Phía sau Khu Công nghệ cao TP.HCM
Hơn 3.100 hộ dân phải nhường nơi sinh sống để TP.HCM xây dựng Khu Công nghệ cao tầm cỡ Quốc gia. Thế nhưng đến nay, sau 20 năm, dự án vẫn còn dang dở. Hàng loạt dự án “khủng” được cấp phép đầu tư nhưng mãi chưa xây dựng, vận hành. Ngoài những sai phạm đã được Thanh tra Chính phủ nêu, mới đây Thanh tra TP.HCM cũng chỉ ra nhiều thiếu sót khác.
Khu Công nghệ cao TP.HCM được thành lập năm 2002 tại Quận 9, nay là TP.Thủ Đức. |
Bài 1: Hơn 3.100 hộ dân nhường nơi sinh sống để 20 năm dang dở
Năm 1998, Thủ tướng giao nhiệm vụ chuẩn bị thành lập Khu Công nghệ cao TP.HCM tại Quận 9 (nay là TP.Thủ Đức), đến năm 2022 chính thức thành lập với diện tích ban đầu khoảng 804ha. Khu Công nghệ cao định hướng trở thành khu kinh tế – kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao để thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Dang dở tái định cư, nhà cho công nhân
Sau 20 năm triển khai, Khu Công nghệ cao TP.HCM cơ bản hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thu hút được nguồn vốn đầu tư lớn. Thống kê đến năm 2023, Khu Công nghệ cao đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho khoảng 160 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 12,068 tỷ USD.
Theo ghi nhận của phóng viên, các doanh nghiệp lớn chủ yếu tập trung dọc hai bên đường D1 (trục đường chính của toàn khu) và nằm rải rác ở những khu vực khác. Nhiều dự án của các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ nước ngoài được xây dựng và đi vào hoạt động như: Intel (Mỹ), Nidec (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc)... Ngoài ra, còn có nhiều tên tuổi trong nước như: Thế giới Di động, FPT Software, CMC Data Center, Nanogen, Vietjet, Đại học FPT, Đại học Nguyễn Tất Thành....
Ngoài những kết quả đạt được, Khu Công nghệ cao vẫn tồn tại nhiều hạn chế chưa giải quyết dứt điểm. Việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ Khu Công nghệ cao được triển khai từ khoảng năm 2004, gồm các dự án: Khu tái định cư Long Sơn, Khu tái định cư Man Thiện, Khu tái định cư Cây Dầu 1, Khu tái định cư Cây Dầu 2, Khu tái định cư Cầu Xây, Khu tái định cư Long Bửu (giai đoạn 1 và giai đoạn 2)... Đến nay, một số dự án được cơ bản hoàn thành, bố trí tái định cư cho người dân, vài dự án khác dang dở.
Dự án Khu tái định cư Bửu Long - giai đoạn 2 hiện tại. |
Trong đó, Khu tái định cư tại P.Long Bình – P.Long Thạnh Mỹ (Khu tái định cư Bửu Long giai đoạn 2) được UBND Q.9 (nay là UBND TP.Thủ Đức) thu hồi đất, lên phương án bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư từ năm 2005, giao cho do Công ty Quản lý và Phát triển đô thị quận 9 (nay là Công ty Dịch vụ Công ích Quận 9) làm chủ đầu tư.
Mới đây, UBND TP.HCM đã chấp thuận chủ trương điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đối với 7 dự án tái định cư từ phục vụ Khu Công nghệ cao thành phục vụ tái định cư dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách.
Theo ghi nhận của phóng viên vào tháng 8/2023, khu vực dự án hiện nay có gắn bảng thông tin công trình, đường giao thông được hoàn chỉnh nhưng phần còn lại chỉ là những bãi đất trống. Không chỉ vậy, nhiều dự án khác do Công ty Dịch vụ Công ích Q.9 làm chủ đầu tư cũng dính hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, khu đất thực hiện dự án Khu nhà lưu trú công nhân ở P.Long Thạnh Mỹ đang bị bỏ hoang. Trên website của Khu Công nghệ cao, công trình nằm trong danh mục dự án đang chuẩn bị đầu tư.
Loạt dự án ngàn tỷ đồng trồng... cỏ
Nhiều khu đất có diện tích rất lớn đang bị lãng phí tại Khu Công nghệ cao, đặc biệt là hai bên đường D1 nối dài, cỏ mọc um tùm và trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân sinh sống xung quanh. Nhiều dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ những năm 2015-2016 nhưng đến nay chỉ quây tôn hoặc dựng hàng rào, xây cổng và phòng bảo vệ....
Cổng chính Dự án Nhà máy Dược phẩm Bivid cỏ mọc um tùm. |
Cuối tháng 12/2015, Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án Nhà máy Dược phẩm Bivid của Công ty TNHH Bình Việt Đức, tổng vốn đầu tư 120 triệu USD (khoảng 2.500 tỷ đồng) toạ lạc trên phần diện tích 10ha, bao gồm 4 nhà máy chuyên sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế. Giai đoạn đầu của nhà máy dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2017, cung ứng cho thị trường 150 ngàn lọ sinh phẩm y tế.
Kể từ khi cấp phép đến nay, dự án chỉ được chủ đầu tư xây dựng vỏn vẹn cổng và hai phòng bảo vệ ở hai góc thửa đất. Phần diện tích còn lại bỏ hoang được xây tường rào bao quanh, bên trong cỏ dại mọc um tùm, không có dấu hiệu thi công tiếp tục.
Tháng 3/2017, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án “Trung tâm Nghiên cứu, hợp tác quốc tế đào tạo và chuyển giao công nghệ Wesgo” (Trung tâm công nghệ Wesgo) cho Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn, với số vốn đầu tư 540 tỷ đồng (khoảng 25 triệu USD), hoạt động nghiên cứu, đào tạo các lĩnh vực công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học...
Dự án có diện tích hơn 1,7ha, dự kiến được triển khai xây dựng vào cuối năm 2017 và đi vào hoạt động vào năm 2019, sẽ đào tạo khoảng 2.000 - 3.600 học viên mỗi năm. Thế nhưng trải qua 7 năm, dự án vẫn nằm trên giấy và Trường Cao đẳng nghề Tây Sài Gòn cũng đổi tên thành Trường Cao đẳng Dược Sài Gòn.
Tháng 7/2023, đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dự án Trường Đại học Fulbright mới được công bố. |
Dự án Trường Đại học Fulbright Việt Nam tại Khu Công nghệ cao được chấp thuận chủ trương vào năm 2014, có diện tích 15ha. Vốn đầu tư là 70 triệu USD (khoảng 1.400 tỷ đồng). Trong đó, giai đoạn đầu (đến năm 2016) là 5,3 triệu USD, giai đoạn hai (2017 – 2020) là 20 triệu USD và giai đoạn ba (2020 – 2030) là 44,7 triệu USD.
Ban đầu, trường dự kiến khởi công trong năm 2016 nhưng mãi đến năm 2020 điều này mới được thực hiện. Ở giai đoạn đầu, trường sẽ xây dựng khu ký túc xá, cụm giảng đường, hội trường lớn, trung tâm sinh viên và thư viện.... Các tòa nhà hợp phần còn lại sẽ được xây dựng trong các giai đoạn phát triển tiếp theo.
Thời gian hoàn thành dự kiến vào năm 2022 và sinh viên sẽ chuyển về học tại đây, mục tiêu biến khu đất trở thành một trung tâm giáo dục và nghiên cứu tiên tiến bậc nhất Việt Nam. Thế nhưng hiện tại, 4 phía của dự án được quây tôn, bên trong có vài thiết bị, máy móc. Và chỉ mới đây, vào tháng 7/2023, đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực dự án Trường Đại học Fulbright mới được công bố.
Cỏ cao hơn đầu người ở Công viên Thiên niên kỷ tại Khu Công nghệ cao TP.HCM |
Dự án Công viên Thiên niên kỷ của Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần dệt may Sài Gòn) được trao chứng nhận đầu tư vào năm 2015. Tổng diện tích hơn 20ha, quy mô vốn lên đến 900 tỷ đồng (khoảng 42 triệu USD), gồm các hạng mục sau: Vườn ươm và cây cảnh 3 miền; Công viên khoa học; Quảng trường; Bảo tàng thiên nhiên – nhà kính sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao. Tuy nhiên đã 8 năm trôi qua, dự án vẫn là bãi đất trống, lau sậy cao hơn đầu người trưởng thành.
Thu hồi dự án Sài Gòn Silicon
Công ty Cổ phần Công viên Sài Gòn Silicon được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án Công viên Sài Gòn Silicon (Saigon Silicon) vào khoảng năm 2015. Dự án có tổng diện tích 52ha, vốn đầu tư 40 triệu USD (tương đương 860 tỷ đồng, thời điểm đó).
Dự án chia làm hai giai đoạn. Trong giai đoạn một xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng chung cho toàn khu công viên, như: Nhà điều hành gồm bốn toà nhà cao năm tầng đối xứng nhau; khu Techshop, phòng hội nghị 500 chỗ ngồi, nhà máy sản xuất bo mạch điện tử và lắp ráp linh kiện... Giai đoạn hai tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các hạng mục khác theo quy hoạch được duyệt, hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2020.
Toà nhà trung tâm của dự án được khởi công nhưng khi phần thô chưa kịp hoàn thành thì dự án dừng lại và bỏ hoang. |
Khi hoàn thành, Saigon Silicon sẽ trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút hơn 24 doanh nghiệp là người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khu vực Thung lũng Silicon (Mỹ). Tổng vốn đầu tư khi lấp đầy dự án này khoảng 32.250 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).
Năm 2016, toà nhà trung tâm của dự án được khởi công trên phần đất có diện tích là 11.368m2. Thế nhưng khi phần thô chưa kịp hoàn thành thì dự án dừng lại và bỏ hoang. Hiện cả công trường chỉ là một khối bê tông xuống cấp, cỏ mọc um tùm, trở thành nơi chăn thả trâu bò. Đầu năm 2023, UBND TP.HCM đã quyết định và giao Ban Quản lý Khu Công nghệ cao đẩy nhanh thủ tục chấm dứt, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với dự án này ngay trong năm 2023 để dành quỹ đất cho dự án khác.
Chỉ tính sơ bộ các dự án kể trên thì phần diện tích đất vàng bỏ hoang tại Khu Công nghệ cao đã lên đến gần 100ha, với tổng số vốn lên đến 6.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 295 triệu USD (vào thời điểm 2015). Ngoài ra, Khu Công nghệ cao TP.HCM còn hàng loạt dự án khác chậm triển khai. Kết luận của Thanh tra TP.HCM mới đây thể hiện có 33 dự án chậm đưa đất vào sử dụng, với thời gian chậm từ 1 - 63 tháng. Trong đó, ba đơn vị sử dụng đất không đúng mục đích đã đăng ký đầu tư.
Phía sau Khu Công nghệ cao TP.HCM – Bài 2: Hàng loạt sai phạm
NVIDIA đầu tư vào Việt Nam sẽ là 'cú hích' nhảy vọt về công nghệ
Samsung cắt giảm nhân sự toàn cầu: 'Cơn bão' có tràn tới Việt Nam?