Chợ diễn ra trong cảnh tối om, mọi người cùng cầu siêu cho các linh hồn đã khuất, xếp hàng mua gà đen như lộc may mắn đầu năm.
Chợ Âm Dương - nơi "mua may, bán rủi", nằm tại làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh). Theo tương truyền, mỗi năm chợ chỉ họp một lần vào đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5 Tết.
Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất. Chợ không sử dụng đèn sáng mà chỉ có một số ngọn nến nhỏ bé soi hàng. Những người đi chợ không nói cười ồn ào vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian trong chợ.
Theo truyền ngôn từ gần 2.000 năm trước, trên địa bàn Ma Ổ trang hay còn gọi là làng Ó (khu Xuân Ổ, phường Võ Cường, TP. Bắc Ninh ngày nay) đã hình thành một lễ hội đặc biệt, đó là phiên chợ Âm Dương.
Khu chợ nằm giữa đường nối từ đình làng Xuân Ổ sang đền Thượng, nằm ngay cạnh nghĩa trang ngoài cánh đồng.
Theo tài liệu còn lưu giữ lại, năm Nhâm Dần (năm 43) sau Công nguyên, nhà Hán lệnh cho Mã Viện đem quân sang đánh Hai Bà Trưng. Quân giặc đánh đến trấn Vũ Ninh, huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) thì gặp quân của Hai Bà Trưng và xảy ra trận kịch chiến, nhiều quân lính đã hy sinh. Sau trận chiến, nhiều xác chết chất thành gò đống, quạ bay về đen kín cánh đồng nên gọi là đất Ó (quạ đen), không gian u tịch, nhiều oan hồn tử sĩ.
Thân nhân của những người lính đó đã về chiến trường xưa tưởng nhớ người thân vào dịp sau Tết Nguyên đán. Dần dần, người dân quan niệm, cửa âm phủ một năm chỉ mở một lần vào đêm mùng 4, rạng mùng 5 tháng Giêng âm lịch cho người dưới âm lên gặp người thân của mình trên trần gian. Từ đó, sinh ra chợ Âm Dương.
Trong phiên chợ, người dân đến đốt vàng mã cho người âm, lấy tiết gà đen hắt ra cổng xua tà ma. Dân làng mang vàng hương, gạo, muối, gà đen đến bán cho mọi người. Nhưng cả người mua và kẻ bán đều không mặc cả, lặng lẽ không nói gì, không nói mặc cả gọi là "mua may, bán rủi".
Vào dịp đầu xuân, năm nào cũng vậy, mọi người đến hội chợ chỉ cốt được cầu may; những điều rủi ro, phiền muộn sẽ được xóa tan khi vào phiên chợ với mong muốn công việc làm ăn được thuận lợi.
Tuy nhiên, trải qua thời gian, phiên chợ độc đáo không còn tổ chức và chỉ đọng lại trong trí nhớ của người dân, thời gian làm mai một đi một nét đẹp truyền thống tâm linh.
Trước những giá trị văn hóa của phiên chợ Âm Dương, UBND TP. Bắc Ninh đã phục dựng phiên chợ Âm Dương vào năm 2022 và năm 2023 phiên chợ trên tiếp tục được phục dựng và mở rộng quy mô hơn trước.
Vẻ huyền bí và câu chuyện xung quanh phiên chợ đã được lan rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người đã cùng nhau đổ về làng Ó để cầu may, bày tỏ nỗi nhớ quê hương và lòng thương nhớ đối với những người đã khuất trong dịp đầu năm mới.