Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Máu và nước mắt của những người phụ nữ tưới tắm cho mọi chiến công bất tử (P2)
Nhà báo Mỹ đã chia sẻ trong bộ phim tài liệu này: “Tôi cứ ấn tượng, hình như người phụ nữ Việt Nam đánh trận vì trong họ có sẵn sự căm ghét Mỹ”.
Chiến tranh nhân dân trở thành khái niệm ám ảnh chế độ Mỹ - Ngụy tại Sài Gòn. Trong khi nam giới bị kiểm tra gắt gao, đây chính là lúc những nữ biệt động chứng minh sức mạnh của mình.
“Ra ngoài thành phố phải ăn mặc đẹp, sang trọng, quý phái, thì chúng nó chủ quan, ít khi để ý tới lắm”, bà Lê Thị Thu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, cựu biệt động Sài Gòn, chia sẻ.
“Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly,...”
Đường Châu Văn Liêm, xưa có tên là Tổng đốc Phương, đoạn vòng qua đường Hồng Bàng, quận 5, quay về hướng Sài Gòn, là nơi mà liệt sĩ Lê Thị Riêng (Hai Riêng) cùng liệt sĩ Trần Văn Kiệu (Chín Ka), lãnh đạo công đoàn Sài Gòn - Gia Định bị thủ tiêu.
Xe tù của địch đã đưa bà Hai Riêng, Chín Ka cùng nữ biệt động Phùng Ngọc Anh, thuộc Ban Hoa vận, từ tổng nha cảnh sát đến nơi này, bắn xối xả bằng 3 đợt đạn vào xe rồi vu oan cho Việt Cộng tập kích. Khi đó, chỉ còn duy nhất Tiểu Long Nữ - nữ biệt động Phùng Ngọc Anh may mắn sống sót.
“Tôi nhớ có 3 tên lính đi đến, xung quanh tối thui. Chị Riêng mới nói “Quân khốn kiếp! Đả đảo! Đả đảo! Quân khốn kiếp!!”. Thế là nó chĩa súng qua hàng rào B40, ngay ngực của chị Riêng bắn 2 phát, chị gục xuống”, cựu nữ biệt động Phùng Ngọc Anh xúc động kể lại.
Bà Lê Thị Riêng từng viết trong nhật ký khi nghe tin chồng mình hy sinh: “Đời tôi đã trải qua lắm lần tang tóc như thế, nhưng không lần nào sâu nặng bằng lần này. Còn lại 2 con sống xa mẹ, chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh giúp tôi hăng hái đi lên, không bao giờ được lùi bước.
Tôi sẽ chiến đấu cho hạnh phúc không tan, cho con sớm gần mẹ, cho mọi người không còn tang tóc, chia ly,...”
Công viên văn hóa Lê Thị Riêng, vốn xưa kia là đất nghĩa địa, có từ thời Pháp Thuộc. Sau sự kiện Mậu Thân 1968, chính quyền Sài Gòn đã tập trung về đây nhiều liệt sĩ quân giải phóng, trong đó có các liệt sĩ của lực lượng Sài Gòn - Gia Định.
Tại đây, một nhà bia đã được xây dựng để tưởng niệm anh linh của những liệt sĩ vô danh và sự kiện tàn sát vào đêm mùng 2 Tết Mậu Thân bi hùng ấy.
Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng
“Sau khi dì Lê Thị Riêng mất, dì Nguyễn Thị Tấn là người thay dì Riêng làm Trưởng Ban Phụ vận, mới đề xuất với Khu Ủy khu Sài Gòn - Gia Định thành lập tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng”, bà Lê Thị Thu chia sẻ.
Tiểu đoàn Nữ Biệt động Lê Thị Riêng chính thức ra đời vào ngày 8/3/1968, trên cơ sở tiền thân là đơn vị Nữ Biệt động Nội thành Sài Gòn - Gia Định.
Nhà sử học Nguyễn Đình Thống, đồng Chủ biên cuốn sách “Tiểu đoàn nữ Biệt động Lê Thị Riêng” chia sẻ về ý nghĩa lịch sử của tiểu đoàn này: “Đợt 1 Mậu Thân, lực lượng võ trang của nội thành Sài Gòn tổn thất rất lớn. Tiểu đoàn Lê Thị Riêng ra đời khi đó đã đáp ứng được việc bổ sung lực lượng cho đơn vị Nữ Biệt động Sài Gòn - Gia Định.
Tiểu đoàn mang tên của nữ biệt động Lê Thị Riêng đã giúp phát động được quần chúng tại chỗ, đánh địch tại chỗ, để cho nhân dân thành phố biết rằng cách mạng vẫn còn ở đây, giữa lòng thành phố, giữa lòng dân”.
Trong bối cảnh tài chính, vũ khí, phương tiện vận chuyển đều thiếu thốn, kinh nghiệm tác chiến non nớt, vậy mà trong đợt 2 Tết Mậu Thân, 142 chiến sĩ của Tiểu đoàn Nữ Biệt động Lê Thị Riêng đã xung trận mãnh liệt, quả cảm ngay trên địa bàn trung tâm của thủ phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Nối tiếp nhiệt huyết của người lãnh đạo quả cảm Lê Thị Riêng, các nữ biệt động không trông chờ, ỷ lại vào hỏa lực chi viện mà chiến đấu giữ địa bàn đến giọt máu cuối cùng.
Ông Phan Văn Hôn, cựu biệt động Sài Gòn - Gia Định nhấn mạnh: “Năm Mậu Thân đó chỉ có Biệt Động Sài Gòn đánh trong nội thành này. Đó là một mốc son, một tiền đề cho ngày 30/4/1975. Chúng tôi đánh thẳng vào đại sứ quán Mỹ, Dinh Độc Lập, tòa Tổng Tham mưu.
Thằng Mỹ nó đánh giá liền, rằng người Mỹ không có nơi nào để ở yên trong đất Sài Gòn này hết”.
Ông Daniel Ellsbergo, một nhà phân tích quân sự người Mỹ cho rằng: “Ngay từ đầu cuộc chiến tranh, người ta đã tìm cách lừa dối các thanh niên Mỹ, những người nhẹ dạ cả tin, thích ăn ngon mặc đẹp. Thanh niên Mỹ đã bị lừa dối, bị đưa tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược và bắn chết những người dân vô tội. Tôi có thể nói rằng, hết thế hệ này đến thế hệ khác, họ đã bị đánh lừa”.
Tổng thống Mỹ khi đó là ông Gerald Ford đã phát ngôn: “Tôi trở lại cuộc chiến tranh Việt Nam ư? Chúng ta không thể nào phát động trở lại được! Cuộc chiến tranh đã kết thúc!”
Chiến công của Biệt Động Sài Gòn góp phần đánh thức lương tri của bất cứ ai yêu chuộng hòa bình Sự thật về cuộc chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam chống lại kẻ xâm lược hung bạo đã ngày một lan rộng, góp phần khiến phong trào phản chiến diễn ra khắp nơi. Chính quyền Mỹ buộc phải tìm cách rút chân khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam.
>> Nữ biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử: Những con thoi trong lòng thành phố (P1)