Xã hội

Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Những con thoi trong lòng thành phố (P1)

Manh Lan 26/07/2024 23:27

Công tác bí mật giữ vũ khí, tình báo, giao liên hay trực tiếp cầm súng đánh địch đều có bóng dáng của những người phụ nữ.

Năm 1967, tại Washington D.C, gần 100.000 người đã tập hợp để phản đối chiến tranh phi nghĩa tại Việt Nam. Chính quyền Johnson đã đáp trả bằng cách tuyên truyền một chiến dịch mạnh mẽ nhằm khôi phục niềm tin của công chúng đối với khả năng xử lý cuộc chiến của mình.

Tuy nhiên, cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 đã làm phá sản mọi toan tính của quân địch.

Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy đặc biệt này, toàn miền Nam có hơn 2 triệu lượt phụ nữ vũ trang tham gia. Ngay tại trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ - Ngụy, những nữ biệt động đã khiến thành lũy kẻ thù phải rung chuyển.

Phim tài liệu "Nữ Biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử"

Trong 2 tập phim tài liệu VTV Đặc biệt Nữ Biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử, chúng ta sẽ được sống và nhìn lại một phần nào đó những hy sinh anh dũng, những câu chuyện anh hùng, trà trộn vào lòng địch để làm cách mạng của những nữ đặc công biệt động quả cảm, mà ở đó, bằng máu, họ viết lên khúc ca bi tráng ngay trong lòng thành phố.

Phụ nữ xuất hiện trong mọi mặt trận cách mạng

Cuối năm 1967, quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam đạt tới con số 480.000 quân, cộng với 68.000 quân từ các nước phụ thuộc Mỹ. Chi phí dành cho chiến tranh Việt Nam của Mỹ từ năm 1965-1966 là 4,7 tỷ USD, nhưng chỉ riêng trong năm 1967, con số ấy đã tăng lên gấp gần 8 lần, gấp 1,5 lần chi phí mà Mỹ đã bỏ ra cho cuộc chiến tranh Triều Tiên. Các chi phí này đã ảnh hưởng lớn đến nước Mỹ, thậm chí khiến nền kinh tế nước Mỹ bắt đầu suy thoái.

Quân Mỹ đã chi hơn 32 tỷ USD cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ riêng trong năm 1968. Ảnh: Tư liệu/Ảnh chụp màn hình

Quân Mỹ đã chi hơn 32 tỷ USD cho cuộc chiến tranh ở Việt Nam chỉ riêng trong năm 1968. Ảnh: Tư liệu/Ảnh chụp màn hình

Ngay từ tháng 6/1967, Bộ Chính trị chủ trương, nhân lúc Mỹ phải tập trung cho cuộc bầu cử Tổng thống, ta cần chuẩn bị đánh một đòn quyết định, tạo chuyển biến nhảy vọt cho cuộc chiến tranh cách mạng ở Việt Nam. Đòn quyết định đó phải cho Mỹ biết rằng, không thể thắng dân tộc Việt Nam bằng vũ khí hay bom đạn.

Cuộc Tổng Tiến công và nổi dậy táo bạo Tết Mậu thân năm 1968 góp phần giúp dân tộc ta thay đổi vận nước, hình thành nghệ thuật quân sự Việt Nam. Đây cũng chính là đỉnh cao chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia định.

Trước đó, từ năm 1945, ở nội thành, nội thị miền Nam, đặc biệt là ở nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, những đơn vị vũ trang, bán vũ trang của những cơ quan, xí nghiệp, tổ chức đã được củng cố nhằm phục vụ công cuộc kháng chiến chống Pháp. Họ sử dụng phương pháp đánh bất thần, lợi dụng nhược điểm của địch ở nội thành, nội thị. Từ đó, khái niệm “biệt động” cũng ra đời. Các đơn vị biệt động cũng lần lượt được hình thành trong suốt hơn 2 thập kỷ.

Các đơn vị biệt động thu hút đông đảo nhân dân ở mọi tầng lớp xã hội tham gia. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Các đơn vị biệt động thu hút đông đảo nhân dân ở mọi tầng lớp xã hội tham gia. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Các đơn vị biệt động của các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội thu hút rộng rãi nông dân, công nhân, thợ thủ công, học sinh, trí thức, tiểu thương, tiểu chủ. Đặc biệt, ngay từ ban đầu, đã có sự tham gia của phụ nữ.

Những nữ biệt động tinh nhuệ, tham gia tác chiến từ những ngày đầu thành lập biệt động. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Những nữ biệt động tinh nhuệ, tham gia tác chiến từ những ngày đầu thành lập biệt động. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Các biệt đội phụ vận đều là lực lượng vũ trang cách mạng đặc biệt tinh nhuệ về cả phẩm chất chính trị lẫn bản lĩnh quân sự.

PSG. TS Phan Xuân Biên

PSG. TS Phan Xuân Biên

“Nữ biệt động làm rất nhiều việc, như là giao liên, trinh sát, tác chiến,... Phụ nữ có cái lợi hơn nam giới, là đi vào lòng địch ít bị chú ý, kiểm soát hơn. Nhưng vô cùng vất vả! Thao tác về điện đóm, ném lựu đạn, mọi thứ, họ phải chịu đựng vô cùng gian khổ”, PSG. TS Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chia sẻ về sự vất vả của những nữ biệt động khi tham gia tác chiến.

Tiền thân Tiểu đoàn Nữ Biệt động Lê Thị Riêng

Tháng 3/1965, sau Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam lần thứ nhất, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định quyết định thành lập Ban Phụ vận do đồng chí Lê Thị Riêng làm Trưởng ban.

Các đồng chí trong Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Chụp màn hình/Hình ảnh được lưu lại tại quán Phở Bình, số 7 Lý Chính Thắng, Sở Chỉ huy Tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Các đồng chí trong Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Chụp màn hình/Hình ảnh được lưu lại tại quán Phở Bình, số 7 Lý Chính Thắng, Sở Chỉ huy Tiền phương phân khu 6 trong chiến dịch Mậu Thân 1968

Đồng chí Lê Thị Riêng. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Đồng chí Lê Thị Riêng. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Các thành viên chủ yếu hoạt động bí mật trong nội đô, trà trộn vào các tầng lớp xã hội nhằm hiệu triệu, tập hợp các thành phần yêu nước, phát động phong trào đấu tranh. Đồng chí Lê Thị Riêng trực tiếp chỉ đạo Ban Phụ vận thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị, xây dựng lực lượng để thành lập đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.

Nguyên tắc hoạt động của biệt động là xóa dấu vết, danh tính của mình khi đã tham gia lực lượng; gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, thường xuyên hoạt động trong lòng địch.

Đồng chí Lê Thị Riêng trực tiếp chỉ đạo Ban Phụ vận thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị, xây dựng lực lượng để thành lập đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Đồng chí Lê Thị Riêng trực tiếp chỉ đạo Ban Phụ vận thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị, xây dựng lực lượng để thành lập đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Tư liệu/Chụp màn hình

Công tác bí mật giữ vũ khí, tình báo, giao liên hay cầm súng đánh địch đều có phụ nữ tham gia. Các chị như con thoi len lỏi trong lòng thành phố, nằm trong dân - hòa vào dân.

Theo dự kiến, giữa tháng 5/1967, Ban Phụ vận sẽ xin Thường ủy T4 ra quyết định thành lập đơn vị vũ trang Nữ Biệt động Nội thành. Tuy nhiên, 9/5/1967, khi đang công tác ở chợ Đa Kao (quận 2 cũ), đồng chí Lê Thị Riêng bị bắt.

“Tới tháng 5/2967, dì Lê Thị Riêng bị một tên phản bội chỉ điểm và bị bắt”, bà Lê Thị Thu, Nguyên Tổ trưởng Tổ Võ trang Tuyên truyền, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định chia sẻ, “Dì Riêng là một mẫu phụ nữ Nam Bộ điển hình, vô cùng hiền lành”.

Bà Lê Thị Thu, Nguyên Tổ trưởng Tổ Võ trang Tuyên truyền, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định

Bà Lê Thị Thu, Nguyên Tổ trưởng Tổ Võ trang Tuyên truyền, Ban Phụ vận Sài Gòn - Gia Định

Trước tình hình đó, trong muôn vàn hiểm nguy và quyết tâm cao nhất, đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định, trực thuộc Ban Phụ vận Khu ủy chính thức được thành lập vào ngày 20/12/1967. Những phụ nữ bé nhỏ đi vào các khu lao động trong các ngõ xóm, xí nghiệp, trường học, chợ, để phát động quần chúng nội đô, góp phần tạo sinh khí mới, động viên quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa.

Ông Nguyễn Quốc Độ, cựu biệt động Sài Gòn chia sẻ: “Nguyên tắc hoạt động của Biệt động là phải xóa dấu vết, danh tính của mình. Tất cả đều phải đổi họ, đổi tên, đổi quê quán, đổi nghề nghiệp”.

Bà Phạm Thị Tài, biệt danh Ba Tài, cựu chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

Bà Phạm Thị Tài, biệt danh Ba Tài, cựu chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng

Bà Phạm Thị Tài, biệt danh Ba Tài, cựu chiến sĩ Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng chia sẻ: “Lúc đầu tôi đột nhập vào tầng lớp lao động, đi bán bánh mì. Đi hẻm này, hẻm kia, quan hệ quần chúng, quan hệ tổ chức, theo dõi mới thấy được thằng cầm đầu. Khi đó mới đem thư từ gửi vô, coi như cảnh cáo, dằn mặt nó, rồi bắt đầu đi nơi khác”.

Chiến công đầu vô cùng quan trọng của đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Chụp màn hình

Chiến công đầu vô cùng quan trọng của đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Ảnh: Chụp màn hình

Trong đợt 1, lực lượng biệt động đã mở đầu xuất sắc cuộc tiến công ở Sài Gòn và các đô thị, gây chấn động lớn và lập chiến công đầu: Đánh 10 trận, tiêu diệt 68 tên giặc trong đó có 24 giặc Mỹ; Giải thoát cho gần 500 thanh niên bị bắt lính tại Trại nhập ngũ số 3.

>> Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Máu và nước mắt của những người phụ nữ tưới tắm cho mọi chiến công bất tử (P2)

Vùng đất hiếm hoi không có người hy sinh sau 3 cuộc chiến tranh của dân tộc và lời thề ‘nhất xanh cỏ, nhì đỏ ngực’ của người lính Cụ Hồ

Những cánh thư thời hoa lửa: 'Anh mong cho chiến tranh mau chóng kết thúc để chúng ta được sống gần nhau'

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nu-biet-dong-sai-gon--khuc-trang-ca-bat-tu-nhung-con-thoi-trong-long-thanh-pho-p1-d128745.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Những con thoi trong lòng thành phố (P1)
POWERED BY ONECMS & INTECH