Xuất khẩu dệt may khởi sắc đầu năm: Đơn hàng nhiều nhưng doanh nghiệp chưa dám ‘chốt’ xa
Dệt may Việt Nam khởi sắc đầu năm với đơn hàng dồi dào, nhưng doanh nghiệp vẫn thận trọng ký hợp đồng dài hạn do lo ngại biến động giá nguyên liệu và chính sách thương mại quốc tế.
Tháng 1/2025, ngành dệt may Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trong nhóm ngành xuất khẩu tỷ đô với kim ngạch đạt gần 3,2 tỷ USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết tháng 6, tuy nhiên, họ vẫn thận trọng khi ký hợp đồng dài hạn. Nguyên nhân nào khiến các doanh nghiệp dè dặt như vậy?
![]() |
Theo dự báo của Vinatex, nếu tổng cầu dệt may toàn cầu đạt khoảng 850 tỷ USD trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng 3-5% so với năm 2024, đạt mức 45,5 - 46 tỷ USD. Ảnh minh hoạ |
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 1 có bảy nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó dệt may đứng thứ tư. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã có đơn hàng giao đến hết tháng 5 hoặc tháng 6, cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường.
>>Grab sáp nhập với đối thủ cũ: Thương vụ tỷ đô sẽ tái định hình thị trường gọi xe Đông Nam Á?
Tuy nhiên, dù có cơ hội mở rộng sản xuất, các doanh nghiệp vẫn cân nhắc kỹ lưỡng trong việc lựa chọn đối tác và chưa mạnh tay ký hợp đồng giao xa. Một lãnh đạo của Tổng công ty CP May Nhà Bè (TP. HCM) nhận định ngành dệt may đang có những bước phục hồi đáng kể so với năm 2023. "Thị trường đang khởi sắc, đơn hàng dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2025. Nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu thương hiệu của mình ra nhiều quốc gia và mở rộng nguồn khách hàng. Tuy nhiên, quyết định ký hợp đồng dài hạn cần được tính toán kỹ lưỡng để tránh rủi ro giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận", vị này cho biết.
Một số doanh nghiệp vẫn đang tập trung nhập nguyên liệu để đáp ứng các đơn hàng ngắn hạn thay vì cam kết dài hạn. Đại diện một công ty dệt may có trụ sở tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) chia sẻ rằng lượng đơn hàng đầu năm khá ổn định, hàng tồn kho không nhiều, nhưng rủi ro biến động giá nguyên liệu khiến họ chưa dám ký hợp đồng cho quý III.
"Thị trường luôn tiềm ẩn những biến động bất ngờ, vì vậy chúng tôi chỉ nhận cọc khi có thể dự trù được chi phí sản xuất. Việc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi mức thuế mới, làm giá bán biến động mạnh. Do đó, doanh nghiệp phải tính toán cẩn trọng trước khi chốt đơn hàng dài hạn", vị này cho biết.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho biết tháng 1-2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 3,2 tỷ USD, trong đó riêng nhóm xơ, sợi, vải đạt 500 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, mức tăng trưởng đạt 15%/ngày.
Theo ông Trường, doanh nghiệp đang tận dụng lượng hàng tồn kho để xuất khẩu trước khi chính sách thuế mới có hiệu lực, đặc biệt là từ phía Mỹ. "Nhiều doanh nghiệp lo ngại chính sách thương mại mới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng thực tế mọi biến động vẫn đang trong quá trình theo dõi. Việc lo lắng quá mức chỉ mang tính cảm tính, bởi diễn biến thị trường không thể đoán trước hoàn toàn", ông Trường nhận định.
Về lo ngại giá nguyên liệu từ Trung Quốc tăng do ảnh hưởng của thuế quan, ông Trường cho rằng điều này không đáng lo ngại. Trung Quốc là nhà cung cấp nguyên liệu dệt may lớn nhất thế giới, với tổng lượng cung ứng chiếm 54% toàn cầu, trong khi tỷ lệ cung ứng cho Việt Nam chỉ là 40%. Ông nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp trong nước đã có kế hoạch chủ động để thích ứng với những thay đổi bất ngờ trên thị trường.
Theo dự báo của Vinatex, nếu tổng cầu dệt may toàn cầu đạt khoảng 850 tỷ USD trong năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng trưởng 3-5% so với năm 2024, đạt mức 45,5-46 tỷ USD.
Dù triển vọng ngành dệt may đang rất tích cực, bài toán về giá nguyên liệu và chính sách thương mại quốc tế vẫn là những yếu tố doanh nghiệp cần cân nhắc trước khi quyết định mở rộng đơn hàng. Việc linh hoạt trong chiến lược xuất khẩu sẽ giúp ngành duy trì đà tăng trưởng trong bối cảnh thị trường đầy biến động.
>>Việt Nam vượt Ấn Độ, đứng thứ 2 thế giới về học online miễn phí
Tổng thống Ukraine buộc tội Nga phóng gần 1.300 quả bom, hơn 10 tên lửa vào dân thường
Ngành ngân hàng năm 2025: Tăng tốc tín dụng gắn với kiểm soát rủi ro