Phố cà phê đường tàu ở Hà Nội, nên cấm hay quản?
Dùng mệnh lệnh hành chính có thể dẹp được phố cà phê đường tàu nhưng sẽ làm mất đi “đặc sản” du lịch của Thủ đô. Thực tế, cấm chỗ này lại “mọc” ra chỗ khác. Vậy nên cấm hay quản?
Cà phê đường tàu - điểm check-in nổi tiếng của thành phố Hà Nội đang xảy ra thực trạng vắng bóng lực lượng cảnh sát, dân phòng thì lập tức lại nhộn nhịp du khách.
Những ngày gần đây xảy ra nghịch cảnh dù chỉ cách nhau một con phố Trần Phú nhưng một bên vắng lặng, bên còn lại thì dập dìu khách vào ra. Nguyên nhân do đoạn từ Trần Phú đến Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm) các chốt gác được dựng lên, lực lượng an ninh chốt chặn. Vậy là du khách lại sang tuyến phố nằm trên quận Ba Đình. Ngay sau đó Công an phường Điện Biên (quận Ba Đình) đã xử phạt 4 trường hợp vi phạm.
Được biết mô hình kinh doanh cà phê đường tàu xuất hiện từ khoảng năm 2017 - 2018. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có khoảng hơn 30 quán cà phê đường tàu. Phố cà phê đường tàu ở phía quận Ba Đình có 15/19 căn nhà có người dân sinh sống với tổng số 16 hộ dân (53 nhân khẩu sinh sống). Hầu hết cư dân đường tàu đã ở khu vực này hơn 80 năm.
Tất cả đều đang vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Tháng 8/2022, ngành đường sắt đã đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp xử lý tình trạng du khách thoải mái đi trên đường ray quay phim chụp ảnh; người dân bán hàng cà phê, giải khát tại phố cà phê đường tàu.
Trước kiến nghị này, hai quận Ba Đình, Hoàn Kiếm đã dựng rào chắn, để biển cảnh báo nghiêm cấm du khách đi vào khu vực và cắt cử lực lượng an ninh, dân phòng canh gác. Thế nhưng sau bao lần địa phương ra quân xử lý thì điểm check-in này vẫn thu hút khách du lịch, đặc biệt khách quốc tế.
Chỉ cần lực lượng an ninh lơi là thì người dân kinh doanh cà phê lập tức dẫn khách vào bên trong. Trong tháng 9, 11/2023, Công an phường Điện Biên đã ra quyết định xử phạt 7 trường hợp với tổng số tiền 2,8 triệu đồng. Đây là những hộ gia đình mà trước đó đã ký bản cam đoan cam kết không vi phạm.
Nên cấm hay quản?
Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng chỉ khi đưa đường sắt ra khỏi nội đô hoặc giải tỏa hết nhà dân đang sinh sống trong phạm vi an toàn hành lang đường sắt theo đúng quy định thì khi đó mới giải quyết triệt để được tình trạng này.
Công an phường Điện Biên cũng từng kiến nghị Sở Du lịch phải ra thông báo khuyến cáo khách du lịch nước ngoài không đến tham quan chụp ảnh tại đây. Thế những trên thực tế, ở những tờ rơi giới thiệu tour du lịch Hà Nội hay theo giới thiệu từ các hướng dẫn viên thì cà phê đường tàu luôn là điểm check-in được khuyến cáo “không nên bỏ qua”.
Trao đổi với PV VietNamNet về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức - chuyên gia giao thông cho rằng, đường tàu với người dân Hà Nội trở nên quá quen thuộc. Nhưng nó lại trở thành một trong những điểm check-in ưa thích của du khách quốc tế. Điều này có 2 mặt lợi và hại. Về mặt lợi ích, đây được xem như “đặc sản”, là điểm check-in không thể bỏ qua khi đến với Thủ đô. Nhưng mặt trái nó cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
“Chúng ta cần cân nhắc hài hoà. Nếu cấm triệt để tôi nghĩ cũng sẽ làm được nhưng rõ ràng mất đi sự hấp dẫn của Thủ đô. Nhưng để tự do phát triển như hiện nay thì đối diện với nguy cơ mất an toàn.
Vì thế, tại sao không tổ chức mà cứ để tự phát dẫn đến tình trạng ngăn cấm đoạn này lại chạy sang đoạn khác. Cấm thời điểm này, thời gian sau lại nhộn nhịp trở lại?
Rõ ràng xã hội có nhu cầu thì chúng ta nên nghĩ cách cung cấp như thế nào? Tôi cho rằng biện pháp cấm không mang lại hiệu quả. Theo tôi, cách tốt nhất hiện nay thay vì cấm thì cơ quan chức năng nên tổ chức lại hoạt động này mà không để tự phát như hiện nay”, ông Đức kiến nghị.
Chuyên gia đề xuất quản lý bài bản “phố” cà phê đường tàu với những quy định rõ ràng đối với người bán hàng cũng như du khách. Các quán cà phê phải đảm bảo những điều kiện về khoảng cách, về việc lập hàng rào đảm bảo an toàn; hành khách chỉ được đến vào giờ nào… Song song đó, phải bố trí lực lượng an ninh với nhiệm vụ cảnh báo khi đoàn tàu gần đến.
“Đường sắt hoàn toàn có thể cử người ra trông coi chỗ đó. Thay vì để người dân tự đứng ra thu tiền du khách thì đường sắt làm việc này (bán vé, giá vé được niêm yết công khai); du khách chỉ được đến check-in ở những khung giờ nhất định, có lối đi đảm bảo an toàn.
Không nên phó mặc cho địa phương quản lý và càng không nên để người dân kinh doanh tự phát vì có cung ắt có cầu, không thể đem tư duy không quản được thì cấm”, ông Đức bày tỏ.
Đại diện Việt Nam thăng hạng trong BXH đại học phát triển bền vững nhất thế giới 2025
Phá đường dây lừa đảo quốc tế qua sàn giao dịch ngoại hối, chiếm đoạt hơn 30 tỷ đồng