Câu chuyện về nữ nhi tài hoa giả trai đi thi Trạng nguyên để lại nhiều thông điệp giáo dục sâu sắc cho thế hệ sau.
Giả trai đỗ Trạng
Bà Nguyễn Thị Duệ còn có những tên khác như Nguyễn Thị Du, Nguyễn Thị Ngọc Toàn và tên hiệu là Diệu Huyền. Bà sinh 14/3/1574 ở làng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (Hải Dương). Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã bộc lộ tài năng thiên bẩm về chữ nghĩa. Vừa thông minh lại sở hữu nhan sắc xinh đẹp, nên khi mới chỉ hơn 10 tuổi, bà đã được nhiều gia đình quyền quý trong vùng hỏi cưới, định hôn nhưng bà không thuận.
Những năm cuối thế kỷ 16, cuộc chiến Nam Bắc triều giữa nhà Mạc và Lê - Trịnh đi đến hồi kết thúc. Khi triều Mạc suy thoái, Trịnh Tùng kéo quân ra Bắc, quân Mạc thua to phải chạy. Tướng Mạc Kính Chỉ tập hợp con cháu họ Mạc kéo lên Cao Bằng làm đất dung thân. Ở làng Kiệt Đặc, gia đình bà Nguyễn Thị Duệ cũng phải đi lánh nạn. Nhớ đến những năm tháng yên lành dưới triều vua Mạc, gia đình bà tìm đường lên Cao Bằng.
Mặc dù tài hoa nhưng vì là phận nữ nhi nên bà không được phép đi học, và tại đất Cao Bằng vị tài nữ này đã quyết định giả trai để tiếp tục niềm đam mê đèn sách. Dù đang phân tranh cùng họ Trịnh nhưng lòng dân lúc bấy giờ vẫn theo nhà Mạc rất đông, nhiều danh sĩ cũng lên Cao Bằng để thi thố tài năng mong góp sức cho vương triều.
Khi triều đình mở khoa thi cử để tìm kiếm nhân tài giúp nước đã thu hút nhiều sĩ tử, trong đó có cả bà Nguyễn Thị Duệ. Bà lấy tên Nguyễn Ngọc Du, ăn mặc giả trai đăng ký dự thi.
Trong các kỳ thi hương, hội và đình, bà Duệ đều đỗ đầu và trở thành Trạng nguyên (có tài liệu cho rằng đó là khoa thi năm Giáp Ngọ - 1594). Khi ấy, bà chỉ khoảng 17-20 tuổi.
Đắc tội vua nhưng vẫn được gọi là ‘bà chúa’
Sách “Những người thầy trong sử Việt” viết khi triều đình mở yến tiệc đãi các tân khoa, Nguyễn Ngọc Du là người đầu tiên đến làm lễ trước bệ rồng. Nhà vua và tất cả văn võ bá quan ngạc nhiên trước vẻ khôi ngô tuấn tú, dáng bước khoan thai của tân Trạng nguyên.
Khi nhà vua ban ngự tửu, Nguyễn Ngọc Du đến nhận lễ. Thấy Trạng nguyên mặt hoa da phấn, thân hình mảnh mai, sóng mắt long lanh, vua mới ngờ vực rồi hỏi và được biết Du thực chất là con gái. Cả triều đình kinh ngạc vì chuyện xưa nay chưa từng có, chưa kể đây là tội khi quân. Thậm chí, có lời đồn cho rằng đó là điềm xấu báo hiệu tận số của vương triều Mạc, tội khó thoát khỏi án chết.
Tuy nhiên, vua Mạc đã không trừng phạt mà còn khen ngợi và tỏ ra rất quý trọng tài sắc của bà, cho lấy lại tên cũ, ban cho làm Lễ quan trong cung dạy chữ và lễ nghi cho các cung tần, thị nữ.
Lâu ngày gặp gỡ, tiếp xúc, Mạc đế càng rung động trước nhan sắc rạng rỡ cùng tài hoa của nàng Lễ quan Nguyễn Thị Duệ nên đã đưa bà vào hậu cung và tấn phong bà thành Tinh phi - ngụ ý bà xinh đẹp và sáng láng như một vì sao sa. Bởi vậy, dân gian gọi bà là “bà chúa Sao Sa”.
Với nhan sắc và tri thức rộng rãi, bà ngày càng được vua Mạc sủng ái, yêu thương và được giao cho công việc tiếp tục dạy bảo lễ nghi, quy tắc cho phi tần. Người ta còn truyền tụng câu chuyện: Thuở hàn vi, anh trai Nguyễn Thị Duệ bị người trong làng hãm hại, nhưng khi vinh hiển, bà không hề nghĩ đến thù riêng mà sát hại những người đó.
Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng diệt nhà Mạc. Vua Mạc bị bắt đem về Thăng Long. Bà Nguyễn Thị Duệ chạy về ở ẩn tại chùa Sùng Phúc khu vực phía Đông Cao Bằng. Bà vừa trụ trì chùa, vừa dạy học và dạy lễ nghĩa cho con em dân bản.
Nhưng rồi trong lúc rối ren chinh chiến, quân Trịnh trong lần truy lùng tàn quân của Mạc Kính Cung đã phát hiện ra nơi bà ẩn náu. Nguyễn Thị Duệ bị bắt, giải đến phủ chúa Trịnh. Nhờ tài đối đáp khiêm nhường nhưng thông minh, bà thoát tội chết, được đưa về Thăng Long và đối đãi tử tế.
Sau nhiều thăng trầm, biến cố, năm 70 tuổi, bà Nguyễn Thị Duệ xin trí sĩ, về quê Chí Linh dựng am Đàm Hoa. Đây vừa là nơi ở, đọc sách, tĩnh tu và được coi như một trường học của làng. Các sĩ tử trong vùng ngày ngày đến am để nghe bà giảng giải kinh nghĩa. Bà cũng được nhà Lê cấp thuế trong làng làm ngụ lộc, nhưng bà chỉ lấy một ít tiền để chi tiêu, còn lại dành hết cho việc công ích, trợ giúp người nghèo.
Bà Nguyễn Thị Duệ mất vào ngày 8/11/1654 , hưởng thọ 81 tuổi, thi hài bà được an táng ở quê nhà. Ngọn tháp xây trên mộ được gọi là “Tinh Phi cổ tháp” khắc mười chữ “Lễ Phi sinh thông tuệ, nhất kính chiếu tam vương” (Lễ Phi là người thông tuệ, một gương soi chiếu ba vua).
Nhớ công ơn của bà, dân làng Kiệt Đặc dựng đền thờ tôn bà làm phúc thần. Trên bức hoành có hai chữ “Hoa Am”, trong có bức tượng bà và đôi câu đối “Giá khoa tiên chiếm Cao Bình bảng/ Đại bút do truyền bát cổ bi”. Tại Văn Miếu Mao Điền (Hải Dương), 637 vị tiến sĩ được thờ, trong đó có bài vị của nữ tiến sĩ duy nhất đề tên “Nghi Ái quan Nguyễn Thị Duệ”.