Phiên 16/2 đánh dấu dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ rất mạnh khiến các cổ phiếu này hồi sinh. Tuy nhiên, sự trái ngược lại được thể hiện ở nhóm bank trong cùng thời điểm.
Sau phiên hồi phục 15/2/2022, cổ phiếu ngân hàng đã đồng loạt giảm trở lại qua đó lấy mất 3,3 điểm của VN-Index trong phiên giao dịch hôm nay. Điểm nhấn là giao dịch thỏa thuận gần 21 triệu cổ phiếu mã EIB tương đương giá trị khoảng 726 tỷ đồng.
Cùng với đó, nhóm này cũng giao dịch ảm đạm khi thanh khoản toàn ngành chỉ đạt 4.864 tỷ đồng trong đó có 1.480 tỷ đồng được giao dịch qua kênh thoả thuận.
Cổ phiếu EIB bất ngờ giảm tới 3,9% xuống 35.800 đồng thị giá. Theo sau là cổ phiếu BID khi chìm trong sắc đỏ suốt phiên giao dịch. Một số mã đầu ngành khác như VIB, LPB, ACB, CTG cũng ghi nhận mức giảm dưới 2%.
Một vài cổ phiếu trên sàn HOSE như MSB, STB, SHB,... duy trì sắc xanh nhẹ trong khi phần còn lại là các mã trên sàn HNX và thị trường UpCOM.
Dòng tiền đầu cơ lại "nổi lửa" ở nhóm cổ phiếu bất động sản
Ngược với nhóm ngân hàng, loạt cổ phiếu bất động sản lại xuất hiện đà tăng mạnh đi ngược thị trường phiên 16/2; nhiều cổ phiếu tăng trần sau chuỗi ngày giảm miệt mài kể từ khi Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất ở khu Thủ Thiêm. Lệnh mua dứt khoát hơn và khối lượng lớn thuyết phục. Ngay cả trong những thời điểm VN-Index đỏ lửa, nhóm cổ phiếu bất động sản đã giữ vững được sắc tím.
Lâu lắm rồi cổ phiếu CII mới tím và dư mua trần trở lại. Thanh khoản của CII lên tới 11,3 triệu đơn vị. Đây là phiên tăng trần hiếm hoi, xoa dịu nỗi đau của nhà đầu tư bị nhốt sàn hàng chục phiên, lỡ đua lệnh và kẹt CII ở vùng đỉnh 58.000 đồng/cổ phiếu trong cơn sốt đất Thủ Thiêm hồi tháng 1. Tuy nhiên đường về bờ với các chứng sĩ còn khá xa.
Tương tự, công ty con của CII là Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng tăng trần lên 30.800 đồng/cổ phiếu với lượng dư mua trần lên tới 819.000 đơn vị.
Một số cổ phiếu bất động sản có phiên tăng trần ấn tượng sau nhiều phiên biến động trước đó như DIG tăng trần lên 84.400 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 3,2 triệu đơn vị, CEO tăng trần 9,9% lên mức 66.900 đồng/cổ phiếu với 6,3 triệu đơn vị.
Dù không tăng trần nhưng L14 cũng bứt phá 9% lên mức 397.900 đồng/cổ phiếu.
Hai cổ phiếu tai tiếng thuộc hệ sinh thái FLC là FLC và ROS cũng tăng trần với lượng dư mua trần rất lớn. FLC tăng trần lên 12.500 đồng/cổ phiếu - dư mua trần 9.3 triệu đơn vị; ROS tăng trần lên 7.980 đồng/cổ phiếu.
Một số cổ phiếu có tính chất đầu cơ trong nhóm bất động sản khác như SCR, DRH, QCG,… cũng tăng trần với lượng dư mua trần lớn.
Phiên 16/2 đánh dấu dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản có tính đầu cơ rất mạnh khiến các cổ phiếu này hồi sinh. Sự hồi sinh của nhóm cổ phiếu bất động sản được đánh giá là "liều thuốc giảm đau" cho những nhà đầu tư đã bị kẹt tại Thủ Thiêm trong con "sóng thần’ của cổ phiếu bất động sản vừa qua.
Mốc 1.230 điểm cản bước VN-Index, khối ngoại mua ròng trở lại
Nhận định chứng khoán 22/11: Nhiều CTCK đồng thuận VN-Index lên 1.240 điểm