Phát hiện bằng chứng người Ai Cập đã biết phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước

06-06-2024 08:00|Quỳnh Vân

Ung thư thường được coi là căn bệnh của thời hiện đại. Tuy nhiên, ghi chép y học từ Ai Cập cổ đại chỉ ra rằng con người đã tiến hành điều trị bệnh này từ hàng nghìn năm trước.

Theo Live Science, hai hộp sọ hiện đang được lưu giữ trong Bộ sưu tập Duckworth của Đại học Cambridge (Anh) là bằng chứng lâu đời nhất cho thấy dấu hiệu về bệnh ung thư cũng như những nỗ lực điều trị chúng của người Ai Cập cổ đại.

Nhà cổ sinh vật học Edgard Camarós từ Đại học Santiago de Compostela (Tây Ban Nha) cho biết: “Phát hiện này cho thấy cách y học Ai Cập cổ đại đã cố gắng điều trị hoặc khám phá bệnh ung thư hơn 4.000 năm trước. Đây là một góc nhìn mới lạ trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử y học”.

Nhóm nghiên cứu của Camarós đã phân tích 2 hộp sọ bằng kính hiển vi và chụp CT, họ phát hiện chúng đều có dấu hiệu bị ung thư.

Phát hiện bằng chứng người Ai Cập đã biết phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước
Nhóm nghiên cứu đã phân tích 2 hộp sọ bằng cách sử dụng kính hiển vi và quét CT. Ảnh: CNN

Hộp sọ đầu tiên thuộc về một người đàn ông Ai Cập cổ đại sống vào khoảng giữa năm 2687 và 2345 trước Công nguyên. Anh ta qua đời khi mới ngoài 30 tuổi và hộp sọ của người này có dấu vết của một khối u lớn trong não cùng hơn 30 tổn thương di căn.

Khi các nhà nghiên cứu xem xét kỹ hơn, họ nhận thấy có những vết cắt được tạo ra bởi một vật sắc nhọn như dụng cụ kim loại quanh các tổn thương nhỏ này.

Những vết cắt có rất ít hoặc không có dấu hiệu lành lại, cho thấy việc phẫu thuật diễn ra lúc người đàn ông qua đời. Đây có lẽ là biện pháp cuối cùng để điều trị ung thư cho bệnh nhân.

Bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình Albert Isidro của bệnh viện Đại học Sagrat Cor nhận định: “Có vẻ như người Ai Cập cổ đại đã thực hiện một số can thiệp phẫu thuật liên quan đến sự hiện diện của tế bào ung thư”.

Phát hiện bằng chứng người Ai Cập đã biết phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước
Hộp sọ nam (trái) và hộp sọ nữ (phải), cả 2 đều có tổn thương liên quan đến ung thư. Ảnh: Live science

Trong khi đó, hộp sọ thứ 2 được cho là thuộc về một phụ nữ 50 tuổi sống từ năm 663 đến 343 trước Công nguyên. Hộp sọ của bà cho thấy một tổn thương lớn trên đỉnh hộp sọ, phù hợp với bệnh u xương ác tính hoặc u màng não.

Đáng chú ý, những vết thương lớn khác trên hộp sọ do một vật sắc nhọn tác động lại được chữa trị rất tốt, thể hiện sự tiên tiến về mức độ y học của người Ai Cập cổ đại.

Nhóm nghiên cứu không rõ liệu người phụ nữ này có tham gia bất kỳ hoạt động chiến đấu nào hay không vì những vết thương do lực mạnh gây ra thường chỉ thấy ở nam giới.

Mặc dù nguyên nhân tử vong của 2 bệnh nhân không thể xác định rõ ràng, nhưng tình trạng tiến triển của ung thư trong cả 2 trường hợp cho thấy khả năng cao họ đều không qua khỏi vì căn bệnh này.

Đồng tác giả nghiên cứu Tatiana Tondini nhận xét: “Chúng tôi muốn tìm hiểu mức độ phổ biến của bệnh ung thư trong thời cổ đại và cách xã hội xưa đối phó với căn bệnh này. Chúng tôi thấy rằng mặc dù người Ai Cập cổ đại có thể giải quyết được những ca gãy xương sọ phức tạp nhưng ung thư vẫn là một lĩnh vực cần kiến ​​thức y học tiên tiến”.

>> Johnson & Johnson đối mặt với cáo buộc gian lận nhằm né tránh kiện tụng

Xác ướp Ai Cập ‘ra đi’ từ 3.000 năm trước bỗng nhiên được cấp hộ chiếu để...xuất ngoại, bí ẩn động trời nào đằng sau?

Phát hiện hành lang bí mật trong Đại kim tự tháp Ai Cập, bí ẩn chôn vùi 4.500 năm bị bóc trần?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-hien-bang-chung-nguoi-ai-cap-da-biet-phau-thuat-tri-ung-thu-tu-hon-4000-nam-truoc-237320.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện bằng chứng người Ai Cập đã biết phẫu thuật trị ung thư từ hơn 4.000 năm trước
POWERED BY ONECMS & INTECH