Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký 2 sắc lệnh công nhận các khu vực Kherson và Zaporozhie là các lãnh thổ độc lập, theo thông báo ngày 30/9 của cổng thông tin pháp lý chính thức của Nga. Động thái diễn ra vài giờ trước khi nhà lãnh đạo Nga chính thức công bố sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye vào 15h cùng ngày.
Cụ thể, thông báo cho biết người đứng đầu Điện Kremlin đã "công nhận chủ quyền nhà nước và độc lập” của khu vực Kherson và Zaporozhie. Các sắc lệnh có hiệu lực kể từ ngày ký.
Thông báo nêu rõ Tổng thống Liên bang Nga đã đưa ra quyết định này “phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực được chấp nhận chung của luật pháp quốc tế, công nhận và xác nhận nguyên tắc quyền bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc, được ghi trong Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến ý chí của người dân trong khu vực trong một cuộc trưng cầu dân ý”.
Động thái của ông Putin diễn ra chỉ vài giờ trước ông chính thức ký sắc lệnh sáp nhập hai tỉnh nói trên và hai tỉnh Luhansk và Donetsk vào Nga.
Phát biểu trước báo giới ngày 29/9, ông Dmitry Peskov, phát ngôn viên Điện Kremlin, cho biết Tổng thống Putin sẽ có một "bài phát biểu quan trọng" trong buổi lễ ký kết "hiệp ước" với lãnh đạo các vùng sáp nhập vào ngày 30/9.
Cũng theo ông Peskov, các thỏa thuận sẽ được ký với "cả bốn vùng lãnh thổ đã tổ chức trưng cầu dân ý và đưa ra các yêu cầu tương ứng với Nga". Tuyên bố của Moscow nêu rõ các cuộc trưng cầu dân ý ở cả 4 vùng trên đều được coi là hợp lệ vì tỷ lệ người dân đi bầu vượt quá 50%.
Phản ứng trước động thái này của Nga, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 29/9 đã lên tiếng khẳng định rằng: "Bất cứ quyết định nào xúc tiến sáp nhập các vùng Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporozhye của Ukraine sẽ không có giá trị pháp lý và đáng bị lên án".
"Động thái này là sự lăng mạ các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc. Đây là bước leo thang nguy hiểm. Nó không thể tồn tại trong thế giới hiện đại và chúng ta không thể chấp nhận nó", ông Guterres nhấn mạnh.
Người đứng đầu Liên hợp quốc đồng thời tuyên bố rằng quyết định như vậy "không thể hòa hợp với cơ sở luật pháp quốc tế", "là một sự leo thang nguy hiểm" và "không nên được thông qua". Theo ông, không thể gọi các cuộc trưng cầu dân ý vừa qua là sự thể hiện chân chính ý nguyện của nhân dân.
'Chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga và những hệ lụy kinh tế