Nữ đại gia vàng Việt Nam được vinh danh 'biểu tượng ngành kim hoàn thế giới': 67 tuổi sở hữu 'đế chế' nghìn tỷ, chiến thắng kỳ tích căn bệnh ung thư
Bà thuộc thế hệ doanh nhân đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất và được xem là nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam.
Tháng 9/2023, tại giải thưởng JWA 2023 diễn ra tại HongKong (Trung Quốc), bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là người Việt Nam duy nhất được vinh danh là 1 trong 40 biểu tượng xuất sắc nhất (Extraordinary 40) ngành kim hoàn thế giới.
Bà cũng là người Việt Nam đầu tiên đứng vào hàng ngũ 40 nhân vật tạo nên lịch sử của ngành kim hoàn thế giới. Trong số 40 nhân vật được vinh danh, bà là 1 trong 4 người phụ nữ hiếm hoi nhận được giải thưởng này.
Bà Cao Thị Ngọc Dung tại lễ trao giải JWA 2023. Ảnh: Hoài Anh/Tin nhanh Chứng khoán |
Hiện nay, bà Cao Thị Ngọc Dung được xem như nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam; PNJ cũng được biết đến là doanh nghiệp có doanh thu hàng chục nghìn tỷ với khoảng 400 chi nhánh khắp cả nước. Ít ai biết, để có được những thành công như hôm nay, bà Dung đã phải trải qua không ít biến cố, thách thức.
"Người đàn bà thép" của ngành kim hoàn
Doanh nhân Cao Thị Ngọc Dung (sinh năm 1957 tại tỉnh Quảng Ngãi) sinh ra trong một gia đình khá giả với truyền thống kinh doanh. Không giống tiểu thư các gia đình khác, bà Dung sớm đã phải tham gia lao động và thấm nhuần những khó khăn khi đất nước còn trong thời kì chiến tranh, bom đạn. Chính vì thế, bà hiểu hơn hết giá trị của lao động, nuôi dưỡng đam mê mãnh liệt với kinh doanh, buôn bán.
Năm 1979, bà thi đỗ vào trường Đại học Kinh tế TP. HCM và tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế thương nghiệp. Năm 1988, cửa hàng kinh doanh Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (thuộc UBND quận Phú Nhuận) được thành lập, bà Dung được cử giữ vị trí Giám đốc.
Bà được xem như nữ hoàng trong ngành bán lẻ vàng bạc đá quý Việt Nam. Ảnh: Báo Công Thương |
Bà Cao Thị Ngọc Dung từng hồi tưởng: “Cuối những năm 80, Nhà nước thành lập các xí nghiệp vàng bạc theo mô hình thí điểm để chính thức đưa ngành này thành một sản phẩm hàng hóa không còn bị cấm đoán như trước... Ngày đó tôi còn trẻ và được giao nhiệm vụ thành lập công ty này.”
Khi bà Cao Thị Ngọc Dung trở thành Giám đốc điều hành, tài sản của công ty chỉ có 7,4 lượng vàng với vỏn vẹn 20 nhân viên. Nhưng điều đó cũng chẳng thể làm khó được nữ doanh nhân, bởi với bà, khi đã chấp nhận nhiệm vụ của người lãnh đạo, cũng là chấp nhận phải luôn chuẩn bị tinh thần đối mặt khó khăn thử thách sẽ ập tới bất kể lúc nào.
Thời điểm cuối những năm 80 khi ấy, hầu hết các công ty vàng bạc của thành phố và quận huyện ra đời đều đi theo mô hình hợp tác với tư nhân, bà Dung hoàn toàn ngược lại. Năm 1992, khi Nhà nước chính thức cho tư nhân kinh doanh vàng, trong bối cảnh làn sóng các nhà buôn bỏ đi kinh doanh riêng, mô hình của công ty mà bà Dung táo bạo thực hiện đã chứng minh được tầm nhìn đúng đắn của bà.
Khi ấy các doanh nghiệp Nhà nước chật vật, điêu đứng thì PNJ vẫn trụ vững, thậm chí còn nổi lên như một ngôi sao bởi không hề bị phụ thuộc. Bên cạnh đó, ngoài việc có xí nghiệp kim hoàn riêng, công ty còn có được đội ngũ thợ chế tác kim hoàn đã đồng hành, sát cánh từ những ngày đầu tiên.
Dấu mốc năm 1992 không chỉ là năm bà chứng tỏ được tầm nhìn của bản thân mà đây còn là một năm đầy thách thức khi thành phố giới thiệu cho công ty của bà một đối tác tại Úc với mục đích thành lập công ty liên doanh sản xuất trang sức theo hướng công nghiệp hóa. Với bản tính cẩn thận và cầu toàn, bà Dung đã chủ động đề nghị lãnh đạo quận Phú Nhuận sang nước bạn để tận mắt chứng kiến người thật việc thật xem họ kinh doanh thế nào mới quyết định có liên doanh hay không.
Sau khi học hỏi mô hình tại nước bạn, bà càng chắc chắn cương quyết hơn với việc thế giới làm được thì bà cũng sẽ làm được, do đó nữ doanh nhân không đồng ý việc liên doanh với doanh nghiệp ngoại quốc.
“Tôi sẽ cho thế giới thấy được ngành công nghiệp kim hoàn của Việt Nam phải ngang bằng thế giới”, bà Dung từng giãi bày.
Bà Cao Thị Ngọc Dung tại lễ vinh danh "Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2022". Ảnh: Báo VnExpress |
Ngay lập tức bắt tay vào công việc, nữ Giám đốc đã cho nhập máy móc để có những sản phẩm công nghiệp đầu tiên cho ngành kim hoàn Việt Nam. Có thể nói đây là giai đoạn hết sức khó khăn với bà và toàn thể cán bộ, công nhân viên của công ty. Nhưng cuối cùng bằng sự đồng sức, đồng lòng bà và công ty đã vượt qua sóng gió. Đây được coi là bước đệm lớn đưa tên tuổi của PNJ rực sáng hơn.
Từ một công ty nhỏ với số tài sản 7,4 chỉ vàng và vỏn vẹn 20 thợ kim hoàn, dưới sự lãnh đạo, dẫn dắt của bà, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ngày càng lớn mạnh hơn, số lượng công nhân tăng lên theo cấp số nhân. Đồng thời, bà đã đưa PNJ trở thành thương hiệu nổi tiếng, phủ sóng toàn quốc.
Những biến cố tưởng chừng không thể gượng dậy nổi
Với những người quen biết bà Dung thì việc bà vẫn giữ được thái độ sống tích cực lạc quan, thậm chí đạt được thành tựu hôm nay là một kỳ tích. Bởi trong vài chục năm qua, bà đã gặp vô số thách thức, trong đó có 2 biến cố lớn, mà với nhiều người khác có thể không gượng dậy nổi.
Bà Ngọc Dung trong chương trình "Ngày hội văn hóa 2022" của công ty. Ảnh: Báo VnExpress |
Năm 2000, bà phát hiện bị ung thư. Chính khoảng thời gian bị bệnh đã giúp bà có thời gian nhìn lại cuộc đời mình. Trước lúc mắc bệnh, bà Cao Thị Ngọc Dung tự nhận mình là một người nóng tính, làm việc bất chấp sức khỏe, thích hơn thua trong mọi việc. Nhưng khi đối diện với cái chết, bà nhận thấy rằng sự ganh ghét, hơn thua và tích cách nóng nảy chẳng thể mang lại lợi ích. Từ đó, bà quyết tâm thay đổi tính cách của bản thân và bà đã tìm được bản tâm của chính mình. Bằng nghị lực của bản thân cùng tâm thái an nhiên, bà đã vượt qua được căn bệnh ung thư.
Nhiều người nói rằng tôi là 'người đàn bà thép', nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi chỉ là người dám nhìn thẳng vào sự thật mà thôi", bà Dung khẳng định.
Bà đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người làm thuê Việt Nam bằng câu nói: “Đừng bao giờ nghĩ mình trả lương cho người ta thì người ta phải làm cho mình. Người ta đi làm hưởng lương chứ không phải ăn xin mình. Nếu không có những người lao động sẽ không thể gây dựng nên một doanh nghiệp bền vững…”