Nước sạch nông thôn - Cuộc đấu tranh trường kỳ

14-07-2023 07:22|Hà Linh Quân

Giữa tháng 6 năm 2023, người dân xã Đông Phương huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng mở vòi nước “máy” trong nhà thấy nước chảy ra bốc mùi hôi thối.

Toàn cảnh xã Đông Phương, Kiến Thụy, Hải Phòng

Giữa trưa, cái nắng khủng khiếp khiến cảnh vật cứ rung rinh, chập chờn. Chúng tôi vào quán ven xã Du Lễ nghỉ chân. Cô bé giúp việc nhanh nhẹn như chú gà con ra mở vòi nước cho khách.

Bạn tôi hào hứng: “Nước ở quê hơi bị trong!”.

Một ông lão ngồi bất động như một hình vẽ trên giấy dán tường trong quán đột ngột thốt lên: “Nước thành phố lấy về đấy! Muốn biết nước nông thôn thì về xã Đông Phương!”.

Khi mọi vòi nước đều… thối!

Giữa tháng 6 năm 2023, người dân xã Đông Phương huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng mở vòi nước “máy” trong nhà thấy nước chảy ra bốc mùi hôi thối. Điên tiết, họ gọi nhau xông vào nhà máy nước Đại Thái (nơi cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.900 hộ dân của xã), rồi kinh hãi thấy dòng nước đen như nước cống đổ vào bể lắng (dân tình gọi là cái ao!).

Mặc cho ông Sơn - chủ nhà máy nước - ra sức bao biện, người dân buộc tội ông ta đã bán cho họ thứ nước bẩn thỉu lọc từ sông Hương - một con sông bị ô nhiễm nặng nề, đến cá trên sông cũng không ăn được vì nó quá tanh!

Đám thanh niên xã mang nỗi tức giận đen ngòm lặn xuống, lôi lên khỏi miệng đường ống dẫn nước trên sông Hương vào nhà máy Đại Thái hàng đống rác rưởi, giẻ lau và… băng vệ sinh!

Vào năm 2020, cũng tại Đông Phương, đã xảy ra điều tương tự. Hồi ấy, chuyện nước bẩn ở nông thôn thỉnh thoảng mới được đăng ở trang trong các tờ báo ngày, bên cạnh những tin rao vặt. Sau rồi đâu lại đóng đấy.

Ngày nay thì khác! Chẳng ai chịu nổi cái thứ quá khứ nặng mùi đến tận bây giờ.

Người Đông Phương đi báo xã. Lạ thay, xã im lặng như con cá bơi dưới lớp nước phủ bèo. Tức giận, họ tung video lên mạng xã hội. Lập tức Facebook lan thông tin đến tận VTV (Đài Truyền hình Việt Nam).

Thấy dư luận đã dậy sóng, chiều ngày 26/6, xã mời dân lên đối thoại. Trước những bằng chứng nóng hổi, chủ tịch xã cứ ngây thơ bền bỉ, hồn nhiên tuyên bố: “Nhà tôi vẫn dùng nước của ông Sơn bình thường!”.

Giọng ông vang lên như một nốt giáng chết chóc bởi sự vô cảm của nó. Người Đông Phương bỏ phòng họp, đứng đầy trong sân ủy ban và căng băng rôn phản đối.

Cơn phẫn nộ loang khắp xã như một vết dầu. Nhiều người Đông Phương đi làm ăn xa cũng trở về để tham gia tranh đấu: “Gia đình tôi cần nước sạch!”

Chính quyền xã thấy không thể cứ tảng lờ cho vụ việc “lớn thành nhỏ, nhỏ thành không”. Sang ngày hôm sau, họ bắt Đại Thái cam kết 100% nước thô phải lấy ở sông Đa Độ, nguồn nước sạch của thành phố; Tháo dỡ toàn bộ hệ thống ống dẫn nước từ sông Hương vào ao; Đảm bảo có nước sạch cho người dân.

Muộn rồi! Những lời hứa hẹn lặp đi lặp lại đã mất phép thiêng. Hơn thế, lấy nước thô từ nguồn sông Đa Độ chỉ là giải pháp tạm thời làm nước tốt hơn BÂY GIỜ, chứ không thể cấp cho dân thứ nước sạch theo tiêu chuẩn của bộ Y Tế, bởi vấn đề nằm ở chỗ trang thiết bị và công nghệ của Nhà máy nước.

Sáng ngày 5/7, chúng tôi về xã Đông Phương, hỏi một người dân đường đến cái nhà máy nổi tiếng đó. Ông ta nhìn tôi ngờ vực như vẻ mặt con mèo già đang gầm gừ trong góc bếp, rồi chỉ ra ngay đằng sau. Cái thái độ lạ lùng đó khiến tôi phải nghĩ: “Vậy thì ông ta là ai?”

Thì ra cái gọi là nhà máy nước Đại Thái là mấy ngôi nhà nhễ nhại phơi trong nắng hè, phô bày vẻ ngoài tồi tàn bằng những bức tường lổn nhổn gạch vỡ. Giữa nhà máy là cái ao nông choèn, bẩn thỉu, bờ kè lở loét. Cạnh bức tường bao lùn tịt, mặc kệ cho nước tràn xuống, là cái chuồng gà lụp sụp. Một con chó già rụng lông bới các đống rác tìm vỏ hoa quả và thức ăn thừa. Nó chẳng thèm liếc nhìn tôi, chắc đã kiệt sức vì nóng, chỉ uể oải sủa vài tiếng nho nhỏ đáp lại đám bạn trong xóm.

Vốn quen nhìn nhà máy nước An Dương (Hải Phòng) sạch như bệnh viện, đầy cỏ xanh với hoa vàng, chi chít máy móc và các thiết bị đo lường, tôi cố thuyết phục mình rằng không hề nhầm đường. Đây đích thực nhà máy nước Đại Thái!

Chúng tôi đi như chạy trốn ra khỏi Đại Thái vì sợ bị dân ghét lây. Mới đến đầu thôn Lạng Côn đã thấy không khí căng thẳng như có thể sờ tay vào được. Băng rôn kêu gọi tẩy chay Đại Thái treo đầy trên đường, mặc dù chính quyền vừa phát thông báo kết quả kiểm định của CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố), theo đó “nước máy” Đại Thái đạt tiêu chuẩn được quy định tại “Quy chuẩn nước sạch dùng cho mục đích sinh hoạt”.

Từ nhiều năm nay, CDC Hải Phòng luôn khẳng định nước của ông Sơn đạt chuẩn? Dân chẳng thèm tin!

Đi đến đâu cũng gặp dân bất bình. Tại một quán nước ven đường, có người đàn ông hiền lành, trên má hai lỗ đồng tiền hõm sâu vì có nụ cười bao dung, tươi tỉnh, đã ví nước bẩn như kẻ cưỡng dâm đã làm ô uế làng quê trong trắng!

Chắc chắn đấy là một người nhiều chữ ở xã, bởi sau đó ông hỏi tôi: “Biết Nguyễn Bính là ai không?”, rồi tỏ ra rất chán nản khi tôi nói đó là tên cầu thủ đá bóng!

Một chị chắc đã rời làng ra thành phố sống, than phiền: ”Mọi khi mùa hè cho trẻ con về hít thở không khí đồng quê, giờ vớ phải nước này uống, không khéo chết non!”

Bà vợ ông “biết Nguyễn Bính là ai” đế vào: ”Lại còn phải bàn! Xã có ối người ung thư rồi đấy!”.

Một ông trung niên, vẻ mặt như người đóng nắp quan tài, làu bàu: “Chưa cần ung thư, thế này cũng tèo!”. Nói xong ông ta vạch áo thằng bé ngồi cạnh để lộ tấm lưng đầy vết mẩn đỏ!

Nhiều người Đông Phương đang tính chuyện cho trẻ con đi ”du học” ở xã bên, như một hình thức “tị nạn” nước bẩn!

Cuộc đối thoại ra vấn đề

Người dân lưu lại những hình ảnh nước bẩn

Mãi đầu tháng 7, huyện mới nhận được báo cáo bằng văn bản xã gửi lên. Biểu hiện của quyền lực là nghĩa vụ phải đưa ra những quyết định. Không thể lẩn như nước lẩn trong cát. Thấu hiểu cái đạo lý đó, sáng ngày 8/7/2023, ông Đỗ Đức Hòa, Bí thư huyện ủy Kiến Thụy về Đông Phương để đối thoại với dân.

Đấy là một ngày thứ bảy, nắng trút xuống như dung nham. Cái nóng hầm hập làm cho thằn lằn cũng đổ mồ hôi. Những con quạ bay nhớn nhác đi tìm một mẩu bóng râm cỏn con.

Bất chấp cái nóng khiến không ai thiết ra đường, bên trong Hội trường UBND xã Đông Phương chật ních người. Tràn ra ngoài cổng là đám thanh niên mới lớn, mặt còn đầy mụn trứng cá, ồn ào như cơn mưa rào!

Mấy người đàn bà ngồi bệt ngay xuống vỉa hè, ánh nhìn buồn bã là dấu hiệu lâm sàng sự đau lòng. Đàn ông đứng không yên chỗ như bị chính nỗi buồn xua chân đi. Sự bất bình chẳng giấu diếm dưới bộ mặt không cam chịu.

Trái với ngoài đường, trong nhà không khí ôn hòa. Người dân phát biểu trật tự. Và rất hiểu biết. Họ thừa nhận rằng ông Sơn có quyền cung cấp nước ở Đông Phương theo hợp đồng với chính quyền. Thế nhưng nước đó phải sạch. Quyền cấp nước bẩn là một thứ quyền lực bị đánh cắp.

Có cô gái nói: “Đường ống nước thải sinh hoạt từ nhà ông Sơn chảy thẳng xuống ao (bể lắng). Hỏi có còn coi chúng cháu là con người không?”

Người khác: “Dân biết công của ông Sơn ngày xưa. (Tất nhiên 14 năm nay đồng tiền đã được luân chuyển vui vẻ theo các đường ống nước từ nhà dân về túi ông Sơn!) Còn như bây giờ trong cơ thể của bà con chứa đầy chất độc. Bà con căm thù ông Sơn!”.

Mùi “căm thù” có vị đắng khi người dân phải chịu đựng quá lâu. Và họ quyết định: Đề nghị xã hủy hợp đồng với nhà máy nước Đại Thái, căn cứ vào lời cam kết cung cấp nước sạch của chính ông Sơn trong cuộc làm việc với dân và chính quyền ngày 10/8/2020.

Ước nguyện của họ là được dùng nước của hãng “quốc doanh” chính hiệu - Công ty Cấp nước Hải Phòng.

Giữa đám đông người giận dữ, ông chủ của nhà máy nước im lặng, khuôn mặt khép kín như cửa cái két đựng tiền. Dân muốn ông nói gì đó, nhưng không được lãnh đạo huyện cho phép. (Chuyện này hơi lạ, vì trong chương trình nghị sự ban đầu có phần ông Sơn phát biểu).

Cuộc đối thoại đã kết thúc với cam kết của vị chủ tịch huyện Kiến Thụy “sẽ thanh tra toàn diện (pháp lý, kinh tế, kỹ thuật) nhà máy nước Đại Thái”.

Dân Đông Phương đứng đầy hai bên đường vẫy tay hoan hô bí thư huyện ủy. Họ hân hoan vì quan điểm của ông: “Chính quyền không thể hy sinh những lợi ích to lớn của người dân để thỏa mãn cái lợi ích cỏn con (không chính đáng) của doanh nghiệp!”.

Ngay ngày hôm đó, từ đầu làng đến cuối xóm, mọi băng rôn gọi xuống đường đã được gỡ. Bằng hành động ấy, người dân Đông Phương muốn truyền đi một thông điệp: “Chúng tôi tin ông bí thư! Tin chính quyền huyện!”

Vĩ Thanh

Mười lăm năm trước tôi cũng có dịp về xã Đông Phương. Trong trí nhớ đã già nua của tôi đấy là vùng quê yên bình với những đàn ong và các mái nhà xiêu vẹo.

Đông Phương giờ thay đổi lắm, có nhà cao tầng và xe ô tô chạy trên đường nhựa. Dân tình không dùng cái quạt tai voi Liên Xô thở hổn hển như người lên cơn hen, thay vào đó là điều hòa Nhật Bản. Và dĩ nhiên là họ thích có cái vòi nước, xoay tay một cái là nước trong lành chảy ra, hơn là cái cần múc nước ở giếng kẽo kẹt, lắc lư cổ dài dưới ánh trăng suông.

Trải qua thời gian có những quyết định ngày xưa đúng đắn thì nay trở thành tàn tích. Không thể thuyết phục hay van nài các tàn tích. Hãy xóa nó đi! Bằng không, những điều chưa được quyết toán từ lâu sẽ dội lại thành cơn đau.

Đêm mùa hè trời đầy sao. Làng quê về khuya thở nhẹ, lim dim với làn gió mát và trong giấc mơ của nó có dòng nước sạch chảy vào các đường ống nước, lên tận tầng ba!

TIN GIỜ CHÓT:

“Chiều ngày 10/7/2023, ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ nhà máy nước Đại Thái, đồng ý chuyển giao quyền được cấp nước ở xã Đông Phương sang cho Công ty cấp nước Hải Phòng”.

Nhiều người già cả trong xã ngạc nhiên, bởi họ vẫn nghĩ ông Sơn có quan hệ rộng, biết đâu một tay có thể xoay vần! Đám thanh niên có hiểu biết dự đoán: Đại Thái sợ bị phanh phui các sai phạm về tài chính sau cuộc thanh tra đã được Chủ tịch huyện hứa.

Ngươi cực đoan lại cho rằng: Ông Sơn muốn bán “bản quyền” cấp nước để kiếm thêm chút tiền dân! Kẻ thức giả hơn thì bảo đấy là một việc làm rất khôn ngoan. Cổ nhân đã nói: “Người biết dừng đúng lúc để yên ổn lương tâm đó mới thực là người TRÍ”.

Công ty nước của Shark Liên huy động gần 900 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 20 năm

Bệnh viện đầu tiên ở Tây Nam Bộ ‘biến’ nước mặn thành nước sạch dùng cho y tế

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/nuoc-sach-nong-thon-cuoc-dau-tranh-truong-ky-247429.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nước sạch nông thôn - Cuộc đấu tranh trường kỳ
    POWERED BY ONECMS & INTECH