Thế giới

Phát hiện ngôi mộ cổ nguyên vẹn sau 2.500 năm, hơn 30 báu vật

Minh Lan 28/07/2025 21:02

“Ngôi mộ không bị xáo trộn này là một 'cánh cửa' hiếm hoi mở ra thời kỳ mà chúng ta gần như chưa hiểu gì. Nó cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về cấu trúc xã hội, nghi lễ chôn cất và kết nối văn hóa của người Alani cổ”, Tiến sĩ Azamat Akhmarov chia sẻ với tạp chí The Archaeologist.

Một trong những phát hiện khảo cổ đặc biệt nhất trong thời gian gần đây là một ngôi mộ cổ 2.500 năm tuổi thuộc tộc người Alani, nằm trong khu nghĩa trang cổ Alkhan-Kala, phía Tây thành phố Grozny, Cộng hòa Chechnya (thuộc Nga).

Đáng chú ý, ngôi mộ mới phát hiện lại hoàn toàn nguyên vẹn, chứa đầy kho báu quý hiếm chưa từng thấy ánh sáng mặt trời trong hàng thiên niên kỷ.

screenshot-2025-07-28-144913.png
Ảnh minh họa

Đứng đầu nhóm khai quật là Tiến sĩ Azamat Akhmarov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Chechnya. Trong quá trình khai quật, nhóm đã phát hiện ra một bộ dây cương được đính đá tourmaline xanh lấp lánh, bọc vàng, thuộc về tầng lớp kỵ sĩ quý tộc, vốn là hậu duệ văn hóa du mục của người Sarmatian và Scythian.

Không chỉ một, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều dây cương, một bộ hàm thiếc ngựa, ba thanh vũ khí lưỡi sắc, các vật dụng bằng kim loại nhập khẩu, cùng một số viên đá garnet quý hiếm – tất cả đều có niên đại từ thế kỷ V đến thế kỷ II trước Công nguyên. Số lượng cổ vật ước lượng lên tới hơn 30 món. Sự nguyên vẹn của khu mộ khiến giới khảo cổ không khỏi kinh ngạc, trong bối cảnh phần lớn các gò mộ tương tự đều đã bị xâm phạm từ lâu.

Với những gì được tìm thấy, người nằm trong ngôi mộ nhiều khả năng thuộc tầng lớp tinh hoa quý tộc của người Alani. Những hiện vật tinh xảo, chế tác từ vật liệu quý giá, cho thấy trình độ tay nghề cực cao của những nghệ nhân xưa và chủ nhân ngôi mộ rõ ràng có địa vị xã hội cao. Vào thời kỳ đầu, người Alani là tộc du mục cưỡi ngựa sống trên thảo nguyên, trước khi dần chuyển sang lối sống bán định cư. Người được chôn cất có thể là một thủ lĩnh quân sự.

screenshot-2025-07-28-144844.png
Ảnh minh họa

Theo đánh giá, phát hiện mới nhất này là một trong số rất ít mộ Alani cổ chưa từng bị trộm phá, bổ sung vào kho tàng khảo cổ quý báu từng phát hiện trước đó như: Một chiến binh chôn cùng thanh kiếm mạ vàng, nạm đá garnet tại Brut (Bắc Kavkaz); một ngôi mộ khác có dây cương vàng khắc họa chim chóc – biểu tượng phổ biến trong nghệ thuật và trang sức Alani như vòng tay khắc hình mèo, hoặc dây chuyền có hai đầu dê làm khóa nối.

Ngoài ra, khu nghĩa trang Zmeisky – dù có niên đại muộn hơn (thế kỷ 8–12 sau Công nguyên) cũng cung cấp nhiều phát hiện quan trọng, trong đó nổi bật là một phụ kiện mạ vàng hình người phụ nữ giơ chén, được cho là hiện thân của Dzerassa hoặc Satana, hai nữ anh hùng huyền thoại của người Alani, cầm chén Uatsamong – biểu tượng dùng để phân định sự thật và lời khoác lác.

“Ngôi mộ không bị xáo trộn này là một 'cánh cửa' hiếm hoi mở ra thời kỳ mà chúng ta gần như chưa hiểu gì. Nó cho phép chúng tôi hiểu rõ hơn về cấu trúc xã hội, nghi lễ chôn cất và kết nối văn hóa của người Alani cổ”, Tiến sĩ Akhmarov chia sẻ với tạp chí The Archaeologist.

>> Phát hiện ngôi mộ cổ nguyên vẹn sau 2.600 năm, hơn 100 báu vật

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/phat-hien-ngoi-mo-co-nguyen-ven-sau-2500-nam-hon-30-bau-vat-147755.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc tiếp
    Phát hiện ngôi mộ cổ nguyên vẹn sau 2.500 năm, hơn 30 báu vật
    POWERED BY ONECMS & INTECH