Sự ma mị, huyền bí và những câu chuyện tâm linh về phiên chợ này đã thu hút sự quan tâm của nhiều du khách gần xa mỗi dịp đầu xuân năm mới.
Mùng 4 Tết hàng năm, dân vùng Kinh Bắc lại có dịp rủ nhau đi chợ Âm Dương với mong muốn “mua may bán rủi”. Đây là một trong những phiên chợ Xuân độc đáo bậc nhất tại Viện Nam và vùng Kinh Bắc bởi sự huyền bí và những huyền thoại tâm linh chưa thể lý giải.
Theo các tài liệu sử sách để lại, chợ Âm Dương có từ năm Nhâm Dần 43 sau Công nguyên và chỉ được họp phiên duy nhất vào đêm mùng 4 và kết thúc vào rạng sáng ngày mùng 5 tháng Giêng. Với ý nghĩa chợ họp là cơ hội để người đã mất và người sống được gặp lại nhau.
Người dân tin rằng, hòa lẫn trong dòng người đến phiên chợ đêm sẽ có cả hương hồn của ông cha, người thân hiện về tìm gặp lại mọi người. Đi chợ Âm Dương cũng là một hình thức để an ủi, động viên nhau xua tan đi nỗi buồn, thương nhớ người thân đã khuất. Chợ không sử dụng đèn sáng mà chỉ có một số ngọn nến nhỏ bé soi hàng. Những người đi chợ không nói cười ồn ào vì sợ những linh hồn hoảng sợ, làm mất đi sự tôn nghiêm của không gian trong chợ.
Người đi chợ chỉ để cầu may, trút bỏ muộn phiền, không quá quan tâm đến việc trao đổi mua bán. Trong chợ người mua không mặc cả, người bán không ra giá. Thường theo dân gian, ở đầu chợ, người ta sẽ đặt một chậu nước để thử tiền âm hay dương. Tương truyền nếu đồng tiền nổi lên thì là tiền của người âm, còn khi chìm xuống thì là tiền của người dương. Sáng hôm sau khi người bán kiểm lại tiền hàng thì nhận thấy trong túi đựng tiền chỉ toàn vỏ hến, lá dong,…
Khung cảnh chợ hiu hắt, không gian tối om như mực, thứ duy nhất chỉ đường dẫn lối cho người mua kẻ bán là ánh nến le lói trong từng gian hàng. Chợ chủ yếu bán hàng mã, hương dùng để đốt cho người đã khuất, ngoài ra còn bán rượu, trầu cau, muối và hoa quả như đu đủ, táo…
Có một loại hàng bán rất đặc biệt đó chính là gà đen, biểu tượng cho sự thần bí, tâm linh. Chỉ những người nào thực sự may mắn nới có thể chen chân và chọn lấy cho mình một con gà đen mang về sau phiên chợ.
Ngay giữa ngã ba chợ, người ta còn bày một mâm cháo cúng với ý nguyện cho người âm được no đủ. Sau khi tan chợ, những người còn lại sẽ mời nhau uống nước, ăn trầu, hát quan họ. Những người đi chợ đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái, người ta quan niệm rằng đây là dịp làm phúc, làm việc thiện với người đã khuất.
Hàng ngàn năm trôi qua, thời gian đã cuốn theo bao nhiêu thay đổi khiến cho phiên chợ tâm linh không còn được duy trì trong nhiều năm. Tuy nhiên, kể từ Tết Nhâm Dần 2022, phiên chợ đặc biệt và ý nghĩa này đã được phục dựng lại.
Trong năm 2024 này, phiên chợ Âm Dương vẫn tiếp tục được duy trì để đem đến không gian sinh hoạt văn hóa mang dâng hương vị cổ truyền. Vẻ đẹp huyền bí và câu chuyện xung quanh phiên chợ đã được lan rộng đến nhiều tỉnh thành trên cả nước. Rất nhiều người đã cùng nhau đổ về làng Ó để cầu may mắn, bày tỏ nỗi nhớ quê hương và lòng thương nhớ đối với những người đã khuất.