Xã hội

Nứt núi 200m ở Thanh Hóa, di dời toàn bộ các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở

Manh Lan 11/09/2024 14:51

Vết nứt núi kéo dài 200m, rộng từ 0,5-1m, được phát hiện tại nơi có nhiều nhà dân và hai xưởng sản xuất, chế biến nan.

Một vết nứt lớn trên quả núi bên tuyến Quốc lộ 15, đoạn qua địa phận xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho người dân sinh sống dưới chân núi. Vết nứt kéo dài 200m, rộng từ 0,5-1m, được phát hiện tại Km20+829.32, nơi có nhiều nhà dân và hai xưởng sản xuất, chế biến nan. Khu vực này cũng nằm gần tuyến giao thông huyết mạch, gây ra mối lo ngại về nguy cơ sạt lở đất, đá xuống đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và tính mạng người dân.

Ngay khi nhận được thông tin, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khẩn cấp nhằm bảo vệ người dân và hạn chế thiệt hại. Chính quyền xã Phú Thanh và huyện Quan Hóa đã khẩn trương vận động di dời toàn bộ 10 hộ dân với 38 nhân khẩu cùng 2 xưởng sản xuất ra khỏi vùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, các biển cảnh báo và dây an toàn đã được lắp đặt ở hai đầu đoạn đường có nguy cơ sạt lở, đồng thời cử người trực gác 24/24 để theo dõi tình hình, đảm bảo an toàn cho người dân và các phương tiện khi lưu thông qua khu vực này.

Vết nứt taluy dương có chiều dài 200m, rộng 0,5-1m tại tại Km20+829.32 trên tuyến QL15 đoạn qua địa phận xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa

Vết nứt taluy dương có chiều dài 200m, rộng 0,5-1m tại tại Km20+829.32 trên tuyến QL15 đoạn qua địa phận xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa

Trước mắt, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra hiện trường và đưa ra các phương án xử lý tạm thời. Để giảm thiểu rủi ro, đơn vị quản lý giao thông đã chuẩn bị sẵn sàng thiết bị, máy móc và nhân lực để xử lý ngay khi có tình trạng sạt lở đất đá xuống đường, tránh gây ách tắc giao thông. Sở cũng chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiên cứu giải pháp lâu dài, bao gồm việc đào mái taluy dương nhằm giảm áp lực đè nén từ phía trên và ngăn chặn nguy cơ sạt lở thêm.

Vấn đề nứt núi đã xuất hiện khoảng ba tháng trước đó, nhưng tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây, do ảnh hưởng từ bão Yagi (bão số 3). Các trận mưa liên tục do bão gây ra đã khiến vết nứt mở rộng, đồng thời làm gia tăng nguy cơ sạt lở đất, đá. Mặc dù công tác di dời đã được thực hiện, nhưng các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng đối phó với những diễn biến bất ngờ.

Theo nhận định của các chuyên gia, tình trạng sạt lở đất tại vùng núi cao là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi mưa lớn kéo dài làm cho địa chất mất ổn định. Do đó, các biện pháp phòng ngừa như giăng dây cảnh báo, lắp đặt biển hiệu và bố trí lực lượng trực gác 24/24 là rất cần thiết để giảm thiểu thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân.

>> Diễn biến mới nhất vụ vỡ đê sông Lô ở Tuyên Quang

Cảnh báo 16 địa phương có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất đá trong 6 giờ tới

4 điểm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai bị tắc do ngập nước, sạt lở

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/nut-nui-200m-o-thanh-hoa-di-doi-toan-bo-cac-ho-dan-khoi-vung-co-nguy-co-sat-lo-d132826.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nứt núi 200m ở Thanh Hóa, di dời toàn bộ các hộ dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở
    POWERED BY ONECMS & INTECH