Thành phố mới này là một trong hàng loạt siêu dự án của Tổng thống Ai Cập Abdel nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Ai Cập đang xây dựng thủ đô mới trong bối cảnh nước này phải đối phó với những thách thức về tình trạng gia tăng dân số chóng mặt.
Thủ đô hiện tại Cairo là nơi sinh sống của khoảng 22 triệu người, khiến nơi đây trở thành một trong những khu vực đô thị đông dân nhất thế giới.
Các nhà hoạch định chính sách tin rằng việc xây dựng thành phố mới có thể giúp giảm sức ép cho Cairo cả về vấn đề dân số và giao thông, cũng như mở rộng các khu đô thị và phát triển hạ tầng quốc gia.
Chính phủ Ai Cập đang cố gắng giảm bớt tình trạng quá tải dân số và ùn tắc giao thông ở thủ đô Cairo. Ảnh: BI |
Thành phố mới vẫn chưa được đặt tên chính thức nhưng thường được gọi là Thủ đô Hành chính Mới.
CNN đưa tin, dự án này đang được xây dựng trên trên diện tích 714km2 (tương đương diện tích của Singapore), cách Cairo 48km về phía Đông. Một tòa nhà chọc trời hiện đã được xây xong ở khu vực trung tâm.
Với chi phí 58 tỷ USD để hoàn thành, Thủ đô Hành chính Mới của Ai Cập sẽ là nơi đặt trụ sở của Chính phủ, trong đó bao gồm các tòa nhà của nội các và Quốc hội, 29 Bộ và các cơ quan Nhà nước khác.
Hiện tại đã có hơn 1.500 gia đình chuyển đến đó, theo Khaled Abbas - Chủ tịch Cơ quan Quản lý và Phát triển Đô thị (ACUD), cũng là cơ quan giám sát dự án. Theo kế hoạch, cuối cùng nơi đây sẽ thu hút hơn 6,5 triệu cư dân tới sinh sống với 20 khu dân cư.
Tháp Iconic, tòa nhà cao nhất châu Phi. Ảnh: BI |
Được công bố vào tháng 3/2015, thành phố mới này là một trong hàng loạt siêu dự án của Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi nhằm phát triển kinh tế đất nước.
Khi tiết lộ dự án, cựu Bộ trưởng Nhà ở Mostafa Madbouly cho biết đây là một phần trong kế hoạch giảm tình trạng đông dân và tắc nghẽn giao thông ở Cairo trong 4 thập kỷ tới. Theo Business Insider, dân số Cairo đang trên đà tăng gấp đôi lên khoảng 36 triệu người trong khoảng thời gian đó.
Thành phố mới nằm giữa Cairo và thành phố cảng Suez. Nó được kết nối với thủ đô cũ bằng hệ thống đường sắt hạng nhẹ điện khí hóa, khai trương vào tháng 7/2022.
Tính đến tháng này, 14 Bộ và cơ quan Chính phủ đã chuyển đến thủ đô mới với khoảng 48.000 nhân viên Chính phủ đang làm việc tại đây.
Ở trung tâm thành phố là tòa nhà cao nhất châu Phi, có tên gọi là Iconic Tower. Hoàn thành vào năm 2023, tòa nhà chọc trời có chiều cao khoảng 396m và bao gồm 77 tầng dành cho khu dân cư, văn phòng và khách sạn.
Một trong những nhà thờ lớn nhất châu Phi đang được xây dựng. Ảnh: BI |
Hệ thống trí tuệ nhân tạo sẽ tối ưu hóa việc sử dụng điện, gas và nước cũng như quản lý chất thải. Bên cạnh đó, thành phố này còn sở hữu cơ sở hạ tầng cáp quang và việc triển khai 5G sẽ nâng cấp mạng lưới kết nối, cũng như các dịch vụ an ninh công nghệ cao với hàng nghìn camera giám sát được lắp đặt trên toàn thành phố.
Đây cũng là nơi có một trong những nhà thờ Hồi giáo lớn nhất châu Phi, một sân vận động lớn, một công viên trải dài hơn 30km, sân bay và các trường đại học.
Được biết nhà thờ The Grand Mosque có thể chứa 107.000 người và là nơi sở hữu chiếc đèn chùm nặng nhất thế giới, nặng hơn 22kg.
Trong khi đó, sân vận động thủ đô có sức chứa gần 94.000 người. Là một phần của khu phức hợp "Olympic City". Chính phủ hy vọng sân vận động này sẽ giúp thành phố giành được quyền đăng cai các sự kiện thể thao lớn như FIFA World Cup.
Tuy nhiên, dự án vẫn gặp nhiều trở ngại liên quan tới kinh phí và sự ủng hộ của người dân. Theo chuyên gia, mức giá nhà quá cao khiến thủ đô mới được xem là nơi 'trú chân' của chỉ những người giàu.
Thêm vào đó, Ai Cập còn phải đối mặt với một số thách thức tài chính như lạm phát nhanh, thất nghiệp, ngành du lịch suy thoái, cơ sở hạ tầng tồi tàn và tình trạng thiếu việc làm.