Vùng Witwatersrand là nơi chiếm 40% tổng số vàng được khai thác trên Trái đất và có thể sẽ còn nhiều hơn thế nữa.
Mới đây, một lượng vàng “vô hình” có trị giá lên tới 24 tỷ USD (610 nghìn tỷ đồng) đã được phát hiện ở thành phố Johannesburg, thuộc tỉnh Gauteng, Nam Phi.
Tiến sĩ Steve Chingwaru, nhà luyện kim 26 tuổi đến từ Zimbabwe, gần đây tiến hành nghiên cứu cho thấy 6 tỷ tấn quặng đuôi quanh các khu mỏ ở lưu vực Witwatersrand ở Johannesburg có thể chứa tới 460 tấn "vàng vô hình".
Vùng Witwatersrand ở Nam Phi là nơi diễn ra cơn sốt vàng lớn vào cuối thế kỷ XIX. Lợi nhuận từ hoạt động khai thác vàng từ đó lớn đến mức châm ngòi cho sự ra đời của thành phố Johannesburg. Ước tính 40% tổng lượng vàng khai thác trên Trái Đất cho tới nay được thu thập tại đây.
Các bãi thải mỏ, tàn tích của các mỏ vàng nổi tiếng ở Johannesburg có niên đại từ năm 1886. Bất chấp những nỗ lực khai thác, các phương pháp hiện nay chỉ có thể khai thác được 30% số vàng tại đây.
Vàng không phải luôn tồn tại ở dạng thỏi. Đôi khi, những lượng vàng rất nhỏ lẫn bên trong khoáng chất khác, không thể nhìn thấy bằng mắt thường, gọi là “vàng vô hình”.
Sau khi xác định lượng vàng trong đồi chất thải của Witwatersrand, dự án của Chingwaru tìm cách tốt hơn để tái xử lý quặng đuôi nhằm thu được vàng do phương pháp hiện nay khá kém hiệu quả.
"Trong lịch sử, mật độ vàng thấp bên trong quặng đuôi được xem là không có giá trị. Nhưng hiện nay, khai thác mỏ quá nhiều làm cạn kiệt phần lớn quặng có mật độ vàng cao, đến mức không thể khai thác nữa. Một số hầm mỏ đã đạt tới độ sâu 4km dưới lòng đất. Tìm kiếm vàng từ các nguồn mật độ thấp đang trở nên khả thi hơn”, Chingwaru giải thích.
Ảnh minh họa |
Phần lớn vàng được giấu trong đá vàng găm (pyrite). Cách phương pháp tách vàng hiện sử dụng xyanua không phát hiện được hoàn toàn loại vàng này. Ngoài kém hiệu quả, những phương pháp khai thác quặng đuôi hiện nay còn gây tác hại lớn cho môi trường.
Đó là vấn đề lớn ở vài nơi tại Johannesburg, nơi người dân lo sợ nước ngầm bị ô nhiễm do nước axit liên quan tới quặng đuôi. Quá trình xử lý mà Chingwaru phát triển có khả năng thu hồi thêm phụ phẩm có giá trị như đồng, cobalt và nickel, đồng thời loại bỏ ô nhiễm kim loại nặng và nước axit gắn liền với quặng đuôi.
“Những phát hiện của Chingwaru cho thấy có một lượng vàng đáng kể. Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng vẫn là liệu chúng ta có đủ khả năng công nghệ để khai thác toàn bộ số vàng một cách kinh tế và tạo ra lợi nhuận hay không”, Phó giáo sư Megan Becker từ Đại học Cape Town nhận xét.
Nếu các báo cáo được thông qua, bất chấp những trở ngại do các yếu tố kỹ thuật và kinh tế đặt ra, các công ty khai thác mỏ Nam Phi đang tỏ ra rất quan tâm. Các nhân vật cấp cao trong ngành vàng đã liên hệ với Chingwaru, bày tỏ sự tin tưởng rằng mặc dù chi phí cao, việc khai thác có thể mang lại lợi nhuận khi giá vàng ổn định.