Thế giới

Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan

Hoàng Yến 04/05/2025 14:15

Những số liệu ban đầu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn đang vững vàng, nhưng sóng gió đang đến rất gần.

Cách đây 5 năm, khi đại dịch khiến nền kinh tế toàn cầu đóng băng, các chuyên gia kinh tế buộc phải sử dụng những chỉ số mới lạ như dữ liệu di chuyển, lượng đặt chỗ tại nhà hàng hay rạp chiếu phim để theo dõi diễn biến theo thời gian thực.

Nay, trong bối cảnh thế giới đang nóng lòng đánh giá tác động của cú sốc thuế quan mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, giới phân tích lại một lần nữa phải tìm đến những phương pháp sáng tạo. Các kết quả ban đầu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thực sự chao đảo. Nhưng sóng gió đang đến rất gần.

Ngay cả trước khi loạt thuế này có hiệu lực vào ngày 9/4, các khảo sát đã cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ bắt đầu lo ngại. Theo một cuộc khảo sát của chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang tại Dallas, sản lượng của các nhà sản xuất đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 4. Các số liệu công bố ngày 30/4 cho thấy GDP Mỹ đã giảm 0,3% theo tỷ lệ hàng năm. Thâm hụt thương mại tăng mạnh do các doanh nghiệp vội vàng tích trữ hàng hóa nhập khẩu trước khi mức thuế mới được áp dụng.

Tuy vậy, nhờ các dữ liệu thời gian thực, các nhà kinh tế vẫn có thể quan sát những gì đã và đang xảy ra. Nhiều chỉ số từng dùng trong thời kỳ COVID-19 nay không còn phù hợp hoặc đã ngừng công bố. May mắn là hoạt động thương mại toàn cầu vẫn được theo dõi sát sao. Chúng ta có lịch trình của các tàu biển cũng như danh sách hàng hóa mà chúng chuyên chở từ nhiều tuần trước khi cập cảng, đồng thời vị trí của chúng được cập nhật liên tục qua vệ tinh.

Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan - ảnh 1
Những container ở một cảng của Mỹ

Dữ liệu tần suất cao hé lộ những tín hiệu trái chiều

Một số chỉ báo tần suất cao cho thấy tác động từ cuộc chiến thuế quan hiện vẫn còn hạn chế. Trong tuần kết thúc ngày 25/4, đã có 10 tàu container cập cảng Los Angeles và Long Beach — hai cửa ngõ nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc chính của Mỹ — mang theo 555.000 tấn hàng hóa. Con số này gần như không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tuyến vận tải từ Trung Quốc sang bờ Tây nước Mỹ thường mất từ hai tuần đến 40 ngày, đồng nghĩa nhiều tàu hiện nay đã khởi hành từ trước khi các mức thuế mới được áp dụng.

Dẫu vậy, một số chỉ số khác cho thấy viễn cảnh u ám hơn. Theo dữ liệu từ công ty phân tích Vizion, lượng đơn đặt chỗ cho các chuyến hàng mới giữa Trung Quốc và Mỹ đã giảm 45% so với cùng kỳ năm trước trong tuần bắt đầu từ ngày 14/4. Tỷ lệ các chuyến “blank sailing” — khi tàu bỏ qua cảng hoặc hãng vận tải giảm tần suất để điều chỉnh lịch trình — đã tăng vọt, lên tới 40% tổng số chuyến dự kiến.

>> Thuế nhập khẩu tăng vọt, dân Mỹ bay hẳn sang Trung Quốc để săn hàng giá rẻ

Công ty hậu cần Freightos cho biết chi phí vận chuyển mỗi container từ Thượng Hải đến Los Angeles đã giảm khoảng 1.000 USD trong tháng qua, khi các doanh nghiệp chuyển từ việc tranh thủ nhập hàng trước thời điểm áp thuế sang xu hướng tránh né hoàn toàn. Ngược lại, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ lại tăng tương ứng, cho thấy các nhà nhập khẩu đang tích cực tìm kiếm nguồn cung thay thế Trung Quốc.

Những cú sốc thương mại thường mất thời gian để lan rộng trong nền kinh tế, đồng nghĩa với việc thiệt hại thực sự có thể còn chưa lộ rõ. Trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp vẫn có thể tạm thời dựa vào lượng hàng tồn kho. Nhu cầu đối với các kho ngoại quan — nơi hàng hóa được lưu trữ gần cảng và chỉ phải nộp thuế khi lấy hàng ra — đã tăng mạnh. Nhiều công ty cũng đang chọn cách không tăng giá, dù về lý thuyết họ nên làm vậy để phân bổ hợp lý nguồn cung. Lý do là họ bị ràng buộc bởi các hợp đồng đã ký hoặc muốn duy trì mối quan hệ với khách hàng trong trường hợp ông Trump thay đổi quyết định.

Việc chính quyền tạm hoãn trong 90 ngày với các mức thuế cao nhất áp lên hàng hóa từ các quốc gia châu Á khác cũng tạo ra khoảng thời gian quý báu cho doanh nghiệp tái cơ cấu chuỗi cung ứng. Chẳng hạn, Apple đang lên kế hoạch tăng sản lượng iPhone xuất xưởng từ Ấn Độ để phục vụ thị trường Mỹ, thay vì phụ thuộc vào Trung Quốc.

Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan - ảnh 2
Apple dịch chuyển chuỗi cung ứng để né thuế quan

Tuy nhiên, khả năng linh hoạt của chuỗi cung ứng là có giới hạn. Các nghiên cứu về loạt thuế khiêm tốn hơn từng được ông Trump áp dụng trong nhiệm kỳ đầu cho thấy, cuối cùng người tiêu dùng Mỹ vẫn phải gánh chịu toàn bộ chi phí tăng thêm. Mất khoảng một năm để doanh nghiệp tìm được nhà cung cấp thay thế.

Trong ngắn hạn, sự bất định do chính sách khó đoán của ông Trump tạo ra đã khiến nhiều hãng vận tải rơi vào tình thế bị động - theo ông Peter Sand, chuyên gia tại công ty tư vấn hậu cần Xeneta, dù họ vừa trải qua một thập kỷ đầy biến động với đại dịch, sự cố kênh đào Suez và các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Biển Đỏ. Trong cuộc họp ngày 24/4, Giám đốc điều hành Cảng Los Angeles cảnh báo rằng các đợt miễn giảm tạm thời là quá ngắn để nhiều công ty có thể kịp điều chỉnh kế hoạch thu mua.

Điều này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, ngay cả khi Mỹ quyết định rút lại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất. Những con tàu khởi hành muộn sẽ đến trễ hoặc không đến, hàng tồn kho sẽ cạn kiệt, và nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm ngừng kế hoạch đầu tư cũng như tuyển dụng. Một khi đã đóng băng, việc tái khởi động cũng không dễ dàng.

Liệu những tổn thất kinh tế này có dẫn đến một hệ quả chính trị nhanh chóng? Những người ủng hộ tự do thương mại có thể sẽ thất vọng. Một nghiên cứu gần đây của ông David Autor (Đại học MIT) và các đồng sự cho thấy, phần lớn các khu vực chịu ảnh hưởng tiêu cực từ thuế quan trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump vẫn tiếp tục ủng hộ đảng Cộng hòa. Các tác giả cho rằng cử tri có thể coi việc "đối đầu" với Trung Quốc là cần thiết, bất chấp thiệt hại.

Nền kinh tế Mỹ chưa thực sự bị cuốn vào một cơn bão thương mại do chính mình tạo ra. Nhưng "bản tin thời tiết" mà ngành vận tải biển cung cấp đang không mấy khả quan.

Tham khảo The Economist

>> ‘Gậy ông đập lưng ông’: Thuế quan của ông Trump khiến Mỹ ‘gánh’ lạm phát, châu Âu hưởng lợi lớn

Giá vàng giảm sốc xuống mức thấp nhất 2 tuần: Tín hiệu lạ từ ông Donald Trump và kỳ nghỉ Trung Quốc

Việt Nam trước 'giờ G' đàm phán thuế Mỹ: Lọt nhóm 6 quốc gia được ưu tiên, Tổng thống Donald Trump tiết lộ 3 nước sắp đạt thỏa thuận

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/apple-thao-chay-gia-cuoc-dao-chieu-my-sap-doi-mat-con-dia-chan-hau-thue-quan-141663.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Apple tháo chạy, giá cước đảo chiều: Mỹ sắp đối mặt cơn địa chấn hậu thuế quan
    POWERED BY ONECMS & INTECH