Với lượng lệnh tăng cao như hiện nay, việc nghẽn lệnh có thể vẫn tái diễn đối với hệ thống của HOSE từ nay tới khi hệ thống mới đi vào vận hành. Do đó, nhà đầu tư nên chủ động lường trước các rủi ro thực tế của hệ thống giao dịch để chọn chiến lược đầu tư phù hợp.
Đây là chia sẻ của ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Quyền Tổng Giám đốc, Công ty Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT) về vấn đề nghẽn lệnh giao dịch trên Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE) hiện nay.
PV: Thưa ông, việc nghẽn lệnh có dấu hiệu gia tăng trong những phiên gần đây khi lượng lệnh vẫn tiếp tục tăng. Ông đánh giá thế nào về sự tác động của tình trạng trên tới thị trường hiện nay?
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Theo tôi hình dung thì tình trạng này tác động bất lợi tới sự phát triển của thị trường chứng khoán trên một số góc độ cụ thể.
Thứ nhất, xét trên góc độ tổng thể thì tình trạng này cho thấy cơ sở hạ tầng chưa theo kịp được sự phát triển thực tế của thị trường, nên sẽ làm chậm hoặc thậm chí lãng phí cơ hội phát triển chung.
Thứ hai, nhìn từ góc độ cụ thể, tình trạng này làm nhà đầu tư trên thị trường khó chủ động được hoạt động giao dịch, nên sẽ gặp nhiều rủi ro hơn. Đồng thời, hoạt động quản lý rủi ro của các công ty chứng khoán cũng khó khăn hơn khi hệ thống giao dịch không ổn định.
Ngoài ra, việc hệ thống giao dịch bị nghẽn lệnh cũng có tác động một phần tới giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, bởi họ lo ngại về các rủi ro khó kiểm soát được trong ngắn hạn.
* PV: Theo phản ánh của một số nhà đầu tư, việc các công ty chứng khoán áp dụng việc ngừng hủy/sửa lệnh ở một số thời điểm ảnh hưởng tới quyền lợi của nhà đầu tư. Ông có chia sẻ gì về điều này?
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Việc dừng sửa/huỷ lệnh chắc chắn không chỉ ảnh hưởng đến nhà đầu tư mà còn đến ngay cả hoạt động giao dịch kinh doanh của công ty chứng khoán. Tuy nhiên, tôi hiểu rằng đây là vấn đề thực tế mà tất cả chúng ta cùng đang phải đối mặt và lựa chọn cách xử lý tối ưu nhất cho thị trường lúc này.
Cụ thể, tôi hiểu rằng hệ thống giao dịch của HOSE hiện nay được thiết kế có đặc điểm là khi có phát sinh lệnh sửa/huỷ thì sẽ tạo ra cho hệ thống một dạng lỗi 2G (một dạng lỗi kỹ thuật). Nếu số lỗi này phát sinh đạt tới một mức nhất định thì hệ thống sẽ tự động ngừng hoạt động. Vì vậy, Sở yêu cầu từng công ty phải kiểm soát lệnh huỷ/sửa để đảm bảo an toàn chung toàn hệ thống. Nếu công ty chứng khoán không kiểm soát chặn được số lỗi 2G phát sinh hiệu quả thì HOSE sẽ ngắt giao dịch với công ty đó.
Do đó, việc các công ty chứng khoán áp dụng hạn chế hủy/sửa lệnh hiện nay là nhằm hạn chế lỗi 2G chạm ngưỡng, gây rủi ro “sập” hệ thống của công ty và toàn thị trường, trong điều kiện hệ thống giao dịch chung đang quá tải và chờ hệ thống mới sắp triển khai.
Cơ quan quản lý và HOSE cần có biện pháp giám sát chặt chẽ, để đảm bảo việc triển khai các biện pháp tạm thời được minh bạch, công khai, tránh việc kiện tụng của các nhà đầu tư về việc các công ty chứng khoán ứng xử khác nhau và phân biệt đối xử giữa các đối tượng giao dịch khác nhau.
* PV: Một số ý kiến còn cho rằng, một số công ty chứng khoán đối xử không công bằng khi “tự doanh được hủy/sửa lệnh, còn nhà đầu tư bình thường thì không”. Tại VNDIRECT thì thế nào, thưa ông?
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Cơ quan quản lý và HOSE cũng đã có quán triệt với các công ty chứng khoán về việc tuân thủ pháp luật trên thị trường, đảm bảo sự công bằng cho các nhà đầu tư. Ở VNDIRECT, chúng tôi khẳng định chắc chắn không có vấn đề “tự doanh được hủy/sửa lệnh, còn nhà đầu tư bình thường thì không”.
* PV: Trong bối cảnh quá tải của hệ thống hiện tại của HOSE hiện nay, việc xử lý nghẽn lệnh sẽ phải chờ đến cuối tháng 6. Ông có chia sẻ hay khuyến nghị gì tới nhà đầu tư trong giai đoạn này?
- Ông Đỗ Ngọc Quỳnh: Trong điểu kiện hiện nay, tôi nghĩ các nhà đầu tư nên chủ động lường đón trước thực tế về rủi ro bất ổn định của hệ thống khi giao dịch, để lựa chọn chiến lược đầu tư phù hợp.
* PV: Xin cảm ơn ông!