Xã hội

Phế liệu nhựa nhập khẩu: Lợi ích kinh tế hay “ác mộng” môi trường?

Nguyễn Quý 29/08/2024 - 06:48

Để giải quyết bài toán khó về nhập khẩu phế liệu nhựa, cần có những lộ trình và giải pháp bền vững, kết hợp giữa việc kiểm soát chất lượng phế liệu nhập khẩu và đẩy mạnh phân loại, tái chế rác thải nhựa nội địa.

Nhu cầu lớn, thách thức nhiều

Theo số liệu thống kê năm 2022, Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa với hơn 4 triệu tấn. Dù đã có nhiều nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng nhựa và xử lý rác thải nhựa nội địa, nhu cầu tiêu thụ và tái chế nhựa vẫn ngày càng tăng cao. Điều này đã khiến Việt Nam trở thành một trong những điểm đến chính cho việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ các quốc gia phát triển. Sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu phế liệu nhựa, đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Một số lượng lớn phế liệu nhựa nhập khẩu chứa các thành phần không rõ nguồn gốc và lẫn nhiều tạp chất. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Tái chế nhựa tự phát đang gây ra nhiều hệ lụy với môi trường. Ảnh: Thành Đạt
Tái chế nhựa tự phát đang gây ra nhiều hệ lụy với môi trường. Ảnh: Thành Đạt

Theo ước tính, chỉ 60% phế liệu nhựa nhập khẩu có thể tái chế, 40% còn lại bị thải ra môi trường, tạo nên các núi rác nhựa khổng lồ quanh các làng nghề tái chế. Việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể gây ô nhiễm do chứa các hóa chất độc hại, đồng thời tạo ra áp lực lớn trong quá trình tái chế và xử lý an toàn.

Ông Jim Puckett - Giám đốc điều hành mạng lưới hành động Basel cho biết, mỗi khi rửa các phế liệu nhựa để tái chế nước dùng để xả rửa cũng mang theo đồng thời cả chất ô nhiễm và các vi nhựa. “Những chất này đi vào nguồn nước ngầm, sông suối rồi cuối cùng đi ra biển. Điều này tác động rất nhiều đến môi trường và là thủ phạm thầm lặng gây ra các bệnh ung thư hay tác động đến sự sinh sản” – vị chuyên gia này nói.

Trong khi đó, bà Quách Thị Xuân - trưởng Đại diện Tổ chức Môi trường Thái Bình Dương tại Việt Nam cũng nhấn mạnh đến mặt trái của việc tái chế nhựa. Đó là, tái chế nhựa dù giúp nhựa được lưu thông nhiều hơn trong nền kinh tế nhưng mặt khác, quá trình tái chế cũng tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều loại khí gây hiệu ứng nhà kính.

Các chuyên gia cũng cho biết, việc xử lý phế liệu nhựa nhập khẩu có thể dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường do phế liệu nhựa có chứa các hóa chất độc hại; đồng thời tạo ra áp lực lớn đối với quá trình để có thể bảo đảm tái chế và xử lý chúng một cách an toàn và hiệu quả.

Lộ trình giảm nhập khẩu phế liệu nhựa

Để giải quyết bài toán nan giải về phế liệu nhựa nhập khẩu, Việt Nam cần có một lộ trình giảm dần, đi đôi với việc xây dựng một hệ thống quản lý chất thải nhựa hiệu quả và bền vững. Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy ngành công nghiệp tái chế vẫn được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn vào kinh tế đất nước và đáp ứng mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn. Việc nhập khẩu phế liệu nhựa từ nước ngoài về Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất vẫn là một nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, để việc này thực sự phục vụ cho nhu cầu sản xuất và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, cần có những hành động thiết thực và cụ thể.

Trước tiên, việc siết chặt quy định về nguồn gốc, thành phần và chất lượng của phế liệu nhựa nhập khẩu là vô cùng cần thiết. Cần thiết lập một hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, vận chuyển đến khi đưa vào sản xuất. Các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát tại cảng và các điểm trung chuyển, áp dụng các biện pháp kỹ thuật hiện đại để phân tích, đánh giá chất lượng phế liệu. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở dữ liệu về các lô hàng phế liệu nhập khẩu để theo dõi và truy xuất nguồn gốc khi cần thiết.

Song song với đó là chuyển đổi việc phân loại rác tại nguồn, để thu gom tái chế rác thải nhựa trong nước. Đây được đánh giá là giải pháp quan trọng khi từ ngày 1/1/2024 Việt Nam chính thức áp dụng những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu (gọi tắt là EPR). Một phần của những quy định liên quan trực tiếp tới các DN tham gia vào ngành công nghiệp tái chế đó là chỉ được nhập khẩu tối đa 80% phế liệu từ nước ngoài và phải sử dụng 20% nguồn trong nước.

Ông Hoàng Đức Vượng - Chủ tịch chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa
Việt Nam nhận định, nguồn phế liệu nhựa trong nước do chưa được phân loại sạch tại nguồn, tái chế tại nhiều nơi, nhiều làng nghề khác nhau nên chất lượng và sản lượng không đồng đều. Điều này cho thấy nguồn nguyên liệu phế thải nhựa trong nước khó có thể đáp ứng con số 20% trong thời gian tới. Việc chuyển đổi việc phân loại rác tại nguồn chỉ có thể hiện thực hóa được khi chúng ta tuyên truyền và giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc phân loại rác.

Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ và khuyến khích DN đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thu gom và xử lý rác thải nhựa. Bởi xây dựng một hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa hiệu quả là điều kiện tiên quyết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Cần đầu tư xây dựng các điểm thu gom rác thải nhựa tại các khu dân cư, các khu công nghiệp. Đồng thời, cần xây dựng các nhà máy xử lý rác thải nhựa hiện đại, bảo đảm các tiêu chuẩn về môi trường. Về việc nhập khẩu phế liệu nhựa, ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, đây là việc làm cần thiết bởi nhựa phế liệu trong nước chưa được phân loại sạch tại nguồn.

“Chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ nước ngoài vào Việt Nam vì nguyên liệu này đã được phân loại và làm sạch trước khi vào Việt Nam và nó tạo ra lượng nhựa tái chế với sản lượng lớn, đáp ứng được các đơn hàng lớn” – ông Hoàng Quốc Vượng nói.

Theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, DN phải ký quỹ bảo vệ môi trường nếu muốn nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, nhằm bảo đảm tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu nhập khẩu. Cụ thể, đối với tổ chức, cá nhân nhập khẩu nhựa phế liệu phải thực hiện ký quỹ bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất với số tiền được quy định như sau: khối lượng nhập khẩu dưới 100 tấn phải thực hiện ký quỹ 15% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 100 tấn đến dưới 500 tấn phải thực hiện ký quỹ 18% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu; khối lượng nhập khẩu từ 500 tấn trở lên phải thực hiện ký quỹ 20% tổng giá trị lô hàng phế liệu nhập khẩu.

>> Nên dùng công nghệ tái chế để tận dụng năng lượng, tài nguyên từ rác

Huy động công nghệ cao, quốc gia châu Á gấp rút dọn dẹp 880 tấn phế liệu còn tồn đọng sau thảm họa hạt nhân nghiêm trọng nhất kể từ 1986

Cây cầu thép nặng 60 tấn trị giá 3,5 triệu USD bất ngờ bị đánh cắp đem đi bán phế liệu

Theo kinhtedothi.vn
https://kinhtedothi.vn/phe-lieu-nhua-nhap-khau-loi-ich-kinh-te-hay-ac-mong-moi-truong.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phế liệu nhựa nhập khẩu: Lợi ích kinh tế hay “ác mộng” môi trường?
    POWERED BY ONECMS & INTECH