Ông lớn năng lượng Singapore sắp xây nhà máy điện gió 3.200 tỷ đồng tại Khánh Hoà
Dự án nhà máy điện gió này đặt tại huyện Khánh Sơn và huyện Cam Lâm, có công suất lắp đặt 102MW và sản xuất khoảng 312.500 MWh/năm.
Ngày 1/12, Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa đã ký kết biên bản ghi nhớ (MOU) với Tập đoàn Nexif Ratch Energy (có trụ sở tại Singapore) nhằm phối hợp, hỗ trợ nghiên cứu, khảo sát và tìm hiểu cơ hội đầu tư dự án Nhà máy điện gió Nexif Energy Khánh Hòa 1.
Theo nội dung biên bản, hai bên thống nhất thiết lập mối quan hệ hợp tác, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi để Nexif Ratch Energy thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật Việt Nam. Việc triển khai dự án sẽ phụ thuộc vào điều kiện đủ để chấp thuận chủ trương đầu tư và việc Nexif Ratch Energy được chọn làm nhà đầu tư chính thức.
Dự án Nhà máy điện gió Nexif Energy Khánh Hòa 1 có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.200 tỷ đồng, đặt tại huyện Khánh Sơn và huyện Cam Lâm. Dự án này sẽ có công suất lắp đặt 102MW, sản xuất khoảng 312.500 MWh/năm, góp phần cung cấp nguồn năng lượng sạch cho hệ thống lưới điện quốc gia.
Theo ông Cyril Dissescou, Giám đốc điều hành Nexif Ratch Energy, lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Khánh Hòa là bước tiến quan trọng trong kế hoạch phát triển dự án điện gió trên bờ tại Việt Nam. Ông cho biết công tác phát triển điện gió tại Khánh Hòa đã được Nexif Ratch Energy triển khai từ tháng 1/2022 đến tháng 3/2023, và biên bản ghi nhớ này sẽ tạo cơ sở để đẩy nhanh tiến độ cấp phép dự án.
Việc đầu tư xây dựng nhà máy điện gió không chỉ giúp bổ sung nguồn điện quan trọng cho lưới điện quốc gia, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Dự án dự kiến sẽ tạo ra nhiều việc làm, đóng góp vào ngân sách tỉnh Khánh Hòa thông qua các nghĩa vụ thuế, đồng thời đảm bảo an ninh năng lượng theo định hướng Quy hoạch Điện VIII của Chính phủ.
Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cam kết hỗ trợ tối đa để Nexif Ratch Energy thực hiện nghiên cứu và triển khai dự án, góp phần đưa Khánh Hòa trở thành một trong những trung tâm phát triển năng lượng tái tạo quan trọng của khu vực.
>> Tập đoàn năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới muốn nghiên cứu đầu tư tại Bình Thuận
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 67 tỷ USD được thông qua: Nguồn vốn sẽ bố trí ra sao?
Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu hút 1,3 tỷ USD vốn FDI, 'tạo đà' lên thành phố trực thuộc Trung ương