Tỷ phú John D. Rockefeller thành công trong việc xây dựng đế chế kinh doanh cho riêng mình, trở thành “vua dầu mỏ” của Mỹ, độc chiếm hơn 90% thị trường.
Từ đứa trẻ đào khoai thành tỷ phú khét tiếng
John D. Rockefeller sinh năm 1839 tại New York trong một gia đình nghèo không mấy đủ đầy. Trong khi người cha nổi tiếng là gã bất tài chuyên đi lừa gạt thì mẹ ông, bà Eliza lại dạy dỗ Rockefeller trở thành một đứa trẻ siêng năng, tiết kiệm và giàu lòng trắc ẩn. Niềm yêu thích lao động và bản tính “cho đi để nhận lại” của John D. Rockefeller cũng được hình thành từ đó.
Trong suốt cuộc đời mình, tiền bạc đối với Rockefeller luôn có một ma lực đầy ám ảnh. Năm lên 7, cậu bé này đã bắt đầu “thương vụ làm ăn” đầu tiên: nuôi vài con gà tây, chăm sóc rồi bán chúng. Cậu còn đào khoai tây giúp hàng xóm rồi dùng tiền mua kẹo, sau đó chia thành nhiều miếng nhỏ và bán lại cho các anh chị em để lấy chút tiền lời. Chẳng mấy chốc, cậu bé Rockefeller 12 tuổi đã tiết kiệm được hơn 50 USD.
Năm 16 tuổi, Rockefeller theo học nghề kế toán. Mức lương dù ít ỏi song ông vẫn dành dụm được chút vốn để mở một công ty chuyên bán ngũ cốc, rau quả, thực phẩm và thức ăn gia súc. Công ty sau đó nhanh chóng ăn nên làm ra và đạt nhiều số liệu doanh thu đáng nể, thậm chí là kỳ tích đối với một doanh nghiệp nhỏ lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, sau Nội chiến, Rockefeller nhận ra tương lai cho ngành vận tải nông nghiệp là hữu hạn. Ông dự đoán rằng hệ thống đường sắt Trung Tây mới nổi sẽ trở thành huyết mạch chính và Cleveland, nơi có thể tiếp cận cả tuyến giao thông đường sắt và đường thủy, sẽ là vùng đất đầy màu mỡ đối với các mặt hàng công nghiệp.
Sau cơn sốt điên cuồng của dầu mỏ và sự ra đời của tuyến đường sắt Đại Tây Dương, Rockefeller đã tìm thấy cơ hội cho mình. Năm 1863, ông, Maurice Clark và Samuel Adams - người đang sở hữu một số bằng sáng chế phát minh chế biến dầu thô thành xăng chất lượng cao đã bắt tay nhau gây dựng một công ty lọc dầu mới.
Đến khi chiến tranh kết thúc, Rockefeller sở hữu một khoản vốn đủ lớn và quyết định thành lập công ty dầu mỏ Standard Oil. Đứa con tinh thần sau đó đã trở thành một đế chế hùng mạnh nắm trong tay quyền kiểm soát 90% công suất lọc dầu của nước Mỹ hồi năm 1877 – thời điểm Rockefeller mới chỉ 38 tuổi.
Năm 1916, ông chủ Standard Oil trở thành vị tỷ phú đầu tiên của nước Mỹ. Khối tài sản của Rockefeller khi đó chiếm tới gần 2% giá trị nền kinh tế quốc gia, và nếu được điều chỉnh theo lạm phát thì hiện tại, gia tài này thậm chí còn có thể vượt qua cả Elon Musk – tỷ phú giàu nhất thế giới.
Tỷ phú giàu nhất mọi thời đại John D. Rockefeller thành công trong việc xây dựng đế chế kinh doanh cho riêng mình, trở thành “vua dầu mỏ” của Mỹ, độc chiếm hơn 90% thị trường.
Sau này, ông mới kể lại rằng, chính bố là người đã dạy mình những bài học kinh doanh vỡ lòng đầu tiên, trong khi mẹ là người dạy ông cách vun vén, làm việc siêng năng, và đặc biệt là biết cách làm người.
Câu chuyện "3 miếng dưa hấu"
Một thanh niên người Mỹ nọ bị ám ảnh bởi việc làm giàu, luôn khao khát trở thành triệu phú. Thế nhưng, vì không biết nên làm gì, anh ta ngày đêm suy nghĩ việc này đến mất ăn mất ngủ. Ngày nọ, chàng thanh niên tình cờ xem được danh sách người giàu có lúc bấy giờ, và anh lập tức chú ý tới người đứng đầu bảng - tỷ phú John D. Rockefeller. Cuối cùng, anh quyết định tìm gặp ông, và rất may được ông đồng ý.
Đối diện với chàng trai chưa từng gặp này, Rockefeller không khỏi tò mò và hỏi vì sao. Anh thanh niên cho biết: "Xin chào, tôi đã ngưỡng mộ tên tuổi ông từ lâu rồi. Hôm nay mạo muội đến đây cũng vì muốn hỏi ông cách trở thành tỷ phú, tôi thực sự muốn tiến bộ và trở thành người giống như ông".
Nghe xong, vị tỷ phú mời chàng thanh niên vào nhà, choáng ngợp trước sự lỗng lậy của ngôi nhà. Rockefeller lúc này mới nói: "Hôm nay người giúp việc được nghỉ phép cả rồi, tôi lại không biết thức ăn để tiếp đãi đặt ở đâu. Tuy nhiên, tôi tìm thấy một quả dưa hấu, mời cậu ăn nhé!".
Ông cắt dưa hấu thành 3 miếng có kích thước khác nhau. Vị tỷ phú này hỏi: "Trước khi ăn, tôi muốn hỏi cậu một câu: Nếu 3 miếng dưa hấu này tượng trưng cho những lợi ích khác nhau mà cậu có thể nhận được trong tương lai, cậu sẽ chọn miếng nào?".
Anh thanh niên nhìn một lúc, rồi tự tin cầm miếng dưa to nhất trong 3 miếng. Trong khi đó, Rockefeller lại chọn miếng dưa hấu nhỏ nhất. Họ cùng nhau ăn, và khi chàng trai vẫn đang ăn miếng dưa hấu to, vị tỷ phú đã ăn xong miếng dưa của mình, với lấy miếng dưa còn lại. Lúc này, anh thanh niên bỗng ngộ ra ẩn ý mà vị tỷ phú giàu nhất nước Mỹ lúc đó muốn truyền tải.
Nếu muốn thành công, ta không phải chỉ đi tìm những lợi ích lớn nhất, mà nên học cách lựa chọn và từ bỏ những lợi ích trước mắt để nhìn nhận về lâu dài,
Thực ra, ý nghĩa của câu chuyện 3 miếng dưa hấu rất đơn giản. 3 miếng dưa hấu tượng trưng cho các lợi ích, và đại đa số mọi người vì ham lợi lớn trước mắt, sẽ chọn miếng dưa hấu to nhất. Nhưng trên thực tế, hai miếng dưa hấu nhỏ của Rockefeller cộng lại còn nhiều hơn cả miếng mà chàng trai trẻ đã ăn.
Sau khi dùng hết dưa hấu, vị tỷ phú này lại tiếp tục chia sẻ cho anh thanh niên bí quyết làm giàu. John D. Rockefeller nói: "Nếu muốn thành công, ta không phải chỉ đi tìm những lợi ích lớn nhất, mà nên học cách lựa chọn và từ bỏ những lợi ích trước mắt để nhìn nhận về lâu dài, nhằm thu được nhiều lợi ích hơn. Đây chính là con đường đi đến thành công của tôi".
Ông nói tiếp, vì sao lại có khoảng cách giữa người giàu và người nghèo? Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, nhưng theo ông, những tác nhân tạo ra khoảng cách giàu nghèo bao gồm năng lực cá nhân, tư duy, tầm nhìn, sự may mắn… Và với Rockefeller, quan trọng nhất chính là tầm nhìn.
Nguyên do chính khiến người nghèo khó đổi đời, lại còn ngày càng nghèo đi không phải do họ lười biếng hay không biết cách đầu tư. Họ chỉ biết tập trung vào lợi ích sinh tồn trước mắt, thích tính toán chi li những điều nhỏ nhặt. Tất nhiên, một phần là do cuộc sống ép buộc, nhưng điều này không phải không thể thay thế.
Người giàu cũng sẽ tích toán lợi ích, nhưng đi kèm đó là tầm nhìn dài hạn. Nếu họ thấy sau này có thể kiếm được nhiều tiền hơn, họ không ngần ngại bỏ đi lợi ích tức thời. Suy cho cùng, muốn kiếm được nhiều hơn thì phải nhìn xa, sự tạm thời sẽ trở nên vô ích trong các kế hoạch lâu dài.