Vụ lắp ‘trạm BTS’ trên ô tô để phát tán tin nhắn: Thủ đoạn mới để chiếm đoạt thông tin cá nhân
Cơ quan công an cảnh báo, việc đối tượng sử dụng “trạm BTS” giả phát tán tin nhắn đến các thuê bao di động nhằm mục đích chiếm đoạt thông tin cá nhân, nghi vấn phục vụ hoạt động lừa đảo, do đó người dân cần cảnh giác với các tin nhắn lạ.
Hình ảnh tin nhắn đối tượng gửi đến các thuê bao di động. |
Vừa qua, Công an quận Hà Đông (Hà Nội) phối với các đơn vị nghiệp vụ Công an TP Hà Nội, Bộ Công an và Cục tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) bắt giữ đối tượng Trần Văn Út (SN 1990, trú tại xã Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội) để điều tra về hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông.
Công an quận Hà Đông đã thực nghiệm điều tra, làm việc với nhà mạng viễn thông, kiểm tra xác định thiết bị trạm BTS giả phát sóng trong thời gian từ ngày 20/10 đến khi bị phát hiện, Trần Văn Út đã sử dụng thiết bị xâm nhập trái phép vào 2 mạng viễn thông và phát tán tin nhắn đến 389.494 thiết bị di động nhằm mục đích đánh cắp thông tin cá nhân.
Nói về thủ đoạn gửi tin nhắn giả mạo do Út phát tán đến các thuê bao di động, một cán bộ Công an quận Hà Đông cho biết: Đối tượng sử dụng trạm BTS giả lắp đặt trên xe ô tô và di chuyển đến các tuyến đường có đông dân cư. Khi các thuê bao nằm trong tầm phủ sóng, trạm BTS giả này sẽ áp chế sóng của các nhà mạng viễn thông trong vùng nhất định, rồi gửi tin nhắn đến thuê bao di động với nội dung được soạn sẵn: “Hệ thống phát hiện tài khoản của bạn bất thường và sẽ khóa tài khoản trong 12 giờ nữa. Vui lòng đăng nhập và liên kết số điện thoại http://telegram.com.kz” bằng tên brandname (tên thương hiệu): “telegram”.
"Lúc này chỉ có điện thoại của người nhận tin nhắn và trạm BTS giả kết nối với nhau" - vị cán bộ công an cho biết.
Đối tượng Út cùng tang vật thu giữ. |
Khó phát 'thật - giả'
Đáng chú ý, vị cán bộ công an cho biết thêm, tên brandname được các đối tượng đặt tùy ý. Ví dụ, chúng có thể đặt trùng với các nhà mạng, ngân hàng... dẫn đến việc người dân có thể bị nhầm lẫn, lầm tưởng đây là các tin nhắn chính thống gửi đến và truy cập vào đường link.
Từ đó, khi đăng nhập thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu, tên đăng nhập, số điện thoại... vào các đường link đối tượng gửi có thể bị chúng đánh cắp, có thể phục vụ cho hoạt động lừa đảo.
"Thủ đoạn này khiến người dân khó phát hiện đâu là tin nhắn chính thống, đâu là tin nhắn giả mạo..." - vị cán bộ Công an quận Hà Đông cảnh báo về thủ đoạn chiếm đoạt thông tin cá nhân mới xuất hiện.
Qua vụ việc trên, cơ quan công an cảnh báo, khi người dân nhận được các tin nhắn kèm theo đường link truy cập cần cảnh giác và không truy cập vào đường link hay đăng nhập các thông tin cá nhân. Bởi tin nhắn của các đối tượng này rất giống với tin nhắn của các nhà mạng, đơn vị cung cấp dịch vụ chính thống.
Đồng thời, người dân cần "xác minh lại" các tin nhắn này bằng cách gọi điện đến số điện thoại của các đơn vị cung cấp dịch vụ như ngân hàng, nhà mạng để hỏi lại khi nhận được các tin nhắn có nội dung "khóa tài khoản", "nâng cấp hệ thống"...
Theo tài liệu điều tra, năm 2022, Út theo đường tiểu ngạch sang tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc làm công nhân gia công đồ điện tử. Thời gian này, đối tượng quen 1 người phụ nữ Việt Nam có chồng là người bản địa. Sau khoảng 2 tháng làm việc tại Trung Quốc, Út quay trở về Việt Nam.
Đến tháng 10/2024, Út nhận được tin nhắn qua ứng dụng Telegram của 1 đối tượng xưng là người Trung Quốc. Người này trao đổi thuê Út mang theo thiết bị chèn sóng của nhà mạng viễn thông rồi phát tin nhắn quảng cáo SMS đến nhiều số điện thoại di động với mức lương 50 triệu đồng/tháng.
Ngày 20/10, Út gặp người này tại khu vực phường Phú Lãm (Hà Đông) và được bàn giao thiết bị trạm BTS giả gồm thiết bị phát tán sóng màu đen, máy tính xách tay, khối nguồn, hộp thiết bị ăng ten và 30 triệu đồng.
Để thực hiện hành vi vi phạm, đối tượng trên lắp đặt các thiết bị vào xe ô tô do Út thuê để di chuyển. Sau khi được hướng dẫn quy trình vận hành hệ thống, Út điều khiển ô tô đi vào các khu đông dân cư để phát tán tin nhắn tới số điện thoại của người dân.