"Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng", kinh phí từ ngân sách các quận.
Theo các kiến trúc sư, việc xây dựng một công viên văn hoá đa năng tại bãi giữa sông Hồng sẽ giúp bảo vệ đất công, chống chiếm dụng và giúp Thủ đô có thêm khoảng xanh đô thị, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Công viên văn hóa đa năng phải tuân thủ hai quy hoạch quan trọng
Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã đồng thuận, cho phép 4 quận: Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình, Tây Hồ tiếp tục nghiên cứu đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng", kinh phí từ ngân sách các quận.
Theo nguyên tắc quản lý ngoài bãi sông Hồng, khu vực này phải tuân thủ hai quy hoạch quan trọng là Quy hoạch về đê điều, phòng chống lũ; thứ hai là điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trước đó, ngày 25/3/2022, UBND TP. Hà Nội đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch phân khu sông Hồng tỉ lệ 1/5000, đây là cơ sở quan trọng để nghiên cứu triển khai các quy hoạch khu vực ngoài bãi sông Hồng.
Trong khi đó, công viên văn hóa du lịch được xây dựng chủ yếu dựa trên địa hình tự nhiên vốn có; tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, kết hợp với xây dựng không gian du lịch văn hóa gắn kết lịch sử, các phong tục tập quán truyền thống, văn hóa gắn liền với sông nước…
Với khu vực bãi giữa sông Hồng, quận Hoàn Kiếm dự tính tổ chức khu chức năng không gian cảnh quan nông nghiệp du lịch, có thể vẫn cho các hộ dân trồng cây ngắn ngày song quy hoạch chuyển đổi cây ngắn ngày phù hợp.
Ngoài ra, du khách có thể tham quan, chụp ảnh, hưởng thụ các giá trị cây nông nghiệp đặc sắc theo hướng nông nghiệp hiện đại.
Khu vực này cũng sẽ tổ chức khu chức năng không gian sáng tạo, sân chơi, thảm cỏ xen kẽ với các cây lâu năm hiện có; khu chức năng không gian vui chơi, tập thể thao (như sân trượt cỏ) cơ bản theo địa hình tự nhiên; khu chức năng câu cá, bơi lặn, tham quan mặt nước sông Hồng…
Khu vực bãi bồi ven sông sẽ tổ chức các khu chức năng không gian công viên cây xanh (cơ bản giữ lại các cây lớn hiện có), khu chức năng trồng cây ngắn ngày, cây cảnh, cây hoa theo mùa, kết hợp phục vụ khách du lịch.
Quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức khu dịch vụ, khu vực thể thao để làm nơi sinh hoạt cộng đồng gắn với không gian mặt nước; không gian nghệ thuật cộng đồng, không gian sáng tạo với trọng tâm nhấn mạnh nội dung giá trị lịch sử văn hóa sông Hồng.
Khu vực bãi giữa, bãi bồi ven sông Hồng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thuộc hai phường Chương Dương và Phúc Tân.
Trong đó, khu vực bãi giữa có diện tích khoảng 23ha nằm chủ yếu trên địa bàn phường Phúc Tân, một phần khoảng 1ha thuộc địa phận quận Long Biên, được các hộ dân trồng cây lương thực, cây lâu năm.
Khu vực bãi bồi ven sông thuộc địa bàn phường Phúc Tân rộng 11,2ha do các hộ dân canh tác trồng rau, hoa màu, chăn nuôi; khu vực thuộc địa bàn phường Chương Dương diện tích 4,12ha do tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng...
Thủ đô Hà Nội sẽ có thêm khoảng xanh cho đô thị
Việc UBND TP. Hà Nội có thông báo tán thành định hướng, cho phép tiếp tục nghiên cứu lập đề án "Phát triển bãi nổi giữa và ven sông Hồng thành công viên văn hóa đa năng" và giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu các bước tiếp theo làm dấy lên sự kỳ vọng của người dân về việc mở khoảng xanh, không gian xanh cho đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội.
Bãi bồi, bãi giữa sông Hồng là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm với tổng diện tích không hề nhỏ. Đã mấy chục năm nay không có nước ngập, hàng chục ha để hoang hóa cho cỏ dại mọc, một phần bị chiếm dụng trái phép để canh tác rau màu.
Do quỹ đất trên địa bàn TP. Hà Nội hạn hẹp và vì thiếu chỗ vui chơi, thư giãn nên thời gian gần đây nhiều khu vực đất bãi đã trở thành điểm vui chơi tự phát, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự và gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên của sông Hồng, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn không chỉ thu hút người dân Thủ đô mà còn thu hút du khách từ các tỉnh khi đến với Thủ đô Hà Nội.
Ông Phạm Quốc Tuyến, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cho biết, đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng đã xác định phân khu chức năng của từng khu vực, đồng thời xác định việc phân giao nhiệm vụ cho giai đoạn triển khai tiếp theo. Theo đó, sẽ giao các quận, huyện liên quan tổ chức rà soát, nghiên cứu các khu vực dân cư hiện có trên cơ sở đó lập quy hoạch chi tiết trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở để quản lý triển khai việc sử dụng đất tại khu vực này.
Hiện UBND các quận, huyện đang tổ chức đo đạc, lập bản đồ, quy hoạch. Tiếp đó, các địa phương liên hệ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở lập trình duyệt quy hoạch.
Đối với công viên tại bãi giữa sông Hồng thuộc khu vực địa bàn 4 quận là Hoàn Kiếm, Long Biên, Tây Hồ, Ba Đình phân đoạn từ cầu Thăng Long đến cầu Thanh Trì. Khu vực này định hướng phát triển các công viên cây xanh chuyên đề, nông nghiệp, du lịch thu hút các hoạt động kinh tế phục vụ du lịch. Dựa trên nguyên tắc phục hồi công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng phục vụ dân cư.
Trong nhiều năm qua, việc giải quyết vấn đề thiếu không gian xanh, các khu công viên, vui chơi, giải trí công cộng dành cho người dân là vấn đề được TP. Hà Nội đặc biệt quan tâm. Nhất là khi hàng loạt khu chung cư, nhà ở cao tầng đang ngày càng mọc lên nhanh chóng khiến cho diện tích đất dành cho không gian xanh, không gian công cộng ngày càng bị thu hẹp. Nhất là tại khu vực lõi trung tâm, các không gian công cộng, không gian văn hóa đáp ứng nhu cầu vui chơi và thể thao, triển lãm nghệ thuật vẫn còn hạn chế.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị, Thủ đô Hà Nội cần được tái thiết, cải tạo chỉnh trang đô thị để nâng cao chất lượng sống cho người dân. Bởi vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Việc các quận khu vực lõi trung tâm TP. Hà Nội cùng chủ động xây dựng đề án sử dụng nguồn lực đất đai quý giá còn lại ở khu vực bãi sông Hồng, để nâng cao chất lượng sống tinh thần cho người dân Thủ đô được nhiều người dân kỳ vọng, hưởng ứng.
Theo các kiến trúc sư, bãi giữa sông Hồng sẽ là một không gian tiềm năng để khai thác và triển khai thành không gian công cộng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính quyền các quận cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, tham vấn đầy đủ ý kiến của chuyên gia nhà khoa học và người dân để bảo đảm khai thác hiệu quả quỹ đất nhưng vẫn bảo đảm an toàn, chống xói lở, thoát lũ…tất cả phải phù hợp với các định hướng của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.