Nút giao thông 20 làn xe phức tạp nhất Trung Quốc, 'xoáy' nhau trên 5 tầng đường khiến GPS cũng phải rối loạn
Thậm chí, đây còn đường đánh giá là nút giao thông phức tạp nhất thế giới.
Nổi tiếng với biệt danh "cây cầu vượt phức tạp nhất Trung Quốc", Hoàng Giác Loan sở hữu kết cấu ngoạn mục với 5 tầng, 20 làn đường và 8 hướng di chuyển, tổng chiều dài lên đến 16.414 mét. Nơi đây được ví như "mê cung giao thông" bởi sự đan xen phức tạp của các làn đường, tầng đường khiến ngay cả hệ thống GPS cũng phải "bó tay".
Được khởi công xây dựng vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2017, hệ thống giao lộ Hoàng Giác Loan tại Trùng Khánh, Trung Quốc nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới truyền thông và du khách quốc tế bởi thiết kế giao thông phức tạp, đan xen nhiều tầng, nhiều nhánh rẽ khác nhau.
Ngay khi ra mắt, "mê cung" giao thông này đã khiến nhiều người hoài nghi về khả năng di chuyển của các tài xế. Với hàng loạt làn đường đan cài vào nhau, giao lộ Hoàng Giác Loan được ví như một thử thách cho cả những tay lái dày dặn kinh nghiệm nhất.
Truyền thông thế giới cũng bày tỏ sự ấn tượng trước công trình giao thông mới ở Trung Quốc. Tạp chí Wired (Mỹ) bình chọn ảnh chụp cầu vượt Hoàng Giác Loan là Ảnh của tuần. Tờ Metro (Anh) nói đường cầu vượt trên không "gây sửng sốt". Còn India.com (Ấn Độ) nhận xét rằng thiết kế cầu không khác gì "mê cung mì spaghetti".
Đáng chú ý, làn đường cao nhất hệ thống có độ cao 37 mét so với mặt đất. Công trình được xây dựng để liên kết trung tâm thành phố, sân bay và đường cao tốc, với mỗi đoạn đường dốc dẫn đến một khu vực khác nhau.
Tuy nhiên, đây vẫn được coi là nút giao thông lớn nhất, phức tạp nhất và hữu ích nhất trong khu vực tây nam Trung Quốc. "Mê cung" Hoàng Giác Loan kết nối thành phố, sân bay và đường cao tốc, và dự án mất tám năm để hoàn thành. Điều này được cho là sẽ cải thiện lưu lượng giao thông cho 8 triệu cư dân tại thành phố miền núi Trùng Khánh. Tại đây, diện tích đồi núi chiếm tới 76% gây khó khăn cho đời sống nhân dân.
Liu Bangjun, kỹ sư phụ trách công trình cho biết, thiết kế 20 làn xe của cầu vượt là điều bắt buộc để việc di chuyển lưu thông trở nên dễ dàng hơn. Cầu vượt chia thành 5 tầng, kết nối với 3 đường cao tốc chính cũng như các tuyến đường khác trong khu vực.
Ngoài ra, nhóm thiết kế đã thiết kế nút giao với nhiều tính năng thông minh nhằm hạn chế tối đa khả năng đi sai làn của tài xế. Cũng theo ông Liu, nhóm thiết kế đã trang bị cho cầu vượt hệ thống đường dốc phụ, giúp tài xế dễ dàng quay đầu và điều chỉnh hướng di chuyển khi lỡ đi sai làn. Tài xế có thể linh hoạt chọn lối ra phù hợp trong vòng 10 phút dựa trên hệ thống biển báo hướng dẫn trực quan.
Bên cạnh đó, cấu trúc cầu vượt được tối ưu hóa để đảm bảo sự an toàn và dễ dàng thao tác cho cả những người mới lái xe. Nhờ vậy, người tham gia giao thông có thể yên tâm di chuyển trên "mê cung" 8 hướng này mà không gặp quá nhiều khó khăn.
Bất chấp những lời tuyên bố của các kỹ sư rằng công trình trông có vẻ "rối mắt" hơn nhiều so với thực tế, đường đi rất dễ hiểu, thậm chí nếu nhầm lẫn, tài xế có thể quay đầu xe dễ dàng, nhưng đến nay Hoàng Giác Loan vẫn được coi là cầu vượt phức tạp nhất thế giới.
Công trình trở nên nổi tiếng hơn kể từ khi nhiếp ảnh gia Fred Dufour ghi lại khoảnh khắc tuyệt đẹp của công trình từ nhiều góc nhìn. Kể từ đó, nơi này thậm chí thu hút cả các blogger du lịch tới trải nghiệm và khám phá.