PGS.TS Trần Thành Nam: Ngay cả người tài giỏi nhất cũng từng trải qua thất bại
Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, không ít sĩ tử và gia đình rơi vào khủng hoảng tâm lý vì “cú sốc điểm số”. Tuy vậy, cơ hội thành công vẫn còn đó, nếu các em đủ bản lĩnh vực dậy sau cú vấp.
Cảm xúc trượt dài sau “cú sốc điểm số”
Trong những ngày vừa qua, điểm thi của các sĩ tử 2007 trở thành câu chuyện thời sự được người người nhà nhà quan tâm. Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả kỳ thi vào ngày 16/7, loạt cung bậc cảm xúc trái ngược đã xuất hiện ở nhiều thí sinh, nhiều gia đình.
Không ít gia đình vỡ òa trong hạnh phúc khi con em đạt điểm 9, điểm 10, trở thành thủ khoa, á khoa, rộng cửa bước vào các trường top đầu, ngành học mơ ước. Song song đó, cũng có không ít người rơi vào tâm trạng nặng nề khi điểm số không đạt kỳ vọng. “Cú sốc điểm số” ập đến như một cơn ác mộng với nhiều gia đình, dẫu biết chuyện “người vui, kẻ buồn" vốn là điệp khúc quen thuộc mỗi mùa thi.
Là một trong hơn 1,1 triệu sĩ tử tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, em N.T.C đặt mục tiêu đạt 26 điểm trở lên ở tổ hợp D01. Tuy nhiên, ngay từ khi thi xong, em C. đã vô cùng lo lắng bởi bài làm không tốt, đề thi có nhiều câu hỏi lạ so với những kiến thức đã từng ôn tập. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả, C. đạt 23,75.
“Dù cố gắng chuẩn bị tâm lý từ trước, nhưng khi biết điểm, em vẫn rất buồn và cảm thấy mình đã thực sự thất bại. Em hoang mang khi những kế hoạch, định hướng từng đặt ra trước kỳ thi giờ đây không còn phù hợp. Điều khiến em day dứt hơn cả là cảm giác có lỗi với bố mẹ, xấu hổ với bạn bè. Em không muốn đối diện với người thân, trốn tránh những lời hỏi thăm từ bạn bè bởi chỉ cần bất cứ ai nhắc đến điểm số cũng có thể khiến em bật khóc”, em C. nghẹn ngào chia sẻ.

Còn với chị L.T.H, kỳ thi năm nay để lại nhiều nỗi trăn trở. Con gái thứ hai của chị vốn là một học sinh luôn đạt thành tích cao trong học tập lại không có kết quả như mong đợi. Chị H. chia sẻ: “Trên lớp, con gái tôi được thầy cô đánh giá là học sinh giỏi, học đều các môn trong tổ hợp xét tuyển đại học. Năm lớp 12, con giành giải Ba kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Với những kết quả đã đạt được, cả gia đình đặt rất nhiều hy vọng vào kỳ thi này".
Thế nhưng, theo chị H. cho biết, con gái chị chỉ đạt 20,5 điểm ở tổ hợp A01. “Với số điểm này thì gần như không còn cơ hội để con thực hiện ước mơ vào ngôi trường yêu thích. Khi biết điểm, con bật khóc nức nở. Còn vợ chồng tôi cũng có chút thất vọng, hụt hẫng và hơn hết là cảm giác lo lắng khi con đường vào đại học của con bỗng trở nên chông chênh” - chị H. tâm sự.
Trên thực tế, câu chuyện của em C. hay gia đình chị H. chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện gây trăn trở đã và đang xảy ra trong hàng triệu gia đình sau mỗi mùa thi. Khi áp lực học tập ngày càng gia tăng, điểm số thi cử không còn đơn thuần là kết quả học tập mà dần trở thành thước đo thành bại của một học sinh. Thậm chí, nó còn được xem như thành quả của cả phụ huynh sau quá trình dài đầu tư đầy kỳ vọng về thời gian, tiền bạc và công sức.
Chính điều đó đã vô hình trung tạo nên gánh nặng khủng khiếp, đè lên vai những cậu học trò mới 17, 18 tuổi. Đây cũng là lý do, khi kết quả thi không được như mong muốn, cả sĩ tử và phụ huynh đều rất dễ rơi vào trạng thái chấn thương cảm xúc.
Cánh cửa thành công vẫn chưa khép lại
Trao đổi với PV về vấn đề tâm lý của phụ huynh và học sinh trước “cú sốc điểm số” sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia tâm lý học, thành viên Hiệp hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng: “Đây là kết quả của một kỳ thi và kỳ thi này cũng chỉ là một dấu mốc trong hành trình rất dài của cuộc đời. Vì vậy, nó không hoàn toàn phản ánh năng lực toàn diện, khát vọng hay sự quyết tâm của một con người”.
Ông nhấn mạnh, mỗi người cần nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng trong xã hội hiện đại, ngay cả người tài giỏi nhất cũng từng trải qua thất bại. Điều tạo nên sự khác biệt không nằm ở việc họ chưa từng vấp ngã, mà chính là khả năng học hỏi từ thất bại, biết đứng dậy và tiếp tục tiến bước với sự trưởng thành hơn.
Với những học sinh chưa đạt kết quả như kỳ vọng, theo PGS.TS Trần Thành Nam, đây chính là thời điểm cần thiết để các em nhìn nhận lại, suy ngẫm và xác định lại hướng đi phù hợp cho tương lai. Một kết quả không như mong đợi không có nghĩa là cánh cửa thành công đã khép lại. Vẫn còn nhiều con đường khác mà các em có thể lựa chọn, như theo học tại các trường có mức điểm đầu vào vừa sức, học nghề, hoặc theo học ở các trường tư thục. Những lựa chọn này vẫn hoàn toàn có thể giúp các em chinh phục được ước mơ nghề nghiệp.
Theo ông, điều quan trọng nhất lúc này là các sĩ tử hãy dành thời gian đối thoại với chính cảm xúc của mình. Sau khoảng lặng cần thiết ấy, hãy bắt tay vào nghiên cứu, sắp xếp nguyện vọng, xây dựng kế hoạch cho tương lai và kiên định theo đuổi đến cùng để biến ước mơ thành hiện thực.

Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giúp con định hướng những bước đi tiếp theo trên hành trình học tập. “Đây không phải là lúc để trách móc hay mắng mỏ, mà là lúc bố mẹ cần trở thành điểm tựa tinh thần, dìu dắt và đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn này”, ông chia sẻ.
Để làm được điều đó, theo PGS.TS Trần Thành Nam, bản thân cha mẹ cũng cần có sự thay đổi trong tư duy và nhận thức về giá trị của học tập, đặc biệt là trong bối cảnh của thời đại trí tuệ nhân tạo. Mỗi gia đình cần xác định rõ mục tiêu thực sự dành cho con mình: là mong muốn con đạt điểm cao, vào trường danh tiếng nhưng phải chịu áp lực giữ vị trí dẫn đầu, hay là giúp con rèn luyện bản lĩnh vững vàng, biết đứng dậy sau thất bại và có khả năng thích ứng trước những thay đổi, thách thức không lường trước?
Ông nhấn mạnh: “Cần nuôi dưỡng trong con niềm tin rằng, ở đâu cũng có con đường, kể cả những lối đi chưa ai từng bước qua. Nếu con là người tiên phong, chắc chắn sẽ phải đối mặt với khó khăn, nhưng chính từ đó con mới có cơ hội tạo dựng thành công. Cha mẹ cũng cần hiểu rằng tư duy học để thi, học để ứng thí không còn phù hợp trong thời đại hiện nay. Giá trị cốt lõi của việc học không nằm ở điểm số, mà là giúp con học thật, có năng lực thật và khả năng làm việc thực sự”.
PGS.TS Trần Thành Nam khẳng định, khi một đứa trẻ được trang bị một nghề nghiệp cụ thể cùng những kỹ năng làm việc vững chắc, thì dù xuất phát điểm có thể chưa cao, các em vẫn hoàn toàn có thể tự lập, tự lo cho bản thân và xây dựng một sự nghiệp vững bền.
>> Thông tin vô cùng quan trọng cho hơn 1 triệu thí sinh vừa thi tốt nghiệp THPT 2025
Con trai Cục trưởng Xuân Bắc có điểm thi tốt nghiệp THPT như thế nào?
Tin quan trọng cho toàn bộ thí sinh vừa biết điểm thi THPT 2025