Ông Trump trả án phạt gần nửa tỷ USD bằng cách nào?
Dư luận đang chờ xem cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump xoay sở ra sao khi không công ty nào chịu giúp ông nộp trái phiếu bảo lãnh trong lúc kháng cáo án phạt gần nửa tỷ USD ở New York.
Sau 2 tháng rưỡi xét xử vụ kiện do Tổng chưởng lý New York Letitia James khởi xướng, thẩm phán Arthur Engoron tháng trước đã kết tội ông Trump cùng 2 con trai và các cộng sự gian lận tài chính, khi cố ý khai khống giá trị tài sản của Tập đoàn Trump suốt một thập kỷ để giành được những hợp đồng ưu đãi từ các ngân hàng và công ty bảo hiểm tại bang này. Thẩm phán Engoron cũng ra phán quyết buộc ông Trump phải nộp phạt tổng cộng 454 triệu USD, bao gồm 355 triệu USD tiền phạt và 99 triệu USD tiền lãi trước xử án.
Theo quy định, cựu tổng thống phải móc tiền túi trả toàn bộ khoản phạt hoặc nộp trái phiếu bảo lãnh để tránh việc bị nhà chức trách tịch thu một phần tài sản trong quá trình kháng cáo bản án. Hạn chót để ông thực hiện điều này là ngày 25/3.
Các luật sư của ông Trump đã kêu gọi tòa phúc thẩm cấp trung của bang New York trì hoãn việc thi hành phán quyết của thẩm phán Engoron, viện dẫn lí do số tiền phải nộp phạt quá lớn. Các luật sư cũng yêu cầu tòa cho phép cựu lãnh đạo Nhà Trắng đặt cọc 100 triệu USD trong thời gian kháng cáo. Hiện chưa rõ khi nào tòa phúc thẩm sẽ ra phán quyết về vấn đề này.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời các luật sư của ông Trump hôm 18/3 tiết lộ, 30 công ty mà cựu tổng thống cùng các con trai và giám đốc điều hành khác của Tập đoàn Trump tiếp cận thông qua 4 nhà môi giới riêng rẽ, đều từ chối đứng ra bảo lãnh cho khoản phạt khổng lồ như vậy.
Ngoài ra, việc thẩm phán Engoron còn cấm ông Trump và các công ty của ông vay vốn từ bất kỳ ngân hàng nào do New York cấp phép trong vài năm tới, cũng khiến quá trình tìm kiếm doanh nghiệp chấp nhận bảo lãnh khó khăn hơn.
Nguy cơ phải bán bớt bất động sản
Trong quá trình xét xử, ông Trump từng tuyên bố bản thân có hơn 400 triệu USD tiền mặt, nhưng ông còn vướng vào các rắc rối pháp lý khác. Ngoài 4 vụ truy tố hình sự, trong tháng này, cựu tổng thống đã phải nộp trái phiếu bảo lãnh trị giá 91,6 triệu USD trong quá trình kháng cáo bản án bồi thường 83,3 triệu USD cựu nhà báo E. Jean Carroll vì tội phỉ báng bà.
Thực tế trên cùng hạn chót nộp phạt cận kề khiến ông Trump có nguy cơ phải chấp nhận rao bán các bất động sản của mình để có tiền nộp phạt hoặc được bảo lãnh, nếu không muốn bị tịch thu một phần tài sản và hứng chịu thiệt hại lớn hơn.
Bloomberg đưa tin, với mỗi ngày trì hoãn nộp phạt, ông Trump phải đối mặt 115.000 USD tiền lãi tích lũy theo phán quyết. Tính tới ngày 19/3, tổng số tiền phạt của ông đã lên tới gần 457 triệu USD, chưa kể 18 triệu USD án phí.
Ông Trump tự nhận đang nắm trong tay khối tài sản trị giá nhiều tỉ đô la, nhưng phần lớn sự giàu có đó nằm ở các bất động sản. Tạp chí Forbes thống kê, cựu tổng thống hiện sở hữu dinh thự Mar-a-Lago trị giá 292 triệu USD cùng câu lạc bộ golf và nghỉ dưỡng Trump National Doral Miami ước tính 166 triệu USD ở bang Florida; 10 sân golf tại 6 bang trên khắp Mỹ được định giá 261 triệu USD; các lô đất khoảng 55 triệu USD ở bang California; 2 ngôi nhà trị giá 2 triệu USD tại bang Virginia; 3 khu nghỉ dưỡng có sân golf ở châu Âu (gồm một ở Ireland và 2 ở Scotland) trị giá 94 triệu USD cũng như hàng loạt bất động sản, bao gồm cả các tòa nhà văn phòng cho thuê và khách sạn, trị giá tổng cộng tới 690 triệu USD ở thành phố New York và 190 triệu USD ở những nơi khác tại xứ sở cờ hoa.
Về vụ truy tố ở New York, ông Trump than phiền trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social hôm 19/3: “Tôi sẽ buộc phải thế chấp hoặc bán tháo các bất động sản, có thể với giá siêu rẻ. Nếu tôi kháng cáo thành công, số tài sản đó cũng biến mất".
Hiện chưa rõ ông Trump rốt cuộc có chọn giải pháp này hay không, nhưng các luật sư cảnh báo việc bán gấp bất động sản có thể khiến ông hứng chịu “tổn thất lớn không thể vãn hồi”.
Giải pháp thay thế
Một số nhà phân tích lưu ý, để hạn chế việc phải bán tháo bất động sản, ông Trump có thể lấy tiền nộp phạt từ các hoạt động kinh doanh truyền thông xã hội và nhượng quyền thương hiệu, trị giá khoảng 160 triệu USD theo ước tính của Forbes.
Hãng tin Bloomberg đưa tin, ông Trump có thể nhận được một khoản lợi nhuận tài chính từ một thỏa thuận sắp tới nhằm đưa công ty truyền thông xã hội mang tên Trump Media & Technology Group của ông lên sàn chứng khoán, với mã hiệu DJT.
Nếu thỏa thuận được thông qua tại cuộc họp cổ đông của công ty vào ngày 22/3, ông Trump sẽ sở hữu ít nhất 58% cổ phần trong doanh nghiệp điều hành mạng xã hội Truth Social. Tùy thuộc vào giá cổ phiếu, số cổ phần đó có thể tăng trị giá lên tới vài tỷ đô la. Song, vấn đề nằm ở chỗ, cựu tổng thống khó có khả năng biến các cổ phiếu thành tiền mặt ngay lập tức. Vì vậy, giải pháp đề cập đến ở trên cần kết hợp với phương thức khác mới có thể giúp ông Trump thoát khủng hoảng tiền phạt.
Khả năng xin phá sản
Một giải pháp khả thi khác cũng được nhắc đến là ông Trump hoặc một trong các công ty của ông nộp đơn xin bảo hộ phá sản, giúp cựu tổng thống trì hoãn yêu cầu nộp phạt trong một thời gian nhất định, thậm chí có thể tới sau khi cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Theo luật phá sản liên bang Mỹ, việc thi hành phán quyết của tòa sẽ tạm thời bị đình chỉ cho đến khi cá nhân hoàn tất các thủ tục xin phá sản, vốn rất phức tạp và tốn thời gian. Đây là cách các đồng minh của ông Trump - Alex Jones và Rudy Giuliani - sử dụng khi họ gặp phải những án phạt tiền lớn.
Tuy nhiên, 4 nguồn tin thân cận cựu tổng thống chia sẻ với tờ Washington Post rằng, ông Trump hiện không xem xét cách tiếp cận đó, một phần vì lo ngại nó gây tổn hại cho khả năng thắng cử của ông trong cuộc “tái đấu chung kết” vào Nhà Trắng với đối thủ Joe Biden vào tháng 11. Một số cố vấn tin, mặc dù việc phá sản có thể giảm bớt tình trạng khủng hoảng tiền mặt ngay lập tức, nhưng tiềm ẩn nguy cơ làm suy giảm hình ảnh của ông Trump như doanh nhân thành đạt, một trong những điểm thu hút nhất đối với nhiều cử tri.
Hơn nữa, việc trì hoãn nộp phạt cũng đồng nghĩa ông Trump về sau sẽ phải nộp cả tiền lãi phát sinh mỗi ngày trong thời gian chờ phá sản. Việc tuyên bố phá sản cũng có thể gây ra tình trạng vỡ nợ đối với một số khoản vay ngân hàng hiện tại, khiến ông mất nhiều quyền kiểm soát đối với các công ty của gia đình và buộc phải thực hiện những giao dịch mua bán ngoài ý muốn.
Quyên góp tiền
Chiến dịch vận động tái tranh cử của ông Trump hôm 20/3 đã kêu gọi khoảng 1 triệu người ủng hộ quyên góp tiền nhằm giúp cựu tổng thống tránh bị tịch thu các bất động sản ở New York.
Các tin nhắn từ một ủy ban gây quỹ tranh cử chung và một ủy ban hành động chính trị riêng rẽ, từng trả chi phí tranh tụng pháp lý cho ông Trump, đã kêu gọi mọi người đóng góp từ 20,24 – 3.300 USD hoặc một số tiền phù hợp quy định để “ngăn chặn cuộc săn tìm phù thủy chống Tổng thống Trump”.
Hiện không rõ liệu ông Trump có thể sử dụng số tiền quyên góp mới để nộp phạt theo phán quyết của thẩm phán Engoron hay không. Theo Reuters, mặc dù luật liên bang cấm sử dụng tiền tranh cử cho các chi phí cá nhân, nhưng ông Trump vẫn có thể sử dụng tiền tài trợ để trả một số chi phí cho đội ngũ luật sư của mình, viện dẫn lí do việc bào chữa pháp lý có liên quan đến chiến dịch tái tranh cử.
Donald Trump dọa đánh thuế 100% với ô tô Trung Quốc sản xuất tại Mexico nếu được bầu làm Tổng thống
Ông Trump giục Tòa tối cao Mỹ cấp 'quyền miễn trừ tuyệt đối’ cho cựu tổng thống
Ông Trump đánh giá Tổng thống Ukraine là 'người kinh doanh' siêu giỏi