'Ông lớn' quen mặt ngành cầu đường trúng gói thầu thi công cầu Yên Sở nối Vành đai 3
Cầu Yên Sở nằm trong quy mô Dự án xây dựng tuyến đường kết nối đường Pháp Vân – Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 có tổng vốn đầu tư 623 tỷ đồng vừa được đơn vị Phúc Lộc Group trúng thầu.
Liên danh 3 nhà thầu duy nhất trúng gói thầu hơn 600 tỷ đồng
Gói thầu 02-XL đoạn thi công xây dựng phần tuyến và cầu Yên Sở đoạn Km1+073 đến Km2+350 vừa được đấu thầu thành công do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội tổ chức. Đây là gói thầu thuộc quy mô dự án đường nối Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 trên cao. Gói thầu được thực hiện theo phương thức một giai đoạn hai túi hồ sơ với tổng vốn đầu tư 623 tỷ đồng.
Kết phiên thầu, liên danh Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 - Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Đức Phúc Phú Thọ là đơn vị trúng thầu công trình với giá trúng thầu là 622,7 tỷ đồng. Liên danh này cũng là nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu dự án.
Trong đó, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (Phúc Lộc Group) giữ vai trò là nhà thầu chính trong liên danh của 3 doanh nghiệp. Phúc Lộc Group thành lập năm 2010 tại Ninh Bình bởi ông Lương Minh Trường, Tổng Giám đốc doanh nghiệp với vốn điều lệ hơn 2.600 tỷ đồng.
Tiếp theo, Công ty CP Xây dựng Dịch vụ và Thương mại 68 cũng là nhà thầu quan trọng trong dự án. Công ty được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ 200 tỷ đồng bởi ông Nguyễn Xuân Hảo. Công ty 68 cũng là nhà thầu nằm trong liên danh trúng gói thầu 03-XL thi công xây dựng cầu cạn và nút giao đường Vành đai 3 đoạn Km2+350 đến Km3+400 với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng.
Cuối cùng là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Đức Phúc Phú Thọ, được thành lập vào tháng 10/2017 tại tỉnh Phú Thọ. Ông Ngọ Thế Anh là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của công ty với tổng vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Hệ sinh thái "nghìn tỷ" phía sau Phúc Lộc Group
Nhà thầu chính trong liên danh là Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc - một trong những đại gia nghìn tỷ của vùng đất cố đô Ninh Bình, đồng thời cũng là một trong những ông lớn trong ngành xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong nước. Doanh nghiệp được biết đến là cơ ngơi của ông Lương Minh Tường, sinh năm 1973 với tổng vốn điều lệ hơn 2.600 tỷ đồng. Phúc Lộc Group sở hữu hệ sinh thái “khủng” với nhiều công ty con thuộc đa lĩnh vực.
Điển hình là Công ty CP Xuất nhập khẩu Phúc Lộc được thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 25 tỷ đồng. Hiện nay, ông Nguyễn Trường Sơn là người đại diện pháp luật cũng như Giám đốc công ty.
Một số công ty con khác cũng gia nhập thị trường kinh doanh lĩnh vực đầu tư đấu thầu và xây dựng của Phúc Lộc Group. Cụ thể bao gồm Công ty CP Phúc Lộc Hải Phòng, Công ty CP Phúc Lộc Quảng Ngãi, Công ty Cổ phần Đầu tư BOT Lào Cai – Sa Pa, Tổng công ty Đầu tư PPP Việt Nam – CTCP... Hầu hết các doanh nghiệp này đều do ông Lương Minh Tuyên và ông Bùi Việt Trung đứng tên làm người đại diện pháp luật.
Nhắc đến hệ sinh thái của Phúc Lộc Group không thể không nhắc tới Công ty CP Xây dựng công trình giao thông 8 – CTCP (Cienco 8). Doanh nghiệp tiền thân là công ty Nhà nước, được cổ phần hóa vào năm 2015, thuộc quyền sở hữu của Phúc Lộc Group. Khi đó, ông Lương Minh Tường là người đại diện pháp luật của Cienco 8.
Cienco 8 được xem là một trong những "cánh chim" đầu đàn trong lĩnh vực xây lắp hạ tầng giao thông. Sở hữu Cienco 8, Tập đoàn Phúc Lộc đã tham gia vào hàng loạt dự án hạ tầng trọng điểm trong nước như: cầu Bạch Đằng (Quảng Ninh) với tổng mức đầu tư trên 7.500 tỷ đồng; gói XL 01, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây với giá trị 1.100 tỷ đồng; dự án BT sông Cầu Thái Nguyên gần 18.000 tỷ đồng...
>> TP. HCM chủ trương đầu tư thêm một dự án nhà ở xã hội gần 1.000 tỷ đồng
Sẽ hợp long cây cầu lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM trước Tết Âm lịch 2025
Toàn cảnh thi công nút giao phức tạp nhất ở đường Vành đai 3 TPHCM