Phát hiện hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh: Chưa đo được đáy đã có chiều sâu gần bằng tòa nhà cao nhất Việt Nam

02-05-2024 12:19|Hải Yến

Các nhà nghiên cứu phát hiện đây là hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh dù thậm chí chưa đo tới đáy.

Trong cuộc thám hiểm ngày 6/12/2023 để khám phá điều kiện môi trường tại hố xanh Taam Ja' ở Mexico, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đây là hố sụt dưới nước sâu nhất trên thế giới, mặc dù đáy của nó chưa được đo đạc. Nghiên cứu mới đã được công bố trên tạp chí Frontiers in Marine Science vào ngày 29/4, do Juan Carlos Alcérreca-Huerta và các đồng nghiệp thực hiện.

Hố xanh là các hang động đứng có nước, được gọi là hố sụt, xuất hiện ở các khu vực ven biển nơi có đá vôi, cẩm thạch hoặc thạch cao. Chúng hình thành khi nước từ bề mặt thấm qua các loại đá này, hòa tan các khoáng vật và mở rộng các khe nứt, dẫn đến sụt lún của đá.

Theo các đo lường mới, hố xanh Taam Ja' ở vịnh Chetumal, ngoài khơi bờ biển đông nam của bán đảo Yucatan, có độ sâu ít nhất 420m dưới mặt nước biển. Điều này làm cho nó sâu hơn 146m so với lần đo đầu tiên vào năm 2021 và 119m so với hố xanh Sansha Yongle, hay còn gọi là Hố Rồng, ở Biển Đông, có độ sâu 301m.

Hố xanh Taam Ja' có thể sâu ít nhất là 420m dù thậm chí còn chưa đo tới đáy, chiều sâu này còn lớn hơn nhiều so với tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam là tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower (346m) và chỉ thấp hơn chút ít so với tòa Landmark 81 (461,2m, theo số liệu từ tháng 8/2023). Ảnh: Futura-Sciences

Hố xanh Taam Ja' có thể sâu ít nhất là 420m dù thậm chí còn chưa đo tới đáy, chiều sâu này còn lớn hơn nhiều so với tòa nhà cao thứ 2 Việt Nam là tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower (346m) và chỉ thấp hơn chút ít so với tòa Landmark 81 (461,2m, theo số liệu từ tháng 8/2023). Ảnh: Futura-Sciences

Trong cuộc thám hiểm cuối năm trước, nhóm chuyên gia đã sử dụng thiết bị đo độ dẫn, nhiệt độ và độ sâu (CTD) để đo lường. CTD là một thiết bị có đầu dò để ghi lại các thông số của nước và truyền về mặt đất thông qua cáp. CTD cũng cho thấy có nhiều lớp nước khác nhau trong hố xanh Taam Ja', bao gồm một lớp ở dưới 400m, với điều kiện nhiệt độ và độ mặn giống với biển Caribbean, cũng như sự hiện diện của các rạn san hô gần bờ.

Năm 2021, do hạn chế của thiết bị, các nhà khoa học không thể xác định độ sâu tối đa của hố xanh Taam Ja'. CTD trong nghiên cứu mới cũng không thể đo được đáy của hố vì chỉ hoạt động được ở độ sâu tối đa 500m. Nhóm nghiên cứu đã thả thiết bị xuống độ sâu này, nhưng dây cáp có thể bị đẩy theo dòng hoặc va vào gờ đá, khiến máy dừng hoạt động ở độ sâu 420m.

Kế tiếp, các chuyên gia dự định khám phá độ sâu tối đa của hố xanh Taam Ja' cũng như hệ thống hang động và đường hầm phức tạp dưới nước. Họ tin rằng, trong hố xanh sâu thẳm này, có thể tồn tại sự đa dạng sinh học đáng để khám phá.

*Theo Live Science

>> Robot dưới nước phát hiện núi lửa bùn đang hoạt động ẩn dưới đáy hồ sâu nhất hành tinh

Hố sụt 662m sâu nhất thế giới với thể tích lên tới 130 triệu m3, có cả báo gấm và kỳ nhông khổng lồ sống bên trong

Khám phá ‘hố sụt tử thần’ có khung cảnh đẹp như trong phim Hollywood nơi địa đầu Tổ Quốc

Bản đồ vũ trụ lớn và chi tiết nhất từ trước đến nay với hơn 900.000 ngôi sao, thiên hà và các hố đen

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/phat-hien-ho-sut-duoi-nuoc-sau-nhat-hanh-tinh-chua-do-duoc-day-da-co-chieu-sau-gan-bang-toa-nha-cao-nhat-viet-nam-d121659.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện hố sụt dưới nước sâu nhất hành tinh: Chưa đo được đáy đã có chiều sâu gần bằng tòa nhà cao nhất Việt Nam
POWERED BY ONECMS & INTECH