Vĩ mô

Phân hóa xử lý các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC

Lê Sơn 23/11/2023 - 08:53

Chiều 22/11, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) tổ chức thông báo đến các cơ quan báo chí về kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Phó Trưởng ban Đặng Văn Dũng và Nguyễn Văn Yên chủ trì buổi làm việc.

Phân hóa xử lý các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC - Ảnh 1.

Tổng Bí thư nêu rõ: Phải chấn chỉnh, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm; tăng cường PCTNTC ngay từ khâu xây dựng chính sách, pháp luật - Ảnh: VGP/LS

Chấn chỉnh, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ngay từ khâu xây dựng chính sách, pháp luật

Tại buổi làm việc, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng đã thông báo về một số nội dung quan trọng của Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) diễn ra sáng nay; nhất là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì Cuộc họp.

Theo đó, Thường trực Ban Chỉ đạo biểu dương, đánh giá cao các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thực hiện nghiêm Kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo. Công tác PCTNTC nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả, có bước tiến mới cả ở Trung ương và địa phương.

Điều này được thể hiện trên 4 kết quả lớn: Tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc cơ bản đáp ứng yêu cầu của Ban Chỉ đạo, có vụ vượt kế hoạch đề ra; nhiều vụ án, vụ việc được khởi tố mới, mở rộng điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả trong khu vực nhà nước và ngoài nhà nước, cả trong lĩnh vực được coi là bí mật, khép kín, cả các vụ, việc tồn đọng, kéo dài; thực hiện đúng phương châm chọn vụ trọng điểm, xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực.

Đồng thời, tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và những vụ việc nổi cộm, có nhiều dư luận, liên quan đến suy thoái về tư tưởng chỉnh trị, đạo đức, lối sổng, kê khai tài sản, thu nhập; công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh việc Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo giám sát, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, tài sản công; định giá, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.

Đồng chí Đặng Văn Dũng cho biết, tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu phải chấn chỉnh, làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xử lý nghiêm; tăng cường PCTNTC ngay từ khâu xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật.

Phân hóa xử lý các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC - Ảnh 2.

Các đồng chí chủ trì trao đổi với phóng viên các cơ quan báo chí - Ảnh: VGP/LS

Phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, FLC

Thông tin về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết: Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất về chủ trương chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc theo đề xuất của cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo và các vấn đề như: Các khó khăn, vướng mắc trong việc thi hành án để thu hồi tài sản tham nhũng, nhất là các tài sản đã kê biên, nhưng có tranh chấp quyền sở hữu chung; những bản án cần giải thích, đính chính,... Giao Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hơn nữa hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng.

Đối với khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản được giao Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo giám sát làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực giám định, định giá tài sản. Với khó khăn, vướng mắc trong xử lý tài sản liên quan đến vụ án ở giai đoạn điều tra, truy tố được Ban Chỉ đạo yêu cầu thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan, tránh thất thoát, lãng phí, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

"Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất chủ trương phân hóa xử lý các đối tượng vi phạm trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC theo đúng quy định của pháp luật", ông Đặng Văn Dũng nói.

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh, công tác PCTNTC là cuộc đấu tranh lâu dài, phải kiên quyết, kiên trì, đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa; phải làm triệt để; xem xét, xử lý nghiêm những trường hợp làm chậm, trì trệ, làm cho có ví dụ, bỏ dở giữa chừng, chờ cho hết thời hạn rồi dừng. Yêu cầu các cơ quan chức năng cần phải có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến tốt hơn nữa, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; phải thực sự trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng trong đấu tranh PCTNTC.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Cựu Cục trưởng thanh tra xin giảm nhẹ để về trị bệnh

Vụ Vạn Thịnh Phát: Một công ty Hàn Quốc muốn đầu tư vào các dự án bị kê biên của bà Trương Mỹ Lan

Theo baochinhphu.vn
https://baochinhphu.vn/phan-hoa-xu-ly-cac-doi-tuong-trong-vu-an-xay-ra-tai-van-thinh-phat-ngan-hang-scb-tap-doan-flc-102231123052730856.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phân hóa xử lý các đối tượng trong vụ án xảy ra tại Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB, Tập đoàn FLC
    POWERED BY ONECMS & INTECH