Bất động sản

Phát triển chung cư ồ ạt - ai “đem con bỏ chợ?”

Nhật Quang 31/07/2023 - 05:43

Chỉ trong vòng 15 năm trở lại đây, Hà Nội và vùng phụ cận chung cư cao tầng mọc lên như nấm.

Không ít người, nhất là giới trẻ lựa chọn sống trong chung cư, bởi các tiện ích, sự tiện lợi cũng như sự yên tâm về vấn đề an ninh, an toàn, bao gồm cả phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh các lợi ích thì việc phát triển chung cư ồ ạt với nhiều chủ đầu tư làm ăn theo kiểu “thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”, thiếu trách nhiệm dẫn đến hệ luỵ cho cư dân sống trong chung cư.

Vì sao Bộ Xây dựng bỏ đề xuất

Chị bạn tôi sống trong chung cư Osaka Complex, nơi có 2 toà nhà với tổng số hơn 700 hộ gia đình than thở khi hơn 11 đêm vẫn còn lên Facebook quay cảnh người dân căng băng rôn đòi trả lại thang máy, thu gom rác với Ban quản lý toà nhà. Trong khi trên 90% số hộ sống nơi đây đã nộp phí bảo trì hai năm, số dư quỹ trong tài khoản lên tới 13 tỷ đồng.

Khi mua chung cư, người dân tin tưởng vào chủ đầu tư, vui vẻ chấp nhận đóng phí quản lý để đảm bảo cho việc vận hành, bảo trì, quản lý các dịch vụ cơ bản như bảo vệ, vệ sinh khu vực chung, an ninh, thu gom rác thải sinh hoạt…

Khi nộp phí bảo trì thì các tiện tích như thang máy, hệ thống điện, nước, cửa chung cũng như hạ tầng kỹ thuật của toà nhà phải được đảm bảo trong trạng thái tốt, duy trì hoạt động thường xuyên cho cư dân. Loại phí này khác với phí điện, nước, dịch vụ vệ sinh, internet, truyền hình… phát sinh theo thực tế sử dụng của từng căn hộ. Vậy mà hiện nay cư dân sống nơi đây gặp nhiều bất cập khi có toà nhà có 6 thang máy thì bị đóng cửa 4 cái với lý do… hết hạn bảo trì.

Đến giờ đi làm chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, chờ đợi, ảnh hưởng tới công việc, giờ đi làm của rất nhiều người trong toà nhà. Toà nhà cao hàng chục tầng, người già, trẻ nhỏ không thể leo bộ trong thời tiết đang nắng nóng cao điểm như hiện nay, cộng thêm việc xử lý rác thải chậm trễ sẽ gây bốc mùi, ô nhiễm toàn bộ không gian sống của cư dân trong hai toà nhà. Số tiền bỏ ra mua chung cư, số phí đóng cho quỹ bảo trì của người dân đi đâu, ai giữ, ai có trách nhiệm, mà để cư dân phải xuống đường chăng băng rôn đòi quyền lợi chính đáng họ được hưởng?

Chung cư Osaka Complex thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội do Công ty cổ phần Quốc tế CT Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhưng từ năm 2021 thì Chủ tịch hội đồng quản trị của công ty bị khởi tố rồi phạt tù, nên chung cư lâm vào cảnh “vô chủ” không biết gõ đầu ai thay thế đại diện chủ đầu tư.

Về nguyên tắc, khi Chủ tịch Hội đồng quản trị bị bắt thì các Cổ đông thuộc Hội đồng thành viên có thể bầu ra đại diện để đứng ra giải quyết các vấn đề của công ty. Nhưng như hiện nay có tới 5 giấy uỷ quyền cho 5 người khác nhau, nên dân không biết tìm ai để khiếu nại. Cực chẳng đã mới phải căng băng rôn biểu tình nhờ chính quyền lên tiếng can thiệp.

Cư dân chung cư Osaka Complex căng băng rôn kêu cứu trước trụ sở UBND phường Hoàng Liệt ngày 19/7

Thực tế, chính quyền phường Hoàng Liệt và cả quận Hoàng Mai đã vào cuộc làm việc với cả đơn vị hợp tác của Công ty cổ phần quốc tế CT Việt Nam là Công ty Nam Minh Hoàng yêu cầu đảm bảo dịch vụ cho người dân. Liên hệ cả địa điểm ông Chủ tịch Hội đồng quản trị đang chấp hành án phạt tù để lấy thông tin về việc tìm người có thể được uỷ quyền đại diện cho công ty giải quyết các vấn đề bất cập.

Biên bản làm việc có từ ngày 18/07/2023 yêu cầu cả Công ty Nam Minh Hoàng phối hợp thực hiện, nhưng đến đêm ngày 25/07/2023 thang máy vẫn chưa hoạt động để người dân phải căng băng rôn, biểu ngữ trong đêm. Do Công ty Nam Minh Hoàng nêu lý do không có kinh phí để thực hiện bảo trì thang máy khi thời hạn kiểm định là đến 30/06/ 2023 là hết hạn, còn thang vận chuyển rác là đến 15/07/ 2023 là hết hạn. 

Theo chị bạn tôi, ngày 27/07/2023 có hội nghị cư dân để bầu ra Ban quản lý mới. Vấn đề là khi chủ đầu tư vắng mặt thì việc bầu Ban quản lý có thành công hay không? Cái này có lẽ cần sự can thiệp từ phía chính quyền, lấy ý kiến của cư dân, rồi đưa các phương án như thuê công ty quản lý toà nhà chuyên nghiệp để vận hành chung cư. Hoặc uỷ quyền cho cơ quan chức năng thuộc Sở Xây dựng quản lý tạm thời cho đến khi giải quyết được tình hình bất cập hiện tại.

Trong trường hợp chủ đầu tư không còn năng lực tài chính, trách nhiệm dân sự để duy trì thì hoàn toàn có thể phát mại bán chung cư cho chủ đầu tư mới, và mọi việc sẽ bắt đầu được làm lại từ đầu. Việc người dân bức xúc mang rác đến nhà các thành viên trong Ban quản lý lâm thời, xô đẩy ngã khi ra thang máy tuy là việc làm sai, nhưng nó thể hiện sự bức xúc đã lên cao quá độ.

Sự việc này là bài học cho chính người dân, khi đi mua căn hộ chung cư, cần tìm hiểu về năng lực, uy tín của chủ đầu tư. Đây cũng Là bài học cho cơ quan quản lý với các trường hợp chủ đầu tư bị bắt, đột tử, mất tích hay các tình huống bất khả kháng xảy ra để có lưu trình xử lý thích hợp đảm bảo cho quyền lợi chính đáng hợp pháp cho người dân sống ở chung cư.

Bị 'ngâm' tiền thuê quảng cáo, loạt chung cư ở TPHCM kiện Goldsun ra tòa

Bị 'ngâm' tiền thuê quảng cáo, loạt chung cư ở TPHCM kiện đối tác ra tòa

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/phat-trien-chung-cu-o-at-ai-dem-con-bo-cho-248321.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phát triển chung cư ồ ạt - ai “đem con bỏ chợ?”
    POWERED BY ONECMS & INTECH