Đối với những nước cảm thấy không phù hợp có thể kiện lên WTO, nhưng quá trình này mất ít nhất 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ và thu thập chứng cứ, và có thể kéo dài nhiều năm.
Vì vậy, theo tôi, việc ông Trump áp thuế chỉ để tạo ra một đòn bẩy tức thời, buộc các nước ngồi vào bàn đàm phán và mua hàng của Mỹ, hơn là tạo ra một ngoại lệ hay điều chỉnh pháp lý đối với WTO.
WTO có thể tiếp nhận đơn thư khiếu nại, nhưng thủ tục sẽ rất lâu dài và chi phí thuê luật sư có thể lớn hơn lợi ích thu được. Các nước sẽ cân nhắc giữa lợi ích và chi phí để có cách xử lý tối ưu.
Việc một số nước đánh thuế lại có thể chỉ là để thử phản ứng của Mỹ. Nếu Mỹ tăng thuế đáp trả như với Trung Quốc (từ 104% lên 145%), đó sẽ là hành động dại dột. Tôi tin rằng các nước sẽ rất tỉnh táo trong vấn đề này.
Trong các bài phát biểu gần đây, ông Trump khẳng định “có thể đạt thỏa thuận thương mại với bất kỳ quốc gia nào”, nhưng luôn kèm theo cảnh báo về mức thuế cao chưa từng có. Ông lý giải ra sao về phong cách đàm phán này của ông Trump?
Cách đàm phán của ông Donald Trump nằm trong khái niệm gọi là ZOPA và BANA. ZOPA là “Zone of Possible Agreement”. Tức là cái mức sàn chấp nhận được.
Còn mức trần của ông là BANA, tức “The Best Alternative to Negotiated Agreement” - giải pháp thay thế tốt nhất.
Ông ấy là người mua và biết người khác phụ thuộc vào mình, nên đòi hỏi với giá rất cao bằng công cụ thuế. Còn dùng công cụ khác thì lại liên quan đến hạn ngạch, rất khó minh bạch và dễ dẫn đến tham nhũng.
Cách làm của ông là luôn đòi hỏi rất cao, sau đó nếu các nước chấp nhận đàm phán, Mỹ sẽ nhượng bộ. Nếu đối tác chấp nhận điều này, Mỹ sẽ đáp lại bằng điều khác. Nếu đối tác mở cửa thị trường, Mỹ cũng sẽ làm tương tự. Nếu đối tác mua hàng của Mỹ, thuế sẽ giảm.
Đây là cách "trao hàng" của ông Donald Trump, với công cụ là thuế. Trên cơ sở đó, các bên sẽ nhượng bộ lẫn nhau một cách cụ thể và rõ ràng, không có chuyện giảm thuế rồi đối tác lại không mua hàng.
Mỹ sử dụng chiến thuật này dựa trên lịch sử bị các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, "lừa" nhiều lần. Trung Quốc từng hứa sửa luật sở hữu trí tuệ sau khi vào WTO nhưng đã không thực hiện.
Ông Trump đã theo dõi sát sao và luôn đặt vấn đề rõ ràng. Nếu lợi ích mang lại lớn hơn việc đánh thuế, ông sẽ giảm thuế. Ngược lại, nếu lợi ích không đủ lớn, ông sẽ không chấp nhận.
Đối với ông ấy, mọi thứ phải rõ ràng. Đây là phong cách đàm phán của ông Trump, nhằm tạo ra một vị thế mới cho Mỹ, với khả năng đàm phán tốt hơn. Bắt đầu bằng việc đánh thuế và sau đó điều chỉnh để cả hai bên cùng có lợi, tránh gặp thất bại.
Trong 90 ngày tạm hoãn áp thuế, ông dự đoán liệu các bên sẽ đạt được đồng thuận chung không? Hay đây chỉ là tạm hoãn để chuẩn bị bước leo thang mới? Các nước trên thế giới sẽ phân cực thành những nhóm như thế nào?
Nếu các bên không đạt được đồng thuận như mong đợi, chắc chắn sẽ có leo thang mới hoặc Mỹ áp dụng lại mức thuế đã tuyên bố. Vì vậy, các nước cần chú ý.
Ở đây, việc Mỹ hoãn 90 ngày là để các nước có sự chuẩn bị nghiêm túc. Những nước không chuẩn bị kỹ lưỡng có thể sẽ mất cơ hội hưởng thuế suất thấp sau thời gian này. Các quốc gia không nên coi đây chỉ là một lời đe dọa suông, họ cần hành động và tạo ra lợi ích thực sự cho Mỹ để có mối quan hệ lâu dài.

Mỹ càng nhân nhượng thì các quốc gia khác càng tiến tới, thì chắc chắn tới lúc đó họ cũng phải cố gắng bảo vệ lợi ích chính đáng của nước Mỹ.
Theo quan điểm của tôi, thế giới sẽ phân cực theo mức độ thuế bị áp dụng. Như Trung Quốc trên 100%, thì nó sẽ phân cực ra một nhóm trên 100%, một nhóm từ 50 - 100%, một nhóm từ 30 - 50%, một nhóm dưới 30%.
Bên cạnh đó, các nước bây giờ đang ở giai đoạn cảm thấy bối rối. Ngay cả các cường quốc cũng không thể tiêu thụ lượng hàng hóa lớn như Mỹ. Họ sẽ nhận ra rằng cần chấp nhận một mức độ nhượng bộ nhất định để phát triển quan hệ với Mỹ trên cơ sở "tiền nào của nấy", không dựa trên tình cảm.
Điều quan trọng là lợi ích thực sự, và đó là điều sẽ tạo dựng mối quan hệ lâu dài hơn. Sự phân cực sẽ không quá lớn vì đây chỉ là vấn đề mua bán. Các nước sẽ làm việc ở những nơi có lợi nhuận, chứ không nhất thiết phải chạy theo một quốc gia nào đó.
Ví dụ, việc từ bỏ thị trường Mỹ để sang Trung Quốc là không khả thi vì Trung Quốc không mở cửa thị trường. Nên là rất khó để tạo ra một cục diện mới thay thế Mỹ trong thời gian này.
Với việc Mỹ tăng thuế, nhiều nền kinh tế châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản hay Thái Lan đang đứng trước lựa chọn khó khăn: hoặc điều chỉnh theo Mỹ, hoặc tìm cách giảm phụ thuộc. Theo ông, các nước châu Á nên ứng xử ra sao để vừa bảo vệ lợi ích thương mại, vừa tránh bị cuốn vào cuộc chơi quyền lực giữa các siêu cường?
Đây là vấn đề lớn ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của thế giới và các nước Đông Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản. Mặc dù là đồng minh của Mỹ, họ vẫn bị Mỹ áp thuế và đang phải xem xét lại chính sách của mình. Việc từ bỏ thị trường Mỹ không hề dễ dàng, cho nên các nước này đang tính toán rất kỹ lưỡng.
Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang muốn thành lập khu vực thương mại tự do. Nhưng Trung Quốc có thể không muốn mở cửa thị trường cho hàng hóa của Nhật Bản và Hàn Quốc. Nước này có chính sách bảo hộ mạnh mẽ. Kể cả các nền tảng điện tử Trung Quốc cũng dùng của họ chứ không dùng của thế giới, nên khả năng kết nối chưa chắc đã cao.
Trong khi đó, Hàn và Nhật muốn một thị trường lớn để tiêu thụ hàng hóa và thu lợi nhuận. Nếu cần, họ nên chuyển hướng sang các thị trường khác. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường đòi hỏi chi phí lớn về dịch chuyển, tuân thủ quy tắc, nghiên cứu thị trường, thiết lập mạng lưới…
Ở thị trường cũ, họ chỉ phải chấp nhận chi phí thuế. Họ sẽ cân nhắc lợi ích và chi phí để đưa ra quyết định tối ưu.

Các nước có khả năng chấp nhận một thỏa thuận nhập khẩu hàng hóa Mỹ để đổi lấy một thị trường ổn định, thay vì mạo hiểm với một thị trường có dòng tiền không ổn định.
Chắc chắn là các quốc gia cũng phải suy nghĩ kỹ giữa lợi ích và chi phí. Họ không dễ từ bỏ thị trường Mỹ nhưng sẽ cố gắng đa dạng hóa tối đa. Họ sẽ khai thác những thị trường có lợi nhuận cao và đóng cửa những thị trường không hiệu quả, nhưng sẵn sàng mở cửa trở lại khi có cơ hội.
Tôi nghĩ vấn đề đòi hỏi các nước châu Á cần phải phân tán rủi ro một cách thông minh, không có nghĩa là bỏ chạy hoàn toàn. Họ nên giữ lại thị trường Mỹ hoặc tìm kiếm các phương án đôi bên cùng có lợi và bền vững.
Trong khối EU, sự chia rẽ về cách ứng phó với chính sách thương mại của Mỹ cũng đang gia tăng. Một số nước ủng hộ đối đầu cứng rắn, trong khi bên khác lại chọn đối thoại mềm dẻo. Ông đánh giá thế nào về vai trò của EU trong việc giữ ổn định trật tự thương mại đa phương? EU có đủ năng lực để cân bằng ảnh hưởng từ Mỹ và Trung Quốc không?
Phản ứng cứng rắn của một số nước châu Âu có thể tạo ra một đòn tâm lý đối với ông Trump. Nhưng với các quốc gia nhỏ, tiếng nói của họ không có trọng lượng.
Còn những nước mà nhìn về lợi ích chiến lược, họ có lẽ không chọn đánh thuế trả đũa nhau vì họ không đủ mạnh, đủ lực. Thế nên, phương án đàm phán “win-win” vẫn hay hơn. Sự phân hóa giữa khối EU là điều đương nhiên, vì các nước có lợi ích khác nhau.
Nhìn rộng ra, xu hướng tự do hóa thương mại là xu hướng mà chúng ta đạt được sự đồng thuận trên cơ sở giảm thuế và giảm các công cụ có tính chất sắt đá nhưng mềm mỏng hơn. Việc đánh thuế trả đũa không phải là giải pháp tốt nhất, mặc dù có thể áp dụng được. Phương án đầu tiên vẫn nên là đàm phán.

GDP của EU và Trung Quốc rơi vào khoảng 18.000 tỷ USD, trong khi GDP của Mỹ là 27.000 tỷ USD. Việc EU cân bằng ảnh hưởng từ Mỹ và Trung Quốc tôi đánh giá là rất khó khăn. Vì Mỹ là thị trường tiêu thụ, còn Trung Quốc là thị trường cung ứng.
Nếu EU không bán hàng sang Mỹ mà sang Trung Quốc, việc bán hàng sẽ không hề dễ đàng vì nước này có nhiều rào cản. Do đó, hai thị trường này không thể thay thế hoặc bổ sung cho nhau. Việc sản xuất ở châu Âu để bán hàng sang Mỹ sẽ tốt hơn là sang Trung Quốc.
Vì châu Âu phụ thuộc vào cả hai cường quốc này, nên tôi nghĩ cách làm thông minh là tiếp tục duy trì quan hệ với Trung Quốc để có nguồn hàng giá rẻ, cạnh tranh và đổi mới. Đồng thời giữ vững quan hệ với Mỹ để đảm bảo một thị trường ổn định và quy mô lớn.
Việc từ bỏ một trong hai đối tác này sẽ gây tổn thất lợi ích cho châu Âu. Vì vậy, tôi cho rằng EU cần phải duy trì quan hệ đa phương, không nên sử dụng nước này để đối kháng với nước kia. EU không đủ khả năng dùng Trung Quốc để kiềm chế Mỹ hay dùng Mỹ để đối phó với Trung Quốc.
Ngay cả trong việc bàn về chính sách thương mại với Mỹ, các nước thành viên EU đã có sự mâu thuẫn, thể hiện sự thiếu thống nhất trong khối. Điều này cản trở việc tạo ra sức mạnh cộng hưởng lớn. Sự kiện Brexit là một minh chứng cho thấy sự khó khăn trong việc đạt được đồng thuận trong EU. Chính sách thuế quan của Mỹ càng khiến các nước châu Âu đi theo những hướng khác nhau, mặc dù họ đã có đồng tiền chung.
Nếu các cuộc đàm phán thất bại và thuế quan tiếp tục leo thang, hệ quả lớn nhất sẽ rơi vào đâu – Mỹ, đối tác hay chuỗi cung ứng toàn cầu? Kịch bản tệ nhất cho kinh tế thế giới sẽ là gì?
Nếu đàm phán thất bại và thuế quan tiếp tục leo thang, Mỹ chắc chắn sẽ chịu thiệt hại nặng nề. Thuế quan quá cao sẽ đẩy giá hàng hóa tại Mỹ lên, làm tăng nguy cơ lạm phát và người tiêu dùng Mỹ sẽ phải gánh chịu chi phí này.
Chuỗi cung ứng toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc Mỹ áp thuế cao sẽ khiến chuỗi cung ứng dịch chuyển, và cả thế giới sẽ phải chịu thiệt hại do mất thời gian xây dựng chuỗi cung ứng mới, tuân thủ các quy tắc mới. Việc thay đổi một hệ thống đang ổn định sẽ gây ra chi phí rất lớn, làm tăng gánh nặng cho toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh đó các nước cũng sẽ tìm kiếm những cơ hội phát triển mới, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ. Nền kinh tế thế giới hiện nay phát triển dựa trên những nền tảng mới như công nghệ, kinh tế xanh, AI và bán dẫn. Động lực phát triển mới của kinh tế thế giới, với những cơ hội lớn hơn rất nhiều so với hiện tại, mới là yếu tố quyết định. Thuế quan chỉ là yếu tố mang tính nhất thời.
>> Ông Trump bất ngờ ‘xuống nước’, tuyên bố sẽ giảm thuế với Trung Quốc