Phần mềm này sẽ chính thức ra mắt vào tháng 7/2024, cung cấp miễn phí trên nền tảng Android và iOS.
Ngày 13/5, tại hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng do Hiệp hội An ninh mạng quốc gia tổ chức, Ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế đã giới thiệu “Phần mềm phòng chống lừa đảo” cho người dân.
Theo đó, ứng dụng được cung cấp hoàn toàn miễn phí cho dòng điện thoại thông minh (smartphone), hỗ trợ 2 hệ điều hành phổ biến nhất hiện nay là Android và iOS. Phần mềm được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hữu hiệu phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trên mạng, đồng thời góp phần nâng cao kỹ năng an toàn thông tin cho cộng đồng.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và là Giám đốc công nghệ Công ty An ninh mạng NCS cho biết, phần mềm được thiết kế để đối phó với 24 hình thức lừa đảo cũng như các tổ hợp biến thể mà các đối tượng đã sử dụng, thông qua việc xác định 5 điểm chốt chặn quan trọng có thể giúp người dân phòng chống lừa đảo.
Ông Sơn chia sẻ thêm, phần mềm sẽ phát hiện các dấu hiệu không an toàn thông qua kiểm tra số điện thoại, địa chỉ website (link), kiểm tra số tài khoản, quét mã độc và kiểm tra mã QR.
5 dấu hiệu lừa đảo xây dựng dựa trên 24 hình thức lừa đảo. Ảnh: Hiệp hội an ninh mạng quốc gia |
Với chức năng kiểm tra số điện thoại, người dùng có thể ngăn chặn các số lừa đảo có trong cơ sở dữ liệu, cũng như cảnh báo các số quảng cáo làm phiền (số spam). Người dùng có thể chủ động chặn các số không muốn liên lạc (Danh sách đen) hay tạo ngoại lệ cho các số thường xuyên trao đổi (Danh sách trắng).
Chức năng kiểm tra địa chỉ web (link) giúp phát hiện các trang web lừa đảo, chứa mã độc hoặc trang giả mạo. Người dùng sẽ nhận được khuyến cáo không nên truy cập các trang web này để phòng tránh bị mất tài khoản.
Bên cạnh đó, “Phần mềm phòng chống lừa đảo” sẽ hỗ trợ kiểm tra số tài khoản trước khi giao dịch. Do đó, người dùng có thể biết số tài khoản mình định giao dịch có nằm trong danh sách lừa đảo hay không. Theo các chuyên gia, đây là tính năng cần thiết bởi mục đích cuối cùng của hầu hết thủ đoạn lừa đảo là chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Với chức năng quét mã độc, người dùng sẽ được cảnh báo khi cài các ứng dụng (app) giả mạo hoặc có chứa mã độc. Tính năng này giúp phòng ngừa các tình huống mạo danh cơ quan, tổ chức để lừa cài app giả, chiếm quyền điều khiển điện thoại, sau đó tự động chuyển tiền, kịch bản này đã rất nhiều người bị mắc bẫy trong thời gian qua.
Cuối cùng, phần mềm hỗ trợ người dùng quét các mã QR trước khi giao dịch, giúp phát hiện ra các mã QR có dấu hiệu lừa đảo.
Theo đội ngũ phát triển phần mềm, cơ sở dữ liệu lừa đảo sẽ được kết nối, cập nhật từ các bộ, ngành trong nước như Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và các bên liên quan khác. Hệ thống cũng sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu các công ty an ninh mạng là thành viên của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, cũng như các tổ chức chống lừa đảo quốc tế để phát huy sức mạnh tổng hợp.
Phần mềm phòng chống lừa đảo sẽ sớm được thử nghiệm (phiên bản Beta) vào tháng 6/2024 và dự kiến chính thức ra mắt vào tháng 7/2024.
>> Vì sao tội phạm mạng công khai mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo?
Vì sao tội phạm mạng công khai mạo danh cơ quan chức năng để lừa đảo?
Nữ Giám đốc bị 'người lạ' bán sạch cổ phiếu và 'bay mất' 2,8 tỷ chỉ sau 1 cuộc gọi