Chứng khoán

PAN Group chi gần 10.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãnh đạo nói gì?

Quốc Trung 04/02/2025 - 17:40

Cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của PAN Group ở mức tương đối cao (1,7 lần). Trong đó, dư nợ vay tài chính tăng 30% so với đầu năm, lên mức 11.700 tỷ đồng.

PAN Group sở hữu thương hiệu bánh kẹo Bibica. Ảnh: PAN Group
PAN Group sở hữu thương hiệu bánh kẹo Bibica

CTCP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) kết thúc năm 2024 với kết quả kinh doanh kỷ lục. Doanh thu đạt 16.184 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vượt 1.000 tỷ lần đầu tiên, đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 23% và 40% YoY, đồng thời vượt xa kế hoạch đề ra.

Theo PAN, tăng trưởng lợi nhuận vượt trội so với doanh thu nhờ chi phí nguyên vật liệu, vận tải giảm và chiến lược tích trữ hàng giá thấp của các công ty thành viên, giúp cải thiện biên lợi nhuận.

2024, các công ty con thuộc PAN cũng đạt kết quả ấn tượng. VFC tăng 7% doanh số, 52% lợi nhuận; FMC tăng lần lượt 36% và 39%; ABT tăng 8% và 30%; Bibica tăng 20% và 24%; Lafooco tăng 8% và 57%; Thủy sản 584 Nha Trang tăng 16% doanh thu và 26% lợi nhuận. NSC vẫn tăng trưởng 20% doanh thu và 2% lợi nhuận, bất chấp thiên tai và biến động giá gạo.

Thời điểm cuối năm, tổng tài sản của tập đoàn đạt gần 23.900 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3.700 tỷ đồng so với đầu năm. Chiếm lớn nhất là gần 13.600 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn.

"Chúng tôi không chịu rủi ro từ khoản đầu tư trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi"

Tại cuộc gặp gỡ trực tuyến với nhà đầu tư chiều ngày 4/2 về bức tranh kinh doanh 2024 và triển vọng năm 2025, khi được hỏi: "Vì sao PAN Group dùng gần 9.900 tỷ đồng (tăng 48% so với đầu năm và chiếm 41% tổng tài sản) để đầu tư vào danh mục chứng khoán kinh doanh?", lãnh đạo PAN Group nhấn mạnh đây là phương án tối ưu hóa lượng tiền nhàn rỗi và đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp nhằm tạo ra lợi nhuận.

PAN Group chi gần 10.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãnh đạo nói gì?
Nguồn: PAN Group

Cuối quý IV/2024, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của PAN ở mức tương đối cao (1,7 lần). Trong đó, dư nợ vay tài chính tăng 30% so với đầu năm, lên 11.700 tỷ đồng. Dù vậy, chi phí lãi vay lại giảm 22% YoY, còn 354 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo PAN Group, nếu trừ đi các khoản tiền mặt và chứng chỉ tiền gửi, thực tế nợ ròng không cao. Đây là chiến lược sử dụng vốn vay ngân hàng để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ/chứng chỉ tiền gửi, tức là các khoản đầu tư lành mạnh và có kiểm soát.

"Mặt bằng lãi suất nửa đầu năm 2025 có thể vẫn ở mức hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, PAN Group không quá lo ngại biến động lãi suất đối với hoạt động đầu tư trái phiếu và chứng chỉ tiền gửi. Chúng tôi không chịu rủi ro, đồng thời cam kết lãi suất đầu vào (đi vay) sẽ thấp hơn lợi suất đầu ra, qua đó gia tăng lợi ích cho cổ đông và công ty".

Theo tìm hiểu, dù dư nợ tăng mạnh, lưu chuyển tiền thuần của PAN Group cuối năm 2024 đã chuyển dương gần 1.600 tỷ đồng, so với mức âm 438 tỷ đồng của năm trước. Điều này thể hiện nỗ lực cân đối tài chính của doanh nghiệp nông nghiệp hàng đầu.

Lãi tiền gửi, trái phiếu và cho vay tăng gần 8 lần

Năm qua, tập đoàn thu về 432 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, trái phiếu và cho vay, gần tương đương năm 2023. Sau khi khấu trừ chi phí, hoạt động tài chính đem về 33 tỷ đồng - gấp 3 lần cùng kỳ. Riêng lợi nhuận ròng từ đầu tư trái phiếu, cho vay và thu lãi tiền gửi tăng 7,5 lần YoY, đạt 79 tỷ đồng, đóng góp 6,9% vào cơ cấu lợi nhuận toàn tập đoàn (trong khi năm trước đó chỉ ở mức 1,3%).

Với định hướng phát triển trọng tâm vào thủy sản, nông nghiệp và thực phẩm đóng gói, sau hơn 30 năm hoạt động, PAN Group gần như hoàn tất chuỗi giá trị khép kín sau hơn một thập kỷ đẩy mạnh M&A. Tuy nhiên, sự mở rộng nhanh chóng đi kèm với việc gia tăng vay nợ cũng khiến cổ đông lo lắng.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng từng nhấn mạnh tại ĐHCĐ thường niên 2024: "Cổ đông lo lắng là có cơ sở, nhưng điều quan trọng là hiệu quả sử dụng vốn vay. Với nền tảng kiểm soát rủi ro, tôi khẳng định tài chính của PAN rất lành mạnh".

PAN Group chi gần 10.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãnh đạo nói gì?

2,5 tháng gần nhất, cổ phiếu PAN đã tăng 20%

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu PAN tăng 20% trong năm 2024, vượt xa mức tăng 12% của VN-Index. Bên cạnh đó, tập đoàn cũng trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5% (tương ứng 104 tỷ đồng) sau nhiều năm chờ đợi.

Kết phiên 4/2, dù không giữ được sắc tím, cổ phiếu Tập đoàn PAN (sàn HoSE) vẫn đạt mức tăng ấn tượng 5,1% lên mức 26.800 đồng - mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Thanh khoản đạt 5 triệu đơn vị - mức cao nhất 11 tháng.

>> Dấu ấn PAN Group năm 2024: 'Chúng tôi làm tất cả những gì cổ đông yêu cầu'

Kết quả kinh doanh quý IV/2024 của gần 800 doanh nghiệp: Nhiều dấu ấn tăng trưởng

Đột biến kết quả kinh doanh 2024 nhóm Vingroup: VIC, VHM, VRE, VEF

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/pan-group-chi-gan-10000-ty-dong-dau-tu-chung-khoan-kinh-doanh-lanh-dao-noi-gi-274436.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    PAN Group chi gần 10.000 tỷ đồng đầu tư chứng khoán kinh doanh, lãnh đạo nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH