Phát hiện thêm một vụ sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo

08-09-2023 19:10|Vân Anh

Trung tuần tháng 8, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã phối hợp kiểm soát, phát hiện và bắt giữ một vụ sử dụng thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo tại địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM.

Theo Bộ TT&TT, vụ việc sử dụng thiết bị BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo tại địa bàn huyện Hóc Môn, TP.HCM trực tiếp do Trung tâm tần số khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp cùng A06 của Bộ Công an phát hiện và bắt giữ trong thời gian từ ngày 22 - 24/8.

Trong nội dung đánh giá về các vấn đề nổi bật của ngành TT&TT chia sẻ tại họp báo tháng 9 của Bộ TT&TT, Văn phòng Bộ cũng cho biết, trong tháng 8/2023, Bộ TT&TT tiếp tục thanh tra, kiểm tra các đối tượng sử dụng tần số nhằm đảm bảo sự chấp hành các quy định pháp luật về sử dụng tần số. Qua đó, phát hiện một số vụ vi phạm về sử dụng thiết bị vô tuyến điện không giấy phép, sử dụng thiết bị không đúng quy định… Bộ TT&TT đã xử lý 32 vụ vi phạm về sử dụng tần số.

Tình trạng một số đối tượng sử dụng các trạm thu phát sóng giả để mạo danh tin nhắn tổ chức tài chính, ngân hàng lừa đảo người dùng đã liên tục tái diễn trong thời gian qua. Các tháng đầu năm 2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nhiều vụ việc sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS để gửi tin nhắn giả mạo ngân hàng, nhắn tin quảng cáo các nội dung “đen” tại một số tỉnh, thành phố, với mục đích lừa đảo chiếm tài khoản ngân hàng của người dân hoặc quảng cáo các nội dung “đen” như mại dâm, cờ bạc...

Thời gian qua, Bộ TT&TT thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời các vụ sử dụng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo, giả mạo. (Ảnh Cục Tần số vô tuyến điện cung cấp).

Báo cáo sơ kết của Bộ TT&TT trong nửa đầu năm 2023 cũng cho hay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 15 vụ sử dụng thiết bị giả mạo BTS, gồm 3 vụ ở Hà Nội; 5 vụ ở TP.HCM; các tỉnh, thành phố Gia Lai, Quảng Nam, Hưng Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang và Bến Tre mỗi địa phương phát hiện và xử lý 1 vụ.

Thông tin với VietNamNet hồi giữa tháng 8/2023, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết, với việc vào cuộc mạnh mẽ của các đơn vị chức năng thuộc Bộ TT&TT phối hợp cùng cơ quan công an, vấn nạn tin nhắn lừa đảo đã bước đầu được xử lý, ngăn chặn.

Ban đầu các đối tượng lừa đảo đặt thiết bị phát sóng ở địa điểm cố định, sau đó đặt thiết bị trên xe ô tô di chuyển liên tục để tránh bị các cơ quan chức năng phát hiện. Các nhà mạng hiện đã có thể phát hiện các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo theo thời gian thực.

Cụ thể, khi các đối tượng bật các trạm phát sóng giả, hệ thống của nhà mạng đã phát hiện tức thời và báo cho cơ quan chức năng. Thiết bị giám sát sẽ theo các đối tượng lừa đảo trong hành trình di chuyển của chúng. Các đối tượng phát tán trong thời gian gần đây bị bắt quả tang khi chúng di chuyển trên xe ô tô.

Giải pháp để ngăn chặn tình trạng phát tán tin nhắn lừa đảo bằng các trạm BTS giả cũng là một trong những vấn đề được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi với đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ TT&TT tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ.

Thông tin với báo chí tại thời điểm đó, Phó Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Trần Mạnh Tuấn đã giải thích rõ cơ chế hoạt động các trạm BTS giả mạo: Sóng của các thiết bị BTS giả đã đè lên sóng của các nhà mạng. Trong khoảng cách 100m, các thuê bao di động sẽ bị kết nối với sóng của các trạm BTS giả mạo, thay vì kết nối với các nhà mạng.

Ước tính mỗi phút, trạm BTS giả có thể nhắn hàng nghìn tin nhắn và số lượng tin nhắn được phát tán mỗi ngày khoảng từ 80.000 - 100.000 tin. Nội dung các tin nhắn có thể đi kèm với những trang web cờ bạc trực tuyến hoặc mạo danh website của ngân hàng để lừa đảo.

Nguyên nhân của tình trạng trên, theo phân tích của đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, do một lỗ hổng bảo mật của mạng GSM (2G). Công nghệ này chỉ yêu cầu mạng xác thực người dùng chứ không yêu cầu người sử dụng xác thực lại mạng. Lỗ hổng bảo mật của mạng GSM tuy đã được các tổ chức quốc tế phát hiện song vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. 

Một điểm đáng chú ý nữa là các thiết bị BTS giả mạo thường được nhập lậu vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch. Các thiết bị này rất nhỏ gọn nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình phát hiện, kiểm tra.

Trong quá trình thực hiện hành vi vi phạm, các đối tượng thường sử dụng những trạm BTS giả trên những phương tiện di động như trên ô tô, xe máy.

Các đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thực hiện rà quét, phát hiện và xử lý kịp thời.

Những giải pháp hiệu quả cũng sẽ được Bộ chỉ đạo các nhà mạng triệt để áp dụng nhằm phát hiện ngay khi đối tượng lừa đảo bật thiết bị trạm BTS giả, từ đó có thể nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng truy bắt các đối tượng có hành vi sai phạm.

Vụ lắp ‘trạm BTS’ trên ô tô để phát tán tin nhắn: Thủ đoạn mới để chiếm đoạt thông tin cá nhân

Lắp ‘trạm BTS’ trên ô tô, phát tán tin nhắn tới gần 400.000 điện thoại để chiếm đoạt thông tin cá nhân

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phat-hien-them-1-vu-su-dung-bts-gia-de-phat-tan-tin-nhan-gia-mao-2187175.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát hiện thêm một vụ sử dụng BTS giả để phát tán tin nhắn giả mạo
    POWERED BY ONECMS & INTECH