Đại lộ 7.000 tỷ dài và rộng nhất Việt Nam với 16 làn xe chạy đẹp như châu Âu giữa lòng 'trung tâm đầu não' của cả nước
Tuyến đường có ý nghĩa kết nối cùng đô thị vệ tinh quy mô 600.000 dân với trung tâm Hà Nội.
Đại lộ Thăng Long còn được biết đến với tên gọi đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hiện đang là tuyến đường bộ dài nhất Việt Nam với chiều dài hơn 29km và chiều rộng trung bình 140m với tổng kinh phí đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng. Đại lộ Thăng Long chính thức thông xe vào tháng 10 năm 2010, đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, góp phần tô điểm cho diện mạo Thủ đô thêm hiện đại và phát triển.
Điểm đặc biệt của Đại lộ Thăng Long nằm ở cấu trúc gồm 2 dải đường cao tốc và 2 dải đường đô thị riêng biệt, đáp ứng nhu cầu giao thông đa dạng. Trên dải đường cao tốc, mỗi chiều được thiết kế 4 làn xe, bao gồm 2 làn cho phép tốc độ tối đa 100km/h, 1 làn tốc độ 80km/h và 1 làn dừng khẩn cấp. Dải đường đô thị, mỗi chiều có 2 làn đường hỗn hợp với tốc độ tối đa 50km/h.
Năm 2019, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại khu vực cửa ngõ phía Tây Hà Nội, dự án mở rộng đường gom đại lộ Thăng Long đã được triển khai. Dự án với tổng mức đầu tư gần 40 tỷ đồng đã tiến hành xén dải phân cách và mở rộng thêm 18,5m cho mỗi bên đường gom, từ đó tăng thêm 4 làn xe lưu thông (mỗi bên 2 làn xe).
Việc mở rộng này diễn ra trên đoạn đường dài khoảng 1,8km, từ cầu vượt Mễ Trì đến cầu vượt Phú Đô (quận Nam Từ Liêm). Nhờ vậy, tại khu vực này, đại lộ Thăng Long đã sở hữu tổng cộng 16 làn xe chạy, góp phần đáng kể vào việc giảm tải áp lực giao thông và nâng cao lưu thông cho khu vực.
Bắt đầu từ ngã tư Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng, Đại lộ Thăng Long trải dài 30km, đi qua những khu đô thị hiện đại bậc nhất thủ đô như Vinhomes Green Bay Mễ Trì, Vinhomes Smart City, Geleximco, Bắc An Khánh, Nam An Khánh, Sunny Garden Quốc Oai, Ngôi Nhà Mới. Với tốc độ tối đa lên đến 100 km/h, di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến Hòa Lạc chỉ mất khoảng 20 phút, giúp tiết kiệm thời gian và mang đến sự thuận tiện cho người dân.
Đại lộ Thăng Long không chỉ là tuyến đường giao thông quan trọng mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của các khu đô thị vệ tinh phía Tây Hà Nội. Dọc tuyến đường, hàng loạt khu đô thị mới mọc lên như nấm, góp phần gia tăng nguồn cung nhà ở và tạo dựng môi trường sống hiện đại, văn minh cho người dân.
Ngoài ra, Đại lộ Thăng Long còn là con đường dẫn đến các khu du lịch nổi tiếng như Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Ba Vì, Suối Hà. Nhờ có tuyến đường này, du khách dễ dàng di chuyển từ trung tâm Hà Nội đến các điểm tham quan, góp phần thúc đẩy ngành du lịch của khu vực phát triển.
Thời điểm trước 2016, tuyến đường này chưa có nhiều cây bóng mát mà chỉ có cây tán thấp như trúc anh đào, hoa dâm bụt, thảm cỏ, hoa.... Để biến nơi đây thành tuyến đường xanh mát, thành phố đã triển khai trồng hàng chục nghìn cây xanh dọc theo đại lộ, kéo dài từ Ba Vì đến Trung tâm hội nghị Quốc gia. Theo thông tin từ báo Dân trí, việc trồng và chăm sóc cây xanh cho tuyến đường này tốn kém không ít, với chi phí cắt tỉa cây lên đến 53 tỷ đồng mỗi năm.
Với hệ thống đường sá hiện đại, Đại lộ Thăng Long đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối trung tâm thành phố Hà Nội với các khu vực lân cận như Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên,... góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội và du lịch cho khu vực Tây Bắc.
Ngoài ra, Đại lộ Thăng Long còn là điểm nhấn cảnh quan kiến trúc cho thủ đô Hà Nội với những hàng cây xanh mát, những thảm hoa rực rỡ cùng hệ thống cầu vượt, nút giao hiện đại.
Đặc biệt, theo quy hoạch đến năm 2030, Hoà Lạc sẽ là đô thị khoa học công nghệ, sinh thái nghỉ dưỡng có quy mô dân số lên đến 600.000 dân. Khi ấy, đại lộ dài nhất, rộng nhất Việt Nam sẽ trở nên vô cùng tấp nập. Bên cạnh đó, tuyến đường có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển mở rộng Thủ đô Hà Nội về phía Tây và Tây Nam, tạo ra một Thủ đô hiện đại và văn minh.