Giới chuyên gia cho rằng khu vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nên được thu hẹp lại để chuyển sang phát hành trái phiếu ra công chúng bởi đây là khu vực mà doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA tổng hợp) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/9/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 9/2022.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng trong đó VietinBank phát hành nhiều nhất với 3.090 tỷ đồng, theo sau là VPBank với 2.000 tỷ đồng, OCB với 1.800 tỷ đồng, SeABank với 750 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về khối lượng phát hành với CTCP No Va Thảo Điền (công ty con do Novaland nắm giữ 99,99% vốn) phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với CTCP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và CTCP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Doanh nghiệp chuộng phát riêng lẻ, ngại phát hành ra công chúng
Tính từ đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ ngày càng áp đảo với 95,7% thị phần - đạt 233.692 tỷ đồng song giảm 40% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng từ đầu năm là 10.499 tỷ đồng - giảm 9,37% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP về phát hành trái phiếu riêng lẻ song tâm lý bất an lo lắng vẫn hiện diện, cả về phía nhà đầu tư lẫn doanh nghiệp. Theo dự báo, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể phục hồi trở lại ít nhất cho tới đầu năm 2023.
Dẫn nguồn Thương trường, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và Tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 65 sẽ tăng cường minh bạch trong việc công bố thông tin để bảo vệ quyền lợi cho cả doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư, khắc phục bất cập trên thị trường thời gian vừa qua.
Khi Nghị định 65 được áp dụng, chi phí phát hành trái phiếu sẽ tăng nhưng đây là điều cần thiết để thiết lập thị trường trái phiếu minh bạch hơn trong tương lai.
Về phía Bộ Tài chính, ông Dương cho biết, sẽ tiếp tục “gỡ” các điểm nghẽn trong thủ tục về phát hành trái phiếu ra công chúng, để đảm bảo những doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện phát hành ra công chúng sẽ nhanh chóng và khẩn trương phát hành trái phiếu dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất thêm các giải pháp như phát triển nhà đầu tư chuyên nghiệp, quỹ đầu tư. Khi mở ra một kênh đầu tư mới từ các quỹ này, vừa tháo gỡ khó khăn vào trong hoạt động của các quỹ đầu tư, vừa tạo ra một lực cầu mới trên thị trường.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, quy định chặt chẽ hơn nhưng vẫn để "cửa" cho doanh nghiệp phát hành.
Trong Đối thoại chuyên đề "Bước ngoặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau Nghị định 65/2022/NĐ-CP" do VnEconomy tổ chức ngày 30/9/2022, TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, vấn đề khơi thông kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trở nên cấp bách sau khi Nghị định 65 được ban hành. Nếu không, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ bị tê liệt nửa năm, thậm chí 1 năm.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia (Ảnh: Chu Xuân Khoa)
Nhận xét về tình trạng các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa nói: "Tôi thấy rất nhiều người, kể cả nhà đầu tư cá nhân, bỏ ra vài chục tỷ để mua trái phiếu riêng lẻ là chuyện bình thường. Thế nhưng họ cần nhớ rằng họ phải chịu áp lực và trách nhiệm về chuyện đó. Không thể vì thế mà kéo các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào các hội đầu tư, nhóm đầu tư… tạo ra một sự hỗn loạn như hiện nay".
Ông Nghĩa mong muốn rằng khu vực phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ sẽ ngày càng thu hẹp lại, chuyển sang khu vực phát hành công chúng bởi đây là khu vực mà doanh nghiệp có thể huy động vốn dễ dàng hơn và được giám sát chặt chẽ hơn đồng thời là nơi mà xếp hạng tín nhiệm phát huy được hiệu lực. Khi xếp hạng tín nhiệm phát huy được vai trò của nó thì mới có tiền đề để xây dựng thị trường thứ cấp. Nếu trái phiếu chỉ phát triển phía phát hành mà chưa phát triển thị trường thứ cấp thì nó không phải là công cụ vốn dài hạn tốt.
TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ rằng ông đã từng phỏng vấn Vụ Quản lý chào bán chứng khoán của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và được biết nhanh nhất là nửa năm, chậm nhất 1 năm họ mới xử lý xong một bộ hồ sơ phát hành trái phiếu ra công chúng: "Họ trả lời tôi là chúng em có quá nhiều hồ sơ, không thể xử lý nổi".
Việc ban hành Nghị định 65 về phát hành trái phiếu riêng lẻ là rất tốt nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây mà không đẩy nhanh quá trình xử lý thủ tục bên phát hành ra công chúng thì ách tắc toàn bộ thị trường: "Tôi cũng phỏng vấn một số tập đoàn lớn phát hành riêng lẻ hiện nay, uy tín của họ tầm quốc tế chứ không phải thị trường này. Họ chia sẻ khổ cho bọn em ở chỗ phải phát hành riêng lẻ ở Việt Nam với lãi suất rất cao, phát hành ra quốc tế lãi suất cũng cao bởi vì bọn em chưa đủ đẳng cấp phát hành ra công chúng ở Việt Nam. Nhưng bây giờ bọn em nộp hồ sơ phát hành ra công chúng ở Việt Nam thì sẽ mất toàn bộ cơ hội kinh doanh".
Ông Nghĩa nhấn mạnh đây là điều mà các cơ quan quản lý phải suy nghĩ nghiêm túc, hành động thực sự.
Lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong tháng 9 tăng đột biến