Thị trường

Nông dân Tiền Giang 'trúng lớn' nhờ trồng lúa tím 'thần kỳ'

Bảo Linh 12/02/2025 02:13

Vụ thu hoạch đầu tiên của giống lúa tím SR21 tại HTX Nông nghiệp Tân Điền mang lại lợi nhuận kỷ lục.

Ngày 10/2/2025, cánh đồng lúa tím rộng 5ha tại HTX Nông nghiệp Tân Điền, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang trở nên rộn ràng hơn bao giờ hết. Những bao lúa nặng trĩu được đưa lên bờ trong niềm hân hoan của nông dân. Vụ mùa đầu tiên không chỉ bội thu mà còn mang lại lợi nhuận vượt mong đợi, khiến nhiều hộ dân hồ hởi với hướng đi mới.

Giống lúa tím SR21 do Tiến sĩ Đào Minh Sô, Trưởng Bộ môn Chọn tạo giống cây trồng, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam, cùng cộng sự nghiên cứu từ năm 2016. Đến cuối năm 2024, SR21 chính thức được cấp bản quyền giống.

Điểm đặc biệt của giống lúa này là thuộc nhóm gạo dinh dưỡng với chỉ số chuyển hóa đường GI (Glycaemic Index) chỉ 48, thấp hơn nhiều so với gạo dẻo thông thường (trên 70) và gạo khô (55-70). Ngoài ra, SR21 chứa hàm lượng chất chống oxy hóa cao, phù hợp với người ăn kiêng và có lợi cho sức khỏe.

Gạo tím SR21 không chỉ bổ dưỡng mà còn dễ nấu, thơm ngon, không cần ngâm trước khi nấu như nhiều loại gạo tím khác. Đây chính là những yếu tố giúp gạo SR21 có tiềm năng phát triển mạnh trên thị trường trong tương lai.

Nông dân Tiền Giang 'trúng lớn' nhờ trồng lúa tím 'thần kỳ'
Nông dân bội thu gạo tím SR21. Ảnh: Người lao động

>> Mặt hàng Việt Nam ê hề, Nhật Bản cạn kiệt nguồn cung, phải xả kho dự trữ khẩn cấp

Vụ trồng đầu tiên của giống lúa tím SR21 được triển khai trên diện tích 5 ha tại HTX Nông nghiệp Tân Điền, với sự hợp tác giữa HTX, Công ty CP Thương mại dịch vụ Saty và TS Đào Minh Sô. Đây là mô hình sản xuất theo hướng liên kết bền vững, đảm bảo lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Theo ông Võ Thanh Tâm, Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Tân Điền, HTX hiện có hơn 300 ha canh tác lúa theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp. Nhờ thổ nhưỡng đặc biệt, lúa trồng tại đây có chất lượng vượt trội so với nhiều vùng khác.

Bên cạnh đó, HTX đã áp dụng nhiều phương pháp canh tác hiện đại như sử dụng máy đo mực nước tự động, máy hút côn trùng bằng năng lượng mặt trời, giúp giảm thiểu chi phí sản xuất và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Mô hình trồng lúa tím SR21 tại HTX Tân Điền đạt năng suất từ 7-8 tấn/ha, tương đương với lúa thường. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất chính là giá bán. Nhờ hợp đồng bao tiêu của Công ty Saty với mức giá 14.000 đồng/kg, nông dân thu về lợi nhuận 70-80 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn đáng kể so với canh tác lúa truyền thống.

Lão nông Lê Văn Bê, một trong những người trực tiếp trồng lúa tím SR21, chia sẻ ban đầu ông cũng lo lắng vì đây là giống lúa mới. Nhưng khi gieo trồng thực tế, cây lúa phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp mà lợi nhuận lại cao hơn mong đợi. Nhiều bà con xung quanh thấy hiệu quả cũng muốn tham gia mô hình này.

Vụ mùa đầu tiên, dù sản lượng chưa nhiều, nhưng toàn bộ lượng gạo tím SR21 đã được tiêu thụ hết. Một phần sản phẩm được doanh nghiệp biếu tặng để người tiêu dùng thử nghiệm. Hiện tại, giá bán gạo tím SR21 trên thị trường đạt mức 108.000 đồng/kg, cao hơn nhiều so với các loại gạo thông thường.

Đại diện Công ty CP Thương mại dịch vụ Saty cho biết đơn vị đang có kế hoạch mở rộng vùng nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu thị trường.

>> Xung đột Ukraine và Nga khiến EU ‘khó thở’: Thuế tăng, nhưng mặt hàng này của 'xứ sở bạch dương' vẫn hot

Giá cà phê lập đỉnh mới ngay ngày đầu năm, nông dân phấn khởi

Thanh Hóa: Rau củ rẻ như cho, nông dân đón Tết buồn

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/nong-dan-tien-giang-trung-lon-nho-trong-lua-tim-than-ky-275880.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nông dân Tiền Giang 'trúng lớn' nhờ trồng lúa tím 'thần kỳ'
    POWERED BY ONECMS & INTECH