Phát hiện những khoảng trống bí ẩn ở Vạn Lý Trường Thành, lý do được xây dựng vẫn chưa ai biết

29-01-2024 13:06|Quỳnh Vân

Những phần đoạn bị thiếu được cho là xây dựng vội vàng do lo ngại về quân xâm lược và nhằm mục đích giám sát người dân ở 'khu vực biên giới'.

SCMP đưa tin, các nhà khảo cổ điều tra Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc mới đây đã phát hiện ra những khoảng trống lớn trên bức tường không phải do quá trình tự nhiên gây ra mà ngay từ đầu chúng chưa bao giờ được xây dựng ở những vị trí này.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khảo cổ học thực địa vào cuối tháng 12/2023, những đoạn này đã được thi công khá vội vàng trước mối đe dọa lớn từ Thành Cát Tư Hãn.

Kết quả nghiên cứu này được các chuyên gia đưa ra sau khi phân tích cụ thể đoạn tường thành được gọi là “Vòng cung Mông Cổ”. Phần tường trải dài từ miền Bắc Trung Quốc đến Mông Cổ và được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XI và XIII, sớm hơn nhiều so với những đoạn xây dựng dưới thời nhà Minh (1368-1644).

Chiều dài của đoạn tường và lý do nó được xây dựng hiện vẫn còn là một bí ẩn.

Các tài liệu lịch sử thời đó - vào khoảng năm 1200, ngay trước cuộc xâm lược của Thành Cát Tư Hãn năm 1211 – thảo luận về việc nhanh chóng xây dựng một “phần tường phòng thủ”. Các nhà khảo cổ tin rằng tư liệu này ám chỉ một đoạn khác của Vạn Lý Trường Thành nhưng cũng có thể áp dụng cho “Vòng cung Mông Cổ”.

great-wall-china.jpg
“Vòng cung Mông Cổ” là một phần của hệ thống tường lớn hơn, được cho là xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ XI - XIII. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, Gideon Shelach-Lavi, tác giả nghiên cứu và giáo sư tại Khoa Nghiên cứu Châu Á của Đại học Do Thái ở Israel, tiết lộ khi các nhà khảo cổ đến thăm địa điểm này, họ kết luận rằng đây có thể chỉ là một công trình phòng thủ kém chất lượng.

Giáo sư lập luận: “Nhiều khả năng bức tường không được xây dựng để ngăn chặn quân đội Mông Cổ, mà nhằm ngăn chặn các cuộc xâm lược quy mô nhỏ từ các bộ tộc địa phương cũng như để theo dõi và kiểm soát hoạt động di chuyển của họ”.

Theo các tác giả, một bằng chứng quan trọng ủng hộ lý thuyết này là các bức tường không có “tầm nhìn rộng rãi đối với môi trường xung quanh”. Mặc dù chúng không nằm ở khoảng cách xa nhau nhưng hầu hết lại không thể quan sát hoặc có thể nhìn thấy từ khu vực lân cận.

Nhưng họ cũng thừa nhận rằng bức tường có thể là một công trình chưa hoàn thiện, bị giới hạn bởi thời gian, chi phí và sự thuận tiện.

Shelach-Lavi cho biết nghiên cứu này còn làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa Trung Quốc và các nước láng giềng du mục, nói rằng các tương tác “phức tạp và đa diện hơn nhiều so với những gì đã được miêu tả trong quá khứ”.

6de2ac87-cf10-44bc-b76a-f932597210e4_595de0ff.jpg
Vẫn còn nhiều bí ẩn xoay quanh lý do tại sao lại có những bức tường này do quá trình xây dựng đã kéo dài hàng nghìn năm. Ảnh: SCMP

Thêm vào đó, có một quan niệm sai lầm về Vạn Lý Trường Thành rằng nó là một kiến trúc dài không bị gián đoạn.

Trên thực tế, công trình này là một chuỗi các phần xây dựng trong gần 2000 năm, với một số khu vực chiến lược chồng chéo lên nhau và những khu vực khác có khoảng trống lớn.

Ngoài ra, bức tường không chỉ được sử dụng để bảo vệ Trung Quốc trước quân xâm lược mà còn phục vụ nhiều mục đích khác nhau, như củng cố lãnh thổ mới giành được hoặc đóng vai trò là ranh giới biên giới.

Ví dụ, “Vòng cung Mông Cổ” có thể từng là một phần của “khu vực biên giới” và được sử dụng để giúp theo dõi sự di chuyển của người dân, dù nó không phải là một đường phân giới nghiêm ngặt như các bức tường biên giới ngày nay.

>> Trung Quốc sở hữu một ‘kho báu’ bí ẩn, không công khai mà ở dưới lòng đất, chuyên gia phải thốt lên: ‘Lớn tới mức mua được cả châu Âu’

Những công trình 'nhái' của Trung Quốc được ca ngợi là còn 'hoành tráng hơn' so với bản gốc

‘Pháo đài’ khổng lồ 4.000 năm tuổi được phát hiện giữa hoang mạc, bên trong là khu định cư rộng 1.100ha

Giới khảo cổ Trung Quốc náo động: Phát hiện mạng lưới đường hầm bí mật 4.300 năm tuổi nằm dưới thành phố đá

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/phat-hien-nhung-khoang-trong-bi-an-o-van-ly-truong-thanh-ly-do-duoc-xay-dung-van-chua-ai-biet-221633.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Phát hiện những khoảng trống bí ẩn ở Vạn Lý Trường Thành, lý do được xây dựng vẫn chưa ai biết
POWERED BY ONECMS & INTECH