OCB và nỗi lo nợ xấu "cấu" lợi nhuận

02-06-2023 14:35|Hoàng Yến

Quý 1/2023, OCB ghi nhận số dư nợ xấu tăng 51% so với đầu năm, lên gần 4.045 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng vượt 3,3%.

Nợ xấu tăng nhanh trong khi đã xử lý được nợ của FLC và Đại Nam

Theo báo cáo tài chính quý 1/2023 của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), số dư nợ xấu tính đến cuối quý 1/2023 của nhà băng này đã tăng 51% so với đầu năm, lên gần 4.045 tỷ đồng.

Cụ thể, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tại OCB tăng 54%, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng 55% và nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tăng 49%. Do đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng đã bị kéo tăng từ 2,2% lên 3,3% - thuộc top cao nhất hệ thống.

OCB và nỗi lo nợ xấu
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của OCB.

Bên cạnh đó, tính đến cuối quý 1/2023, nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) tại OCB so với đầu năm cũng tăng tới 62% (từ 3.034 tỷ đồng leo lên 4.917 tỷ đồng). Dù chưa được xếp vào nhóm nợ xấu nhưng việc nợ cần chú ý nhảy vọt chỉ ra khả năng tiềm ẩn nợ xấu của OCB đang ở mức khá cao.

Đáng chú ý, cặp chỉ tiêu dư nợ xấu - tỷ lệ nợ xấu tại OCB trong quý 1/2023 cũng đang đạt mức kỷ lục trong các năm trở lại đây.

OCB: Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt trong khi đã thu hồi được nợ của FLC và Đại Nam
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của OCB

Liên quan đến các khoản nợ tại OCB, nhà băng này từng gây xôn xao với các khoản nợ của hai doanh nghiệp lớn là Đại Nam và FLC. Cụ thể, tại ĐHCĐ thường niên của OCB được tổ chức hồi tháng 4/2022, lãnh đạo OCB từng cho biết, tổng dư nợ nhà băng này cho Tập đoàn Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng vay là trên 1.000 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, Đại Nam đã trả được cho OCB 450 tỷ đồng.

Cùng thời điểm, OCB cũng đang là một trong ba ngân hàng cho FLC vay nhiều nhất. Đến hết quý 1/2022, FLC ghi nhận khoản vay ngắn hạn khoảng 713 tỷ đồng tại OCB và 817 tỷ đồng trái phiếu phát hành cho nhà băng này.

Tuy nhiên, tại ĐHCĐ thường niên năm 2023, cổ đông OCB đã chất vấn ban lãnh đạo về khoản vay của FLC và Đại Nam. Đại diện ngân hàng cho hay, toàn bộ danh mục nợ của hai doanh nghiệp nói trên đã thu hồi xong.

Nợ xấu có xu hướng tăng nhanh dẫn đến áp lực trích lập dự phòng của các ngân hàng ngày càng lớn. Cuối quý 1/2023, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng của OCB ở mức 1.892 tỷ đồng, tăng gần 20% từ mức 1.582 tỷ đồng vào cuối năm 2022 nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng lại giảm từ 59% xuống 47% sau 3 tháng đầu năm - nằm trong nhóm các ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng nhất

OCB: Tỷ lệ nợ xấu tăng vọt trong khi đã thu hồi được nợ của FLC và Đại Nam
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC các ngân hàng

Nỗi lo nợ xấu "cấu" lợi nhuận

Năm 2023, OCB cho biết sẽ dành ưu tiên cho việc thu hồi nợ xấu, kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 3%. Lãnh đạo ngân hàng còn khẳng định, đây là mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay.

Tuy nhiên, kết thúc quý 1/2023, con số nợ xấu của ngân hàng đã vượt ngưỡng 3%. Với việc nợ xấu tăng cao vượt mức 3%, OCB sẽ bị giới hạn nhiều hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đơn cử, ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% sẽ không được mua trái phiếu doanh nghiệp theo quy định tại Thông tư 16/2021 hay không được cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu cũng như mua, nắm giữ cổ phiếu các ngân hàng khác theo Thông tư 22/2019.

Đáng chú ý, nhìn lại năm 2022, ngân hàng này cũng ghi nhận nợ xấu tăng nhanh ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Cụ thể, theo báo cáo tài chính năm 2022, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 4.389 tỷ đồng, giảm 20% so với năm trước.

Các mảng thu nhập chính của ngân hàng gồm lãi thuần, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ hay kinh doanh ngoại hối của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, hoạt động chứng khoán kinh doanh và đầu tư của OCB lại ghi nhận các khoản lỗ lớn, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng.

OCB và nỗi lo nợ xấu
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC năm 2022 của OCB

Bên cạnh đó, dưới áp lực nợ xấu, OCB đã phải tăng bộ đệm dự phòng thêm gần 42% lên 1.582 tỷ đồng. Mặc dù vậy, tỷ lệ bao nợ xấu tại ngân hàng này cuối quý 4/2023 vẫn chỉ đạt 59%. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tại ngân hàng này cũng tăng thêm 7% - ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngân hàng.

Theo Chứng khoán BSC, tỷ lệ trích lập dự phòng cao hay thấp ở NHTM còn tùy thuộc khẩu vị và quan điểm của mỗi ngân hàng, do cơ chế phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro có “độ mềm” và mở nhất định. Tuy nhiên, việc trích lập dự phòng rủi ro nhiều hay ít đều tác động đến hoạt động kinh doanh chính của ngân hàng.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu càng cao, lợi nhuận của ngân hàng càng ít bị ảnh hưởng khi không thể thu hồi nợ xấu, vì ngân hàng có thể dùng khoản dự phòng rủi ro để xóa nợ. Bên cạnh đó, số tiền dự phòng sẽ được hoàn nhập khi nợ được thu hồi và chuyển thành lợi nhuận cho nhà băng.

Với số dư nợ xấu đang tăng cao đột biến, tỷ lệ bao phủ nợ xấu còn ở mức tương đối thấp so với các ngân hàng trong hệ thống hiện nay, việc lựa chọn giữa lợi nhuận và chất lượng tài sản chắc chắn sẽ là bài toán khó đối với OCB.

Ngân hàng rao bán loạt xe Audi, BMW để thu hồi nợ xấu

Nợ xấu phình to, bộ đệm dự phòng rủi ro của ABBank (ABB) có đang quá mỏng?

ĐHCĐ OCB: Gộp chia cổ tức 2022-2023 trong năm nay, đã thu hồi toàn bộ nợ của FLC và Đại Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ocb-va-noi-lo-no-xau-cau-loi-nhuan-185652.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
OCB và nỗi lo nợ xấu "cấu" lợi nhuận
POWERED BY ONECMS & INTECH