PAN Group (PAN) báo lãi tăng mạnh, khoản nợ 12.800 tỷ đồng có phải nỗi lo?
Câu chuyện về vay nợ là chủ đề được cổ đông nêu ra tại ĐHCĐ thường niên 2024 của PAN Group.
Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng Giám đốc Tập đoàn PAN |
Tăng trưởng kinh doanh tích cực
CTCP Tập đoàn PAN (Mã PAN - HoSE) công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý II và bán niên 2024 với kết quả kinh doanh ấn tượng.
Trong quý II, PAN Group ghi nhận doanh thu gần 3.400 tỷ đồng - tăng 600 tỷ so với cùng kỳ năm trước (YoY). Lợi nhuận gộp đạt 690 tỷ đồng qua đó giúp biên lãi gộp tăng lên mức 20,4% - một trong những mức cao nhất trong khoảng 8 quý trở lại đây.
Một số nguồn thu khác trong kỳ còn có 121 tỷ đồng doanh thu tài chính (chủ yếu từ lãi tiền gửi, lãi cho vay và lãi chênh lệch tỷ giá) và 2,6 tỷ đồng thu lãi từ công ty liên doanh liên kết. Ở chiều ngược lại, công ty chịu gần 560 tỷ đồng chi phí hoạt động.
Sau cùng, PAN Group báo lãi sau thuế quý II đạt 201 tỷ đồng - tăng 45 tỷ so với cùng kỳ năm trước và 32 tỷ đồng so với quý liền trước.
Lũy kế 6 tháng, doanh nghiệp Top đầu ngành nông nghiệp và thủy sản ghi nhận doanh thu 6.840 tỷ đồng và 370 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 29% và 40,5% YoY. So với kế hoạch đề ra cho cả năm lần lượt mức 14.780 tỷ đồng và 882 tỷ đồng, công ty đã thực hiện được 46,3% và 42%.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tăng trưởng, điểm nhấn trong bức tranh tài chính của Tập đoàn PAN 6 tháng đầu năm đền từ hoạt động xử lý nợ vay.
Sau 6 tháng, chi phí lãi vay phải trả của công ty đã giảm đáng kể từ 207 tỷ về còn 165 tỷ đồng; số lãi vay đã trả là 161 tỷ đồng.
Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, doanh nghiệp được điều hành bởi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Duy Hưng đi vay 14.200 tỷ đồng và trả nợ gốc vay gần 10.400 tỷ. Các con số này đều tăng mạnh hàng chục % so với bán niên 2023.
Nợ vay tăng mạnh...
Với việc phát triển trọng tâm ở 3 lĩnh vực chính gồm thủy sản, nông nghiệp và thực phẩm đóng gói, sau hơn 30 năm hoạt động, công ty đã gần như hoàn tất chuỗi giá trị khép kín sau hơn một thập kỷ đẩy mạnh M&A.
PAN Group hiện đang sở hữu hệ sinh thái gồm nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán |
>> Cổ phiếu PAN Group 'viral' trở lại?
Hệ sinh thái PAN Group hiện ghi nhận nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thông qua hai nền tảng PAN Farm (gồm Vinaseed, PAN-HULIC, VFC) và PAN Food (gồm Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre, 584 Nha Trang, Golden Beans). Hàng loạt các công ty con, công ty liên kết đang giao dịch trên sàn có thể kể đến FMC, NSC, VFG, BBC...
Cùng với hành trình khép kín hệ sinh thái, quy mô tài sản của PAN Group cũng liên tục tăng mạnh. Đi kèm với đó, nợ phải trả tăng đồng thuận. Đến cuối năm 2023 ở mức hơn 11.800 tỷ đồng - gấp gần 2,3 lần sau 3 năm.
Đến cuối quý II/2024, tổng nợ tăng 26,7% so với đầu năm lên mức gần 15.000 tỷ đồng (gần 95% là nợ ngắn hạn). Con số này chiếm hơn 64% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trong cơ cấu nợ phải trả, dư nợ vay tài chính của PAN Group ghi nhận mức gần 12.800 tỷ đồng - gấp hơn 1,5 lần quy mô vốn chủ sở hữu. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp hệ số này duy trì trên mức 1 lần, đồng thời là mức cao nhất trong nhiều năm. Con số này cũng cao hơn mức trung bình (dưới 1 lần) của nhóm thực phẩm và đồ uống.
"Nếu doanh nghiệp không sống, không vay được thì doanh nghiệp nào sẽ sống?"
Cơ cấu khoản nợ vay chủ yếu tới từ nguồn ngân hàng (gần 12.200 tỷ đồng) và 600 tỷ từ kênh trái phiếu.
Nguồn: BCTC quý II/2024 của PAN |
>> Ba niềm vui của cổ đông PAN Group
Câu chuyện về vay nợ cũng là chủ đề được cổ đông nêu ra tại ĐHCĐ thường niên 2024 của PAN Group. Cụ thể, bày tỏ lo ngại về chi phí lãi vay tương đối lớn, cổ đông hỏi "Ban lãnh đạo có phương án nào về cấu phần chi phí lãi vay của doanh nghiệp?".
Phúc đáp, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT đánh giá: "Cổ đông lo lắng là có cơ sở. Nhưng nếu doanh nghiệp không sống, không vay được thì doanh nghiệp nào sẽ sống. Cổ đông cần nhìn nhận đầu ra của khoản vay, hiệu quả của doanh nghiệp. Với nền tảng về kiểm soát rủi ro, tôi khẳng định tình hình tài chính của PAN là rất lành mạnh".
Bà Nguyễn Thị Trà My - thành viên HĐQT, Tổng Giám đốc cho biết thêm: "Chúng tôi đã làm việc với ngân hàng quốc tế về câu chuyện tài chính. Chúng tôi tự tin rằng sắp hái quả ngọt".
Cuối năm 2023, trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới thuộc Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP28), với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Tập đoàn PAN và Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ cùng nhau hợp tác triển khai các giải pháp và dịch vụ tài chính theo tiêu chuẩn về Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG). Sự hợp tác này là một phần kết quả của kế hoạch dài hạn trong việc tiếp cận nguồn vốn xanh của Tập đoàn PAN, nhằm tài trợ cho các dự án đầu tư phát triển trong tương lại gần.
Thực tế, tỷ lệ lãi vay phải trả trên tổng nợ vay của PAN Group sau nửa đầu năm chỉ ở mức gần 1,3% - mức tương đối thấp so với mặt bằng lãi suất kỳ hạn dưới một năm đang neo tại hầu hết các ngân hàng.
Cũng cần nhấn mạnh, với vị thế của một doanh nghiệp Top đầu, việc huy động nguồn vốn phục vụ cho các hoạt động cơ cấu nợ đối với PAN Group là không khó. Bản thân doanh nghiệp hiện cũng sở hữu tới 1.111 tỷ đồng tiền mặt/tương đương tiền, gần 11.100 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn và 200 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn.
>> ĐHCĐ PAN Group: 'Cả thế giới vẫn tiếp tục ăn bánh kẹo... chúng ta hãy bắt đầu từ mức cổ tức 5%'